Thủ đoạn lèo lái dư luận không thể xuyên tạc được niềm tự hào dân tộc

Khi người dân hân hoan chào đón đội bóng trẻ U23 Việt Nam từ Thường Châu, Trung Quốc trở về thì một số trang mạng nước ngoài lại có những bài viết xuyên tạc, lèo lái dư luận…
U23 Việt Nam đã thắp lại ngọn lửa tình yêu bóng đá
Tuyển thủ U23 cùng ký lên lá cờ Chủ tịch Quốc hội mang về từ Lũng Cú
Báo chí chính thống phải chủ động đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc

Sau những ngày thi đấu ở Thường Châu, Trung Quốc, đội bóng trẻ U23 của chúng ta đã về nước trong sự chào đón hân hoan của người hâm mộ. Chúng ta thực sự tự hào, vỡ òa cảm xúc khi chứng kiến trên suốt chặng đường hơn 30km, từ sân bay Nội Bài đến trung tâm Hà Nội và ngay sau đó ở sân vận động Mỹ Đình, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng hàng triệu người dân chào đón con em mình trong đêm lễ hội vinh danh… Tương tự như vậy, cờ, hoa đã nhuộm đỏ các đường phố khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thế nhưng trên một số trang mạng nước ngoài lại có những bài viết xuyên tạc, lèo lái dư luận. Trên trang “DL” xuyên tạc “bóng đá là “van xả” bức xúc xã hội ở Việt Nam”.

Theo bài viết này, “van xả” (bức xúc) ở các nước là các cuộc biểu tình tự do, các buổi lễ hội âm nhạc tự do ngoài trời, không bị kiểm soát hay kiểm duyệt bởi chính quyền… Còn “tại Việt Nam, hoàn toàn không có cơ chế để vận hành một “van xả” như vậy…”.

Từ đó, bài viết quy chụp: “đừng bất ngờ khi hàng triệu người dân Việt Nam đổ ra đường để hò hét, khua chiêng, gõ trống, thổi kèn ăn mừng chiến thắng. Đơn giản vì qua hoạt động xuống đường này, người dân Việt Nam có cơ hội để xả đi các bức xúc dồn nén trong cuộc sống, phá đi bức tường quản lý xã hội ngột ngạt nhằm tận hưởng hương vị và trạng thái của tự do mà không bị quy vào tội “gây rối trật tự công cộng”.

Người hâm mộ hân hoan chào đón đội bóng trẻ U23 Việt Nam.
Ngay lập tức, kiểu lèo lái dư luận, bóp méo sự thật này được phát tán trên nhiều trang mạng có dụng ý xấu khác… Có thể nói, thủ đoạn lèo lái dư luận, làm biến dạng sự thật nói trên là một thứ “tư duy bệnh hoạn”.

Việc lọt vào chung kết và giành huy chương Bạc U23 châu Á là thành tích chưa từng có trong bóng đá nước nhà. Thành tích lịch sử đó thực sự lay động đến tình cảm của mọi người dân, từ tình yêu bóng đá đến lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Bởi vậy, từ Nam đến Bắc, từ vùng nông thôn xa xôi đến thành thị, người dân và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chào đón các em bằng cờ hoa với tình cảm, sự quý trọng, thương yêu đặc biệt.

Nhắc lại về kỳ tích của U23 Việt Nam, có người gọi chặng đường đi đến trận chung kết của U23 Việt Nam là hành trình “có một không hai”. Mỹ từ khác là “hành trình kỳ diệu”, từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: Từ thất bại (1-2 trước U23 Hàn Quốc) đến hy vọng vào tứ kết (thắng Australia 1-0); trụ vững trước Syria (0-0 ở cuối vòng bảng); lần lượt đánh bại Iraq, Qatar đều trên chấm penalty…

Theo dõi các trận đấu của U23 Việt Nam cho thấy, vượt lên những khó khăn, bất lợi về điều kiện thi đấu song tinh thần quật cường, khát khao chiến thắng, vượt lên chính mình trước những đối thủ mạnh hơn nhiều mặt, U23 của chúng ta đã thể hiện bản lĩnh bất khuất, kiên cường, đoàn kết vì màu cờ, sắc áo.

Chẳng hạn, với “cuộc chiến trên băng tuyết” trong trận chung kết với U23 Uzbekistan, ai cũng thấy đối thủ mạnh hơn ta về nhiều mặt, từ thể lực, thể hình cho tới cả lợi thế quen thuộc với giá lạnh. Trong khi U23 Việt Nam có lẽ còn nhiều cầu thủ chưa thấy tuyết bao giờ. Thế nhưng, các em đã chơi với tinh thần của “những chiến binh” đầy quả cảm.

Bị dẫn trước, trong điều kiện thời tiết bất lợi nhiều người đã lo ngại thầy trò của HLV Park Hang-seo sẽ nao núng tinh thần. Nhưng U23 Việt Nam vẫn duy trì nhịp độ đáng ngạc nhiên và đã mang về bàn thắng với cú đá phạt siêu phẩm của Quang Hải.

Nhìn lại chặng đường U23 đã qua, thật sự đã có máu đổ trên khuôn mặt nhiều cầu thủ. Các em đã chơi bóng bằng trái tim quả cảm, bằng sức mạnh tinh thần và lòng tự hào dân tộc. Đây là lý do vì sao hàng triệu người dân khen ngợi, ngưỡng mộ U23 Việt Nam. U23 Việt Nam đã thật sự là người chiến thắng, nhà vô địch trong lòng dân tộc, trong lòng người hâm mộ.

Các cầu thủ U23 của chúng ta không chỉ đạt thành tích cao trong thi đấu mà còn thể hiện nhiều phẩm chất đạo đức trong sáng. Đó là sự khiêm tốn: Thủ môn tài năng Bùi Tiến Dũng đã xin lỗi người hâm mộ (vì để lọt lưới trong trận đấu với Uzbekistan). Xuân Trường nói: “U23 Việt Nam không có ngôi sao. Chúng em chỉ có 1 ngôi sao, đó là ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ bên ngực”.

Người nước ngoài cũng đánh giá cao chiến thắng và những phẩm chất của các cầu thủ U23 Việt Nam. Huấn luyện trưởng đội Uzbekistan cho rằng: “U23 Việt Nam là đội đá đẹp nhất”.

Rõ ràng, nguyên nhân trực tiếp và sâu xa trong chiến thắng của U23 Việt Nam và sự ngưỡng mộ của người dân đối với các cầu thủ trẻ của chúng ta là sự tích hợp nhiều nhân tố: từ kỹ, chiến thuật của từng cá nhân và tập thể đội bóng đến tài năng của HLV Park Hang-seo, tinh thần đoàn kết, quật cường, ý chí, bản lĩnh và tất nhiên cả thêm yếu tố may mắn (vốn là một phần của bóng đá).

Với thành tích chưa từng có trong lịch sử, việc hàng triệu người dân xuống đường hoặc bằng các hình thức cổ vũ, hân hoan chào đón là điều hiển nhiên. Đó cũng là điều thường thấy trong môn “thể thao vua” ở nhiều nơi trên thế giới khi đội bóng của dân tộc họ lập thành tích, kỳ tích.

Việc biến hình ảnh hàng triệu người dân Việt Nam cờ đỏ sao vàng xuống đường ăn mừng và chào đón các cầu thủ trở về thành chuyện chính trị, xuyên tạc vấn đề thể thao thành “xuống đường giải tỏa áp lực tâm lý bị đè nén về chính trị” là một sự bẻ bút với động cơ đê hèn. Không một quốc gia nào chấp nhận việc đảo lộn sự thật vốn là niềm tự hào, tự tôn dân tộc như vậy. Ở đâu trên thế giới này, hành vi bôi đen dơ bẩn đó đều bị lên án, tẩy chay…

Vọng Đức/Báo CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *