Cách mạng 4.0: Cơ hội hay thách thức ?

Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nó sẽ diễn biến rất nhanh và là sự kết hợp của công nghệ với các lĩnh vực vật lý, số hóa, sinh học, … Nó sẽ tạo ra những sự thay đổi mới, những khả năng hoàn toàn mới và tác động đến cuộc sống của chúng ta từ những điều nhỏ nhất.
Sau 3 cuộc cách mạng trước đây, bản đồ kinh tế thế giới đã được thay đổi, và lần này cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần, dự đoán sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thế giới và cư dân toàn cầu, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính phủ, doanh nghiệp, kinh doanh, tổ chức, cá nhân, an ninh… Đối với kinh tế là những thay đổi về tăng trưởng, việc làm và bản chất công việc. Đối với chính phủ, đó là những tác động tới chỉ đạo và điều hành trong thời đại số, sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Đối với doanh nghiệp, kinh doanh là kỳ vọng của người tiêu dùng, dữ liệu, thông tin sản phẩm, hợp tác đổi mới và các mô hình hoạt động mới, các dịch vụ và mô hình kinh doanh. Đối với xã hội là sự bất bình đẳng giữa các cộng đồng, và bất lợi cho tầng lớp trung lưu. Đối với cá nhân là quan hệ giữa người với người, vấn đề đạo đức, quản lý thông tin cá nhân…

Hiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, châu Á. Việt Nam vẫn đang ở trong cả 3 cuộc cách mạng thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Và nay chuyển sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ hội lớn để phát triển kinh tế – xã hội mọi mặt. Việt Nam cũng nắm bắt rất nhanh xu hướng chung của thế giới, nhìn nhận ra được những vấn đề của xã hội trong thời đại số hóa và tìm cách giải quyết chúng. Sau năm 2016 – năm khởi nghiệp quốc gia với sự nở rộ của các startup thành công như Monkey Junior (phần mềm dạy tiếng anh cho trẻ em) hay vòng tay thông minh Misfit, câu chuyện khởi nghiệp trong mơ của những người Việt Nam tại thung lũng Silicon hoặc Cốc cốc, câu chuyện của 3 chàng sinh viên nắm bắt được kịp thời và đúng vấn đề của xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để trở thành một trong các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cạnh tranh với tập đoàn GOOGLE tại thị trường Việt Nam. Năm 2016, chính phủ đã phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 với mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp lý, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thủ tướng chính phủ đặc biệt đề cao và quan tâm đến các doanh nghiệp khởi nghiệp vì đây là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước trong tương lai và để làm được điều đó, chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cắt bỏ các giấy phép còn trái luật, sửa đổi các điều kiện kinh doanh chưa phù hợp, chồng chéo gây khó khăn cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Những động thái ấy đã tạo được niềm tin cho cộng đồng khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp chưa từng có. Tổng kết lại năm 2017, Startup Việt Nam đã có được nhiều kết quả đáng mừng và được đánh giá rất cao trong khu vực dưới con mắt của các nhà đầu tư, điển hình như TIKI – doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến đã nhận được khoản đầu tư hơn 1000 tỷ đồng từ tập đoàn Alibaba, … bên cạnh đó các doanh nghiệp lớn của thế hệ đầu tiên cũng đã đế ý và đầu tư mạnh mẽ cho đội ngũ kế cận trong thời đại mới điển hình như câu chuyện đầu tư của Viettel vào Gonow với mong ước người Việt Nam sẽ dành lại thị phần Việt Nam từ tay các công ty đa quốc gia lớn như Uber hay Grab.

Tiki – doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam

Về mặt tích cực, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều kiện để thúc đẩy sản xuất, đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển kinh tế ở nước ta. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giữ gìn, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những thành tựu công nghệ của cách mạng 4.0 có thể ứng dụng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Việc tăng cường kết nối toàn cầu và phát triển tự động hoá có thể giúp nâng cao quan hệ phối hợp giữa Công an Việt Nam với các lực lượng trong và ngoài nước, trong và ngoài ngành trong đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia, băng ổ nhóm; giúp giảm thiệt hại về người và của, đảm bảo an toàn cho các lực lượng khi thi hành công vụ hơn. Nếu biết đón đầu, chủ động phát huy mặt tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đời sống nhân dân được nâng cao là điều kiện để hạn chế tội phạm và tệ nạn xã hội phát sinh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức phải đối mặt, trong đó có thách thức trong tình hình an ninh trật tự. Mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng, đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Việt Nam có lợi thế địa lý kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào, tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu lắp ráp, tuy nhiên, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đổ bộ thì những điều trên sẽ thay đổi, làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ, cũng như lợi thế địa kinh tế khi đưa công nghiệp chế tạo quay lại các nước phát triển để gần thị trường tiêu thụ. Với tình thế đó, Việt Nam sẽ chịu áp lực tụt hậu nhưng vẫn phải hội nhập vào thế giới công nghệ cao và cạnh tranh trong đó. Thất nghiệp và lạm phát là hai vấn đề nan giải nhất của nước ta trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và sự ổn định kinh tế – chính trị – xã hội nói chung, an ninh trật tự nói riêng, ảnh hưởng rất lớn đến từng cá nhân và gia đình trong xã hội, cắt đứt nguồn thu nhập chủ yếu hoặc duy nhất, cắt đứt phương tiện sinh sống của người lao động và gia đình họ, đẩy những người này vào cảnh túng quẫn không có khả năng thanh toán cho các chi phí thường ngày, gia tăng lượng người vô gia cư, tổn hại về mặt tinh thần và sức khỏe cho người lao động Nhiều người thất nghiệp cũng đồng nghĩa với các tệ nạn xã hội, tội phạm sẽ có nguy cơ ngày càng gia tăng… Đối với quốc gia, thất nghiệp là sự phí phạm nguồn nhân lực, không thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đồng thời dễ dẫn đến những xáo trộn về xã hội, thậm chí dẫn đến biến động về chính trị, gây bất ổn tới an ninh quốc gia, nguy cơ biểu tình, đình công, người lao động dễ bị xúi giục tuyên truyền lệch lạc, phản động.
Những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Nếu chính phủ không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể.

Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, xảo quyệt

Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thủ đoạn tội phạm lại càng đa dạng và tinh vi hơn; thâm nhập vào đời sống dân sinh để lừa đảo dưới mọi hình thức, chiêu trò, mánh khóe trên tất cả bình diện. Trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không gian mạng phức hợp đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, do đó nếu thông tin cá nhân không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Thậm chí, đối tượng tấn công của loại tội phạm này có thể là cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước, kể cả các cơ quan an ninh quốc phòng, các cơ sở dữ liệu về tài chính, ngân hàng, giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc, các công ty thương mại điện tử, các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng, các máy ATM… ngày càng nhận thấy rõ nét hơn sự phối hợp của tội phạm trong nước và quốc tế tấn công vào các mạng máy tính trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, sử dụng thông tin thẻ tín dụng làm thẻ “trắng” giả rút tiền ở ATM, thẻ “màu” giả để mua hàng, mua vé máy bay, thanh toán tiền khách sạn… thiệt hại do lộ thông tin bí mật quốc gia sẽ khó có thể ước tính được nếu không có sự chuẩn bị đối phó từ bây giờ. Nhu cầu an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao ngày càng gay gắt mang tính sống còn trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Cuộc cách mạng 4.0 vẫn đang trong giai đoạn khởi phát nên sẽ là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép bởi cuộc cách mạng này đặt ra cho kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của Việt Nam nói chung, an ninh trật tự nói riêng là rất lớn. Cơ hội và thách thức sẽ là hai mặt song hành của cuộc cách mạng 4.0 tác động đến Việt Nam trên mọi lĩnh vực và có thể chuyển hóa qua lại lẫn nhau. Nếu không nắm bắt được cơ hội, nó sẽ trở thành thách thức. Thách thức nếu vượt qua sẽ trở thành cơ hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *