Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Những ngày gần đây, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trên trang mạng “Baotiengdan”, Nguyễn Công Bình – Linh mục Giáo phận Vinh và Nguyễn Mạnh Hùng – Mục sư Sài Gòn (sau đây gọi tắt là Linh mục Bình và Mục sư Hùng) cho rằng: “Các tôn giáo thay vì được tự do để thành nhà giáo dục lương tâm cho xã hội thì bị chế độ tìm mọi cách để bó buộc im tiếng hay biến thành công cụ”. Vậy có đúng là các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang bị chế độ tìm mọi cách để bó buộc im tiếng hay biến thành công cụ? Phải khẳng định là không đúng như vậy. Thực chất của luận điệu này, là cố tình xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Không thể chấp nhận sự suy diễn, ngụy tạo nguy hiểm này; ngược lại, cần được kiên quyết đấu tranh với sự cáo buộc sai trái này của Linh mục Bình và Mục sư Hùng.

Trên thế giới, ai cũng biết rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc). Theo đó, Điều 18 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 ghi nhận: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng. Các quyền này đã được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cụ thể hoá và quy định tại Điều 18 rằng: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo…; Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ… Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Như vậy, theo quan điểm được thể hiện trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mặc dù tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền đó không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có thể bị giới hạn bởi pháp luật, nếu việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.

Ở Việt Nam, không chỉ được Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận, mà trong thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được Nhà nước ta tôn trọng, bảo đảm. Theo đó, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 ghi: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Để cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 3 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 của Nhà nước Việt Nam quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, Điều 6 của Luật này quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.

Bộ Luật hình sự (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định: người nào có hành vi “gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội” là tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116) sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Và “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” là tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm (Điều 164).

Như vậy, Hiến pháp, Bộ Luật hình sự, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức tôn giáo cũng như Nhà nước trong việc thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các văn bản quy phạm pháp luật này trước khi ban hành đều được lấy ý kiến công khai, rộng rãi trong xã hội và phù hợp với các điều luật quốc tế về tín ngưỡng, tôn giáo. Vậy tại sao Linh mục Bình và Mục sư Hùng lại cho rằng, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bị vi phạm, bóp nghẹt. Hơn thế nữa, họ còn vu cáo chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động tôn giáo, đàn áp tôn giáo, đòi thả tự do cho những người vi phạm pháp luật liên quan đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Không chỉ xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Linh mục Bình và Mục sư Hùng còn bôi đen tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam và đòi hoạt động của các tôn giáo là một quyền tuyệt đối, không bị hạn chế, không chịu sự quản lý của Nhà nước. Đây là quan điểm sai trái, vô lý, không thể chấp nhận. Cũng như mọi nhà nước trên thế giới, Nhà nước Việt Nam có toàn quyền quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Và trong thực tế Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi quyền ngăn chặn sự vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước đã có những biện pháp, chế tài nhằm hỗ trợ cho công dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, Nhà nước còn chủ động đưa ra các kế hoạch, chính sách, đề án, chương trình cụ thể để mọi công dân thực hiện các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật Nhà nước.

Như vậy, việc Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về vấn đề tôn giáo, không phải là để can thiệp, hay hạn chế tự do tôn giáo như Linh mục Bình và Mục sư Hùng rêu rao, mà nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được tốt hơn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững đất nước. Vì thế, sự ngụy biện về một thứ tự do tôn giáo tuyệt đối như Linh mục Bình và Mục sư Hùng đề cập, dù với mục đích gì, đều phi thực tiễn và không thể chấp nhận./.

nguồn: Trần Đăng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *