Không giúp đỡ người gặp tai nạn: Chế tài xử lý?

Hiện nay xảy ra rất nhiều trường hợp người đi đường chứng kiến người bị tai nạn giao thông hoặc các loại tai nạn nguy hiểm khác nhưng thờ ơ,  bàng quan bỏ mặc. Liệu có chế tài xử lý theo pháp luật hành vi này?

     Ảnh minh họa

Điều 38 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:

“2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: a) Bảo vệ hiện trường; b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn; đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này”.

Trong rất nhiều trường hợp và nhiều lý do khác nhau, người đi đường chứng kiến nhưng thờ ơ, không cứu giúp đối với nạn nhân. Cần phải khẳng định rằng, sự thờ ơ đó, không chỉ đáng bị lên án về mặt đạo đức, mà còn bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 11, khoản 3 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 26 tháng 5 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu; b) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ”.

Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn và những người điều khiển phương tiện khác đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn nếu có điều kiện để cứu giúp mà không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu thì bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì hành vi trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguồn: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN (Báo mới)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *