Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong hội nhập quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, văn hoá Việt Nam có cơ hội giao lưu với tất cả các nền văn hoá của thế giới, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển và khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc. Do vậy, nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế và việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.

Hội nhập quốc tế đã và đang tác động đến những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực. Một mặt, nó góp phần nâng cao trình độ tư duy khoa học của xã hội công nghiệp, góp phần làm giàu thêm, phong phú thêm các giá trị văn hoá Việt Nam truyền thống. Mặt khác, nó cũng đặt ra những thách thức lớn trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, và thách thức lớn nhất là làm thế nào để nền văn hóa dân tộc vừa có thể tiếp thu được các giá trị thời đại, tinh hoa văn hoá nhân loại, vừa có thể giữ được bản sắc dân tộc vốn có; không bị hoà tan, không bị nhấn chìm vào các nền văn hóa khác hoặc trở thành “cái bóng mờ” của dân tộc khác, nền văn hoá khác. Giá trị văn hóa truyền thống là những giá trị thuộc về tư tưởng, lối sống, chuẩn mực đạo đức được cộng đồng thừa nhận và bảo tồn, gìn giữ từ đời này sang đời khác… Không dựa trên nền tảng của giá trị văn hóa truyền thống thì không thể tiếp thu có hiệu quả những thành tựu hiện đại và càng không thể có sự phát triển lâu bền. Do vậy, giải quyết tốt quan hệ giữa hội nhập quốc tế với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là một yêu cầu tất yếu, vừa có tính cấp bách, trước mắt, vừa mang tính chiến lược, lâu dài nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, để văn hóa thực sự là nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Để giải quyết tốt quan hệ giữa hội nhập quốc tế với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cần thực hiện tốt một số định hướng cơ bản sau đây:

Thứ nhấtphải xây dựng hệ giá trị Việt Nam, chuẩn giá trị Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Hệ giá trị văn hóa trước đây của chúng ta là văn hóa nông nghiệp – nông thôn gắn với văn hóa làng xã, những giá trị đó đã nuôi dưỡng tinh thần dân tộc trong những dặm trường lịch sử. Để văn hóa truyền thống Việt Nam vững vàng trước những “va chạm”, “xung đột” văn hóa của thời đại hội nhập, để xây dựng hệ giá trị người Việt Nam làm nền tảng, động lực đưa đất nước vươn ra “biển lớn”, cần có sự điều chỉnh phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển và cần xác lập một hệ giá trị mới: Hệ giá trị văn hóa công nghiệp – đô thị – hội nhập, để đất nước vững vàng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập trong một thế giới phẳng. Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay chúng ta cần xác định trọng tâm là xây dựng con người với các đặc tính cơ bản như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo…và xây dựng một hệ giá trị thích hợp để phát huy được những điểm mạnh và hạn chế thói hư tật xấu của người Việt. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị các yếu tố cần thiết để chắt lọc thẩm thấu tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời loại bỏ các “dị tật” ngoại lai.

Thứ hai, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong hội nhập, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là quan trọng song giữ gìn bản sắc không phải là một hiện tượng cố hữu, bất biến. Văn hóa luôn nằm trong quá trình hiện đại hóa, nó phải trở thành sức sống hiện đại của dân tộc. Giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Mặt khác, giữ gìn bản sắc không loại trừ sự tiếp biến văn hóa; văn hóa dân tộc phải hội lưu với văn hóa nhân loại, rồi theo dòng chảy của nó mà tiếp thu những cái “chân – thiện – mỹ” của các nền văn hóa trên thế giới để bồi đắp cho văn hóa bản địa. Giữ gìn bản sắc cũng phải trên cơ sở vừa thừa kế, vừa không ngừng tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại để làm sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần củng cố và làm phong phú hơn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và “tinh hoa” ở đây cũng phải hiểu trên cơ sở kế thừa, chứ không phải là một thứ bất biến. Đồng thời, qua đó, cũng góp phần làm phong phú văn hóa thế giới khi chính các nền văn hóa ngoại lai cũng tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Thứ ba, chống thái độ bảo thủ, thái độ hư vô trong giải quyết quan hệ giữa hội nhập quốc tế và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Giữ gìn văn hóa truyền thống là việc phải làm nhưng không sa vào bảo thủ khi đề cao quá văn hóa dân tộc truyền thống mà coi nhẹ và không chịu tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Tự khép kín là làm trái quy luật phát triển, làm cho nền văn hóa trở nên nghèo nàn, đơn điệu. Tôn sùng chủ nghĩa dân tộc thái quá dễ dẫn đến những thái độ cực đoan, sai lầm, bảo thủ và lạc hậu. Điều này sẽ kéo theo sự kìm hãm, níu kéo, làm chậm sự phát triển. Bên cạnh đó cùng cần chống quan điểm coi nhẹ, hạ thấp vai trò và các giá trị của văn hóa truyền thống, chạy theo thị hiếu và các giá trị văn hóa ngoại lai, tệ sùng bái nước ngoài, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *