NGÀY NÀY NĂM XƯA : LỜI BÁC HỒ DẠY

Chủ tịch Hồ Chí Minh hay chúng ta còn gọi với cái tên gần gùi hơn là Bác Hồ lúc còn sống đã để lại rất nhiều lời dạy có ý nghĩa thực tiễn cho đến ngày nay. Hôm nay, ngày 02/3 chúng ta sẽ nhớ lại lời dạy của Bác năm xưa dành cho các Cán bộ lãnh đạo và đến giờ chúng ta vẫn còn nghe nhắc đến rất nhiều.

Ngày 02/3 Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ lãnh đạo phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”


“Cần”, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là cần cù lao động, có tinh thần khuyến khích và giúp đỡ người khác làm tốt công việc; là tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc mình đảm nhiệm. Tính hiệu quả là yêu cầu bức thiết trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cán bộ quản lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, “cần” trong giai đoạn phat triển và hội nhập ở nước ta là đức tính không thể không có đối với người cán bộ quản lý.
“Kiệm”, có nghĩa là người lãnh đạo phải biết tiết kiệm thời gian, tiền của của mình và của nhân dân, tiết kiệm trong đời sống, trong sinh hoạt; kiên quyết chống lãng phí, xa hoa của cải của cá nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cũng nên suy nghĩ đúng đắn về “kiệm”, không nên hiểu “kiệm” chỉ có nghĩa hẹp, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải “thắt lưng, buộc bụng”, nắm cơm với quả cà để xây dựng chủ nghĩa xã hội; hay cán bộ không được mua sắm và sử dụng những phương tiện hiện đại phục vụ cho công việc trong khi đã có điều kiện. Như Bác Hồ từng nói “khi có việc đáng làm, vì lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng… việc đáng tiêu dùng mà không tiêu là bủn xỉn, dại dột chứ không phải là “kiệm”. Cái mà chúng ta giáo dục, đấu tranh với cán bộ là lối sống gấp, lãng phí, chạy theo thị hiếu không lành mạnh dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống.
Để được kính trọng, người cán bộ lãnh đạo phải “liêm”. “Liêm” là không tham ô, tôn trọng tài sản cua công và của nhân dân. Để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, trước hết đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương về “liêm”, cán bộ lãnh đạo, quản lý không nghiêm, phạm vào các thói hư như tham ô, tư lợi bất chính, lãng phí… thì không mang lại niềm tin cho quần chúng, làm suy yếu nội bộ Đảng và xã hội. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng đã trở thành tội phạm chỉ vì bất “liêm”.
“Chính” là việc phải dù nhỏ cũng phải làm, việc trái dù nhỏ cũng phải tránh. “Chính” đòi hỏi người cán bộ phải có tính thẳng thắn, trung thực, làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không trung thực, cơ hội, làm việc bất chính. “Chính” cũng có nghĩa gần với chân lý, là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích, Tổ quốc, của nhân dân không phải là “chính”, không phải là chân lý. Người ra sức phụng sự Tổ quốc, nhân dân, tức là phục tùng chính nghĩa và chân lý. “Chính” là một trong những phẩm chất, tư cách của người cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giai đoạn mà Việt Nam ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới, người cán bộ cách mạng nhất thiết phải có những phẩm chất đó.
“Chí công vô tư” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được hiểu với nghĩa quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người bao giờ cũng gắn liền với xã hội, không cô lập, tách rời với lợi ích xã hội. Hoạt động của cá nhân phải trên cơ sở nền tảng của xã hội, vì xã hội, trong đó có quyền lợi trực tiếp của bản thân mình. Mọi người phải đặt lợi ích chung của tập thể, của Quốc gia, dân tộc trên lợi ích cá nhân. Cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng không vì quyền lợi (nhất là quyền lợi không chính đáng) của riêng mình mà phạm đến lợi ích tập thể, lợi ích Quốc gia. Bác Hồ đã dạy về “chí công vô tư” là “đem lòng chí công vô tư” mà đối với người, đối với việc: Ham làm những việc ích nước lợi dân, không ham địa vị, công danh phú quý”. Chí công vô tư với ý nghĩa như vậy, vẫn phải là nội dung giáo dục và xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng trong giai đoạn cách mạng hiện nay ở nước ta.
“Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” là những phẩm chất đạo đức căn bản phải có của người cách mạng, người cán bộ lãnh đạo, quản lý.
nguồn : sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *