THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG TRONG LÒNG ANH HÙNG HỒ GIÁO

Ở Quảng Ngãi có hai con người, ở hai cương vị và lĩnh vực khác nhau nhưng đều rất nổi tiếng. Đó là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Anh hùng Lao động Hồ Giáo. Mỗi khi nhắc đến đồng chí Phạm Văn Đồng, lòng ông Giáo lại rưng rưng. Bác Đồng là một nhân cách lớn mà suốt đời ông Hồ Giáo tri ân.
Sau khi rời cương vị đứng đầu Chính phủ và thôi giữ chức Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường xuyên về thăm quê Quảng Ngãi hơn. Mỗi lần về Quảng Ngãi, một trong những người mà ông không thể không ghé thăm là Anh hùng Hồ Giáo.
Lúc thì Bác Đồng lên trại trâu của ông Giáo tận trên Nghĩa Hành, khi thì ông cho người mời ông Giáo xuống chỗ ông nghỉ để hai người thăm hỏi, hàn huyên hàng giờ. Chỉ một lần gặp gỡ cách nay đã 45 năm mà hai con người ấy đã gắn với nhau như những người ruột thịt.
Ông Hồ Giáo nhớ lại: “Năm 1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên Ba Vì để thăm nông trường. Bấy giờ tôi vừa rời quân ngũ và trở thành công nhân nuôi bò tại đây. Nhiều người vây lấy Thủ tướng hỏi han đủ chuyện, chỉ có tôi là đứng thật xa để ngắm ông với tất cả sự kính trọng và ngưỡng mộ của mình. Thấy tôi rụt rè, ông hỏi thăm và được biết tôi cũng là người Quảng Ngãi. Sau khi thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, nơi làm việc, ông dặn tôi là lúc nào rỗi rãi nên viết thư cho ông! Tôi phải khai thiệt với Thủ tướng là tôi chỉ mới học vỡ lòng nên chuyện viết thư là rất khó khăn. Ông không nói gì mà chỉ động viên tôi phải sắp xếp thời gian để học chữ. Chừng một tuần sau, tôi nhận được một gói quà từ Hà Nội gửi lên. Tôi quá bất ngờ và xúc động khi biết đó là quà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Mở ra xem thì toàn là vở và bút. Tôi đã hiểu ra mọi điều”.
Những ngày sau đó, Hồ Giáo vừa đánh vật với đàn bò hàng trăm con, đêm về ông còn phải “đánh vật” với những con chữ – những thứ rất xa xa lạ với ông. “Mài” riết rồi cũng viết được thư gửi cho Thủ tướng! Ký ức từ hơn 40 năm trước như ùa về trong lòng ông Giáo. Ông kể: “Trong thư đầu tiên gửi cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi gọi ông bằng chú, xưng cháu chứ không gọi “đồng chí”. Chỉ chọn cách xưng hô ấy thôi mà khiến tôi mất ngủ mấy đêm liền. Mình gọi bằng gì cho phải đạo đây? Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong tôi suốt ngày, cuối cùng tôi đánh liều gọi ông bằng “chú”, vì tôi luôn nghĩ rằng ông như cha của mình. Và ông đã chấp nhận, dù lá thư ấy chỉ viết đúng một trang giấy vở học trò mà những từ “chú-cháu” ấy đã chiếm hết … nửa trang rồi”. Cũng từ đấy, mỗi lần về Hà Nội, Hồ Giáo không quên ghé thăm Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Năm 1966, hay tin Hồ Giáo được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có mời ông vào Phủ Thủ tướng để dùng cơm. Mấy chục năm rồi mà ông Giáo vẫn không quên động tác gắp thức ăn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng bỏ vào chén cho ông hôm đó cùng lời dặn: “Cháu như vậy là tốt rồi, nhưng phải học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa mới mong sớm trở về miền Nam!”.
Sau giải phóng miền Nam, trại trâu tận Sông Bé gọi ông Hồ Giáo vào. Đúng như lời dặn của Bác Đồng, ông Hồ Giáo đã học tập và rèn luyện không ngừng để đến năm 1986, ông được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thêm một lần nữa. Hồ Giáo là người Việt Nam duy nhất cho đến lúc này, có hai lần vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động!
Chưa hết, khi Chính phủ Ấn Độ tặng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng 15 con trâu Mu-ra, ông Giáo bấy giờ vừa nghỉ hưu (1990) nhưng đã đưa vai gánh vác nhiệm vụ mới: Nhân giống đàn trâu này cho tỉnh Quảng Ngãi. Thế là trại trâu Nghĩa Hành hiện nay đã gắn với ông Giáo suốt 16 năm qua. Ông Giáo đã không phụ lòng tin của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đàn trâu đã lên 40 con, rồi còn “chia” cho các huyện để nhân giống lên nữa.
Năm 2000, Bác Đồng từ trần. Trong ngày đại tang ấy tại Hà Nội, giữa một rừng mũ mão cân đai, người ta lại thấy một ông già, tóc húi cua, chân vẫn mang dép lốp, chen giữa đám đông để tiến về phía linh cữu người đã khuất và thắp một nén hương. Người đó là Hồ Giáo. Ông đã thủy chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến những giây phút cuối cùng.
Đó cũng là lần thứ ba trong đời, Hồ Giáo đã rơi nước mắt, sau hai cái chết của cha mẹ ông.

Minh Nghị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *