Sự đền tội của trùm phản động Hoàng Cơ Minh (phần 3)

Cái chết của Trần Khánh khiến Hoàng Cơ Minh mất tinh thần. Đây là lần đầu tiên, bọn phản động nhìn thấy Hoàng Cơ Minh mặt tái mét, tay run rẩy, mắt mở trừng trừng nhìn xác Trần Khánh.

Trong những ngày cuối cùng của “chiến dịch Đông tiến 2”, nhóm phản động Hoàng Cơ Minh chỉ còn chưa đầy 40 tên, hầu hết đều bị thương hoặc kiệt sức vì đói. Lương thực mang theo cạn kiệt nên nhiều tên dù muốn trốn, cũng chẳng biết về đâu. Hơn nữa, các bản án tử hình mà Hoàng Cơ Minh thi hành với đồng bọn khi phát hiện âm mưu đào ngũ đã làm bọn chúng kinh sợ.

Ngày tàn của bọn xâm nhập
Trước khi “chiến dịch Đông tiến 2” bắt đầu, Hoàng Cơ Minh quyết định giết bác sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, Ngô Chí Dũng vì cho là chống đối, giết Trần Tuyết Ánh, A Hừng, Bùi Duy Hiền, Lưu Tuấn Hùng, Võ Sĩ Hùng, Đào Văn Lâm do nghi ngờ bỏ trốn, giết Thạch Kim Ca, Trần Tự Nhiên… vì nghi là nội gián.
Trên đường hành quân, Hoàng Cơ Minh còn cho các quyết đoàn trưởng, dân đoàn trưởng được quyền giết những tên thương binh như Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Anh Điền, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Hòa…, hoặc bỏ mặc nằm chết giữa rừng để khỏi phải khiêng, cáng. Ngay cả Lê Hồng (bí danh Đặng Quốc Hiền), cựu trung tá nhảy dù quân đội Sài Gòn, được Minh phong làm “thiếu tướng, tư lệnh quân kháng chiến”, cũng bị Hoàng Cơ Minh giết vì đã dám chất vấn Minh về những mờ ám trong việc sử dụng tiền.
Sáng 24, nghĩa là đúng 1 tháng 6 ngày kể từ khi “chiến dịch Đông tiến 2” bắt đầu, bọn phản động tiến gần đến bản Phón, thuộc tỉnh Xa La Van. Đêm hôm trước, lại có thêm 3 tên bỏ trốn là Phạm Hoàng Tùng, Hà Văn Lâm và Đặng Quốc Hùng. Trốn khoảng nửa ngày, chúng gặp Nguyễn Văn Thông, cũng đang trốn nên cho đi cùng. Lúc đi hái măng, Phạm Hoàng Tùng bị lạc rồi bị bộ đội cách mạng Lào bắt sống. Hai ngày sau, 3 tên còn lại cũng vào trại giam.
Trở lại chuyện bản Phón, từ trên đỉnh núi nhìn xuống thấy mấy nóc nhà, Đinh Văn Bé, khi đó được đưa lên làm “quyết đoàn trưởng”, đã đề nghị Hoàng Cơ Minh cho 2 dân đoàn viên vào bản mua lương thực với mệnh lệnh “không mua được thì cướp”.
Tài sản duy nhất mà chúng còn lại là 5 chỉ vàng, do Hoàng Cơ Minh giữ, được lấy ra đưa cho Trần Văn Yên và Huỳnh Văn Miền. Cũng cần nhắc lại khi thành lập “mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”, bên cạnh hệ thống kinh tài là một chuỗi những tiệm “phở Hòa”, Hoàng Cơ Minh và bọn cầm đầu như Hoàng Cơ Định, Phạm Văn Liễu, Nguyễn Kim còn tổ chức nhiều đợt quyên góp trong cộng đồng người Việt hải ngoại dưới chiêu bài “ủng hộ kháng chiến”. Và nếu ai không đóng góp, thì bị bọn chúng chụp cho cái mũ “cộng sản nằm vùng”, rồi cho tay chân hành hung, hăm dọa, thậm chí ám sát mà cụ thể là giết vợ chồng nhà báo Lê Triết khi Triết cho đăng loạt bài vạch trần sự bịp bợm của “mặt trận Hoàng Cơ Minh”.
Tổng số tiền bọn Hoàng Cơ Minh thu được, theo số liệu của Cục Điều tra liên bang và Sở Thuế Mỹ sau này, là khoảng 10 triệu USD. Phần lớn số tiền ấy ngoài việc chui vào túi bọn cầm đầu, chúng còn dùng để ăn chơi, du hí ở Nhật, Pháp, Thái Lan, Đức bằng hình thức “đi công cán”, cũng như để mua lương thực, vũ khí, mua vàng cho các “chiến dịch Đông tiến”.
Sau khi “chiến dịch” bị đánh tan nát, Hoàng Cơ Minh phải đền tội, một số tên cầm đầu còn lại lặng lẽ lấy tiền chia nhau, mua cổ phần trong những công ty chứng khoán, hoặc lập những đội tàu đánh cá, và nó nghiễm nhiên trở thành tài sản riêng.
Cầm 5 chỉ vàng, Trần Văn Yên và Huỳnh Văn Miền xuống núi. Nhưng mới đi chưa được 50 mét, một loạt AK vang lên đanh gọn, khiến Trần Văn Yên chết ngay. Cùng lúc, tứ bề súng nổ giòn, cả tiếng AK lẫn tiếng đạn cối, đạn sơn pháo. Huỳnh Văn Miền lủi vào một hốc đá, giơ khẩu M16 lên đầu, bắn bừa. Ở phía trên, Hoàng Cơ Minh lăn xuống khe suối cạn, cánh tay trái máu tuôn xối xả vì mảnh đạn cối ghim phải. Trên ghềnh đá bên bờ suối, dân đoàn viên Tạ Hoàng Thiện lãnh nguyên một trái M79 nổ tung vào mặt.
Lẫn trong tiếng súng nổ, là tiếng quát gọi hàng của bộ đội cách mạng Lào. Trần Đế, Quyết đoàn phó Quyết đoàn Cải Cách dẫn 4 dân đoàn viên, vừa bắn loạn xạ, vừa lùi xuống khe suối cạn nơi Hoàng Cơ Minh đang nằm lăn lộn. Chưa kịp đặt chân xuống lòng suối lổn nhổn đá củ đậu, dân đoàn viên Nguyễn Văn Sĩ ngã bổ ngửa ra, máu từ ngực phun thành tia, còn dân đoàn viên Ngô Tấn Nghiêm, chân phải đứt tới háng, chỉ còn dính lại bằng mẩu da lủng lẳng. Cạnh đó, “ủy viên trung ương mặt trận” Trần Khánh nằm chết.
Khoảng 40 phút sau, tiếng súng im hẳn. Bọn phản động chết 6, bị thương 3, còn vài tên bỏ trốn hoặc chạy lạc. Thuốc men hầu như chẳng có gì nên cánh tay Hoàng Cơ Minh chỉ được băng bó bằng một miếng giẻ, xé ra từ chiếc khăn rằn quấn cổ. Kiểm điểm lại, chúng chỉ còn 26 tên trong đó 4 tên không vũ khí vì chúng đã vứt bỏ khi tháo chạy.
Đạn dược cũng thế, mỗi tên chỉ còn chừng 3 băng với vài quả lựu đạn. Bên bờ suối, tiếng rên của Ngô Tấn Nghiêm lúc nghe như con lợn bị chọc tiết, lúc chỉ ư ử trong cuống họng nhưng chẳng tên nào còn đủ tinh thần để kết thúc nỗi đau đớn cho mình.
Cái chết của Trần Khánh khiến Hoàng Cơ Minh mất tinh thần. Đây là lần đầu tiên, bọn phản động nhìn thấy Hoàng Cơ Minh mặt tái mét, tay run rẩy, mắt mở trừng trừng nhìn xác Trần Khánh. Là nhân vật thứ hai – chỉ đứng sau Hoàng Cơ Minh trong “chiến dịch Đông tiến”, phụ trách tâm lý chiến, Trần Khánh còn có bí danh là Trần Thiện Khải, một thời gian dài chỉ huy và điều hành đài phát thanh “kháng chiến” đặt trên đất U Bon, Thái Lan.
Tự nhận là mình có họ hàng với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường, Khánh đã sáng tác một số bài hát nhằm lên dây cót tinh thần đồng bọn. Những gã bị bắt sau này cho biết, Trần Khánh có tác phong quân phiệt, thường xuyên la hét, đánh chửi “chiến hữu”. Trong suốt thời gian thực hiện “chiến dịch Đông tiến 2” cho đến khi chết, Khánh đã trực tiếp hạ lệnh cho các dân đoàn, quyết đoàn giết chết ít nhất là 7 tên đồng bọn bị thương, đồng thời bỏ rơi hàng chục tên khác khi thấy chúng kiệt sức.
Trời bắt đầu đổ mưa, cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Lợi dụng thời tiết, Hoàng Cơ Minh ra lệnh cho bọn phản động nhanh chóng rời con suối lúc này đã ngập nước, bỏ mặc 3 tên bị thương nằm lại với đất trời. Xẩm tối, chúng phát hiện ra một hang đá, cả bọn chui vào ẩn náu. Nếu không kể những tên từ Mỹ, Pháp, Nhật, Đức về, thì hầu hết dân đoàn viên đều là những tên vượt biên – trong đó không ít là các sắc lính quân đội Sài Gòn, vào trại tị nạn Sikhiu ở Thái Lan, rồi được Hoàng Cơ Minh tuyển mộ với lời hứa “sẽ cho đi định cư tại Mỹ” sau khi hoàn thành nhiệm vụ.–PageBreak–
Nhưng đến giờ phút này, chẳng tên nào còn nghĩ đến giấc mơ được tới nước Mỹ, mà chỉ mong thoát khỏi vòng vây của bộ đội Lào. Trước lúc lên đường, chúng bóp nhỏ những gói mì, nhét xuống đáy ba lô. Thịt gà, thịt heo, chúng xé nhỏ, rang thật mặn rồi ém chặt. Bây giờ vét kỹ, còn được vài nắm nên chúng hứng nước mưa, nấu thành một thứ canh lõng bõng, chia nhau húp.
Mưa suốt cả ngày hôm sau. Và có lẽ cơn mưa cũng gây khó khăn cho bộ đội cách mạng Lào, nên chúng tạm thời yên ổn. Đói quá, một vài tên liều mạng bò ra ngoài, hái mấy mớ rau rừng về luộc. Tâm trạng tuyệt vọng khiến cả bọn hầu như chẳng còn suy nghĩ gì nữa. Chúng đốt lửa sáng rực, vừa để hong khô những bộ quần áo, vừa đỡ lạnh. Vết thương trên cánh tay nhiễm trùng khiến Hoàng Cơ Minh lên cơn sốt. Y nằm co quắp trong một góc, chẳng “chiến hữu” nào còn để ý đến y. Tất cả chỉ lo cho mạng sống của mình. Nhiều tên thì thào với nhau, rằng nếu bộ đội Lào đánh vào, chúng sẽ đầu hàng hết.
Sáng 28/8, trời tạnh. Khoảng 9 giờ, Hoàng Cơ Minh ra lệnh lên đường. Trước lúc di chuyển, y nói với đám tàn quân, rằng ai có thể quay về đất Thái thì cứ về. Chẳng phải y tốt lành gì nhưng có lẽ y nghĩ đến phát súng “ân huệ” của đồng đội khi cánh tay y sưng to vì nhiễm trùng, đi phải chống gậy. Nhưng về thế nào được nữa khi tấm bản đồ duy nhất, đã nằm cùng với xác Trương Ngọc Ny.
Cả bọn dò dẫm ra khỏi cửa hang. Sau cơn mưa, vắt xuất hiện nhiều vươn mình bám chặt vào những ống chân khẳng khiu, ghẻ lở, nhưng chẳng tên nào còn tinh thần đâu mà gỡ. Võ Hoàng, “Tổng thư ký hội văn nghệ sĩ mặt trận” kéo “dân đoàn trưởng” Võ Văn Tuấn lùi lại phía sau, vừa bước vừa hỏi nhỏ “Nếu quay lại Thái Lan thì đi đường nào, mất bao nhiêu ngày?”.
Tuấn dáo dác nhìn quanh như sợ có người nghe thấy, rồi vẫy “dân đoàn viên” Nguyễn Linh lên: “Hồi trước nghe nói mày có đi khai thác gỗ ở Lào phải không?”. Linh gật đầu: “Dạ. Em đi tuốt tới gần biên giới Thái Lan, rồi em chạy qua đó xin… tị nạn luôn” – “Vậy mày còn nhớ đường không?” – “Nếu đi đường từ Quảng Trị lên thì em nhớ, chứ đường này lạ quá. Thái Lan nằm ở phía Tây, là sau lưng mình…”. Võ Văn Tuấn gừ gừ trong cuống họng: “Thôi, nghe thì biết vậy thôi. Hó hé ra là mày chết trước. Từ bây giờ, mày đi sát với tao”.
9 giờ 30 sáng, trời không có nắng nên quang cảnh vẫn âm u. Đám tàn quân nặng nề lê bước nhưng không phải là tản ra theo đội hình vừa đi, vừa sẵn sàng nổ súng như những ngày đầu, mà co cụm lại với nhau. Qua một trảng cỏ tranh trống trải, chúng cũng chẳng buồn ngụy trang vì đối với nhiều tên trong bọn, cái chết lúc này chính là sự giải thoát, còn bị bắt thì coi như được sinh ra lần thứ hai.
Mặc dù Hoàng Cơ Minh đã tuyên bố cho phép đám phản động được trở lại đất Thái, nhưng chẳng tên nào dám công khai quay lưng bởi lẽ đường sá không rành, lương thực không có, lại thêm bộ đội cách mạng Lào lúc ẩn lúc hiện nên chúng chẳng còn cách nào khác hơn là bám theo bầy đàn. Sau này, trong trại giam, “dân đoàn viên” Nguyễn Văn Đức kể lại: “Kể cả Hoàng Cơ Minh, chẳng ai còn tinh thần và cũng chẳng ai có một tí hy vọng gì về cuộc “Đông tiến”.
Trước lúc lên đường, ông Minh nhiều lần thao thao bất tuyệt về các “khu chiến quốc nội”, về các “đường dây xâm nhập”, về các “trạm dưỡng quân” đã được thiết lập từ nhiều năm trước. Thực tế cho thấy Hoàng Cơ Minh chỉ giỏi nói dóc, đánh lừa…”.
Đi được chừng 1km, lúc cả bọn đang dò dẫm bước xuống những tảng đá trơn trợt, thì súng lại nổ. Võ Hoàng – “tổng thư ký hội văn nghệ sĩ mặt trận” bị một quả M.79 vào đầu. Nguyễn Văn Đẩu, tên còn khỏe nhất, đeo balô đựng quần áo, tài liệu của Hoàng Cơ Minh lĩnh nguyên một loạt AK vào bụng. Quyết đoàn phó Trần Đế vừa giương súng bắn bừa, vừa kéo Hoàng Cơ Minh, xuống con suối cạn, là điểm tiếp giáp giữa hai ngọn núi. Dân đoàn trưởng Đinh Văn Bé, có nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Cơ Minh và Nguyễn Tấn Phát, “dân đoàn viên” nhỏ tuổi nhất, mới có 16 tuổi cũng vội vã lao theo.
Bộ đội cách mạng Lào tràn xuống tiếp tục bắn Dân đoàn phó Nguyễn Vĩnh Lộc trúng đạn, giãy đành đạch, dân đoàn trưởng Võ Văn Tuấn ngã gục như thân chuối bị phạt ngang. Biết là chẳng còn làm gì được nữa, Hoàng Cơ Minh rút khẩu súng ngắn Browning đeo bên mình, kê lên thái dương bóp cò tự sát. “Ủy viên trung ương” Nguyễn Huy cũng tự sát. Riêng Lưu Minh Hưng, “ủy viên mặt trận” khi vừa buông chốt quả lựu đạn ra, định ném thì bất ngờ lựu đạn nổ. Cả nửa thân trên của Hưng chỉ còn là nhúm thịt bầy nhầy…
* * *
Sáng ngày 1/12/1987, Tòa án nhân dân TP HCM đã mở phiên xét xử những tên phản động trong nhóm Hoàng Cơ Minh do Chính phủ nhân dân Cách mạng Lào chuyển giao vì mục tiêu của chúng là xâm nhập, bạo loạn lật đổ Nhà nước Việt Nam. Chúng đã lĩnh án từ 3 năm tù đến chung thân. Tổng cộng trong số 130 tên xâm nhập, có 83 tên chết. 19 tên bị bắt, số còn lại bỏ trốn khi đang trên đường xâm nhập.
Năm 1990, khi tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều biến động, hí hửng tưởng rằng thời cơ đã tới, “quyết đoàn trưởng mặt trận Hoàng Cơ Minh” là Đào Bá Kế, nguyên sĩ quan Binh chủng nhảy dù, quân đội Sài Gòn, đã dẫn 30 tên mở cuộc “Đông tiến 3”. Nhưng cũng như nhóm phản động do Hoàng Cơ Minh cầm đầu, “chiến dịch Đông tiến 3” bị đánh tan tác. Nhiều tên chết, nhiều tên bị bắt trong đó, Đào Bá Kế lĩnh án tù chung thân.

theo: Báo Công an nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *