Đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tận dụng công cụ thông tin hiện đại – mạng Internet, tiến hành chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Dựa vào Internet các thế lực thù địch lợi dụng các sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, chống phá; sử dụng Internet để đẩy mạnh tuyên truyền tập hợp lực lượng, thành lập các “hội”, “nhóm” bất hợp pháp đứng lên hô hào đấu tranh cho “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”; “tôn giáo” ở Việt Nam; kích động văn nghệ sĩ đòi “tự do sáng tác”, “tự do công bố” các tác phẩm văn học, phản đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; đặt hàng viết bài đưa lên các mạng xã hội, blog cá nhân để tuyên truyền kích động chống phá đất nước; Lợi dụng những căng thẳng về vấn đề Biển Đông để tuyên truyền, kích động nói xấu Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, để giảm thiểu tác động của thông tin xấu độc trên mạng thông tin toàn cầu đến nhận thức của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, chúng ta phải tiến hành đấu tranh một cách toàn diện, trong đó cần chú trọng một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, bản thân mỗi công dân phải nhận thức rõ vai trò của mình trong công cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái.

Cấm đoán công dân khai thác thông tin là một phạm trù thật khó có thể thực hiện trong một xã hội thông tin hiện đại. Vấn đề tất yếu là chúng ta phải có những giải pháp tối ưu giảm thiểu sự truy nhập, tìm kiếm thông tin sai trái và tác động của nó đối với nhận thức của những chủ thể với tư cách đối tượng tiếp cận thông tin.

Mỗi người phải bình tĩnh trước các thông tin chưa được kiểm chứng, tỉnh táo phân tích những thông tin mơ hồ, không có nguồn gốc, chính là liều thuốc quan trọng giúp người đọc không vô tình tự biến mình thành công cụ cho những âm mưu thâm độc mà tác hại của nó có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của mỗi người và xã hội.

Thứ hai, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet.

Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; giữa Trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các tòa soạn báo, trang tin điện tử. Đảm bảo để đội ngũ những người làm báo có năng lực chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, vừa có đạo đức trong sáng, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn có ý chí chiến đấu bảo vệ lý tưởng XHCN.

Thứ ba, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Tổ chức tốt học tập các chuyên đề, tài liệu về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet. Tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, không để xảy ra hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị kẻ địch lôi kéo, móc nối; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những quan điểm, tư tưởng sai trái. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào đơn vị; trang bị phương pháp tiếp cận thông tin trên mạng Internet một cách khoa học và đúng đắn.

Thứ tư, sử dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong đấu tranh trên mạng Internet.

Cần chủ động lựa chọn, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ mở rộng và phát triển lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh trên Internet. Phát huy vai trò của các Blogger trong đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các trang mạng. Có thể thành lập một số website với tư cách là cổng thông tin, diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt. Chúng ta có điều kiện trực tuyến tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Xây dựng hệ thống phương tiện, kỹ thuật đủ sức mạnh, quản lý kết nối mạng an toàn, ngăn chặn các trang web, blog đăng tải những thông tin sai trái, thù địch, có nội dung phản động.

Hà Lâm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *