Cố Thủ tướng Phan Văn Khải – ‘ông Hai’ giản dị của nhân dân

Ở quê nhà Củ Chi (TP.HCM), cố Thủ tướng Phan Văn Khải được người dân nơi đây quý trọng và gọi với cái tên thân mật là ‘ông Hai’.

Ông Hai mê làm từ thiện

Tìm về ấp Chánh ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM), hỏi ông Hai Khải (cố Thủ tướng Phan Văn Khải – PV) ai cũng nói ông Hai là người hiền lành, có tâm với bà con nơi đây nhưng làm gì cũng chỉ âm thầm, không hoa mỹ, phô trương.

Ông Lan (72 tuổi), một thương binh và cũng là hàng xóm kể lại, khi lớn lên ông Hai cũng đã thoát ly đi kháng chiến. Cho đến khi rời khỏi cuộc chiến tranh trở về một thời gian, ông mới biết ông Hai hàng xóm là Thủ tướng.

Người dân ấp Chánh không ai nghĩ ông Hai Khải quyền cao chức trọng sau khi nghỉ hưu sẽ về làng quê nghèo nơi đất thép Củ Chi để sinh sống.

Nhưng rồi, cuối năm 2006, mọi người ngỡ ngàng khi vừa hết nhiệm kỳ Thủ tướng, ông Hai lại về để sống cuộc đời thanh bình bên dòng kênh tuổi thơ phía trước nhà.

Theo ông Lan, nhờ ông Hai quan tâm nên cuộc sống của người dân quê nhà cũng tốt lên, đường sá, trường học, điện nước được đầu tư khang trang.

Ông Lan có một người con gái, vì hoàn cảnh khó khăn nên việc cất một ngôi nhà để ở cũng là điều khó thực hiện. Thế rồi, con gái ông Lan cùng một số hộ gia đình khác may mắn nhận được một số tiền hỗ trợ từ ông Hai Khải.

Số tiền ấy giúp con gái ông Lan giảm bớt phần nào khó khăn, có thể cất một ngôi nhà nhỏ nhưng kiên cố, vững chắc để trú nắng, trú mưa.

Nhưng đó không phải là lần duy nhất ông Hai giúp những bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - 'ông Hai' giản dị qua lời kể hàng xóm - Ảnh 1

Bà Bớp kể về ngôi nhà của người con được cố Thủ tướng Phan Văn Khải giúp đỡ xây dựng.

Bà Mai Thị Bé (61 tuổi) kể: “Ngày đó có một lần ông Hai (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) đi ngang qua nhà bà Bớp, một người phụ nữ bán bắp luộc ở ấp khác.

Thấy chỗ ở của con gái bà Bớp lụp xụp, dột nát và nhỏ bé trông chỉ như một túp lều tạm bợ, ông mới lân la hỏi thăm.

Khi biết được hoàn cảnh khổ sở, cuộc sống mưu sinh vất vả của con gái bà Bớp, ông Hai đem cho một số tiền. Sau đó, một ngôi nhà kiên cố được mọc lên, thay cho túp lều rách rưới ngày nào”.

Nhắc về chuyện này, bà Bớp vẫn còn ngỡ ngàng. Bà bảo ngày ấy đâu biết người đàn ông cho tiền mình chính là vị Thủ tướng ở ấp dưới mà bà chỉ được nghe đến.

Thế rồi, khi ngôi nhà được xây cất lên, chính quyền địa phương mới thông báo cho bà biết về danh tính người đàn ông nhân hậu ấy. Lúc đó, bà Bớp vỡ òa trong niềm hạnh phúc và sung sướng.

“Chẳng phải tự nhiên mà người dân ở đây lại yêu quý ông Hai đến vậy. Ông còn xây một cái trường tiểu học ở đây cho mấy đứa nhỏ không phải đi xa xôi, cháu tôi cũng học ở đó mà”, ông Lan kể.

Ông Hai thân thiện

Từ ngày về sống ở quê nhà Củ Chi, niềm vui của ông Hai Khải là những buổi ra nhà thờ họ hoặc ra đình làng ngồi hàn huyên cùng những bậc cao niên.

Ông Lan, người ở gần nhà thờ họ Phan kể, ngày còn khỏe mạnh, ông Hai hay được 2 chú cận vệ chở trên xe điện ra nhà thờ họ. Ngày nào cũng vậy, ngay từ sáng sớm người ta đã thấy ông Hai có mặt ở nhà thờ.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - 'ông Hai' giản dị qua lời kể hàng xóm - Ảnh 2

Bà Bé kể về những lần ông Hai ghé quán của bà đánh cờ, hàn huyên với các vị cao niên.

Hôm nào không ra nhà thờ, ông lại ghé về đình làng Tân Thông Hội gần đó. Bà Bé mở một quán cà phê nhỏ phía trước cửa đình, các vị cao niên trong làng cũng thường tập trung ra đây để đánh cờ tướng, nói chuyện điền viên.

Bà kể, mỗi ngày ông Hai lại ngồi trên chiếc xe điện do cận vệ lái, chở đến đình Tân Thông. Những lần như thế, ông lại ngồi đánh cờ cùng với ông Nguyễn Văn Khỏe (89 tuổi), hội trưởng của đình.

Ông Hai cũng nổi tiếng mê cải lương như những người đàn ông Nam Bộ khác. Cứ mỗi khi đình làng tổ chức hội, ông lại đến ngồi chung với bà con dân làng để nghe cho xong bài ca vọng cổ, ca cải lương và cũng là người ngồi cho đến khi kết thúc hội làng rồi mới ra về.

“Nhìn ông giản dị và hiền lắm, không ai nghĩ ông từng là Thủ tướng quyền cao chức trọng hết. Gặp ai ông cũng hỏi thăm, thấy ai khó khăn là ông giúp đỡ hết. Cảm thấy giữa ông và những người nông dân bình thường không hề có khoảng cách”, bà Bé kể.

Bà lại trầm ngâm nhắc đến những ngày quán nhỏ của bà trở nên buồn bã khi ông Hai lâm bệnh. Các cụ cao niên ra chỗ bà ngồi cũng không còn cười nói xôm tụ như ngày xưa. Ai cũng mang chút ưu tư, lo lắng.

“Ngày nghe ông bệnh, ai cũng lo, cũng buồn, chỉ mong ông khỏe để có thể sinh hoạt với mọi người như trước, giờ thì không được nữa rồi”, bà chia sẻ.

Nguồn: BM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *