Mua lại đảo Hoàng Sa giá 200 tỷ USD – Sự đuối lý của Trung Quốc

Hoàng Sa “ai bán mà mua”? 

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội xôn xao thông tin (chưa được xác minh) ông Kim Nhất Nam, một Thiếu tướng, giáo sư chuyên nghiên cứu chiến lược quốc tế của quân đội Trung Quốc, đưa ra quan điểm cho rằng Chính phủ Trung Quốc nên dùng tiền để “mua lại” quần đảo Hoàng Sa, với con số 200 tỉ USD. Theo vị thiếu tướng này, chính quyền Trung Quốc nên thông qua các khoản viện trợ, tài trợ để chuyển tiền cho Việt Nam, từ đó “mua” lại chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù vị này đã đưa ra nhiều lập luận, phân tích để bao biện nhưng rõ ràng, thông qua đây, ta có thể thấy được sự yếu lý của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển Đông. Bởi vậy, thay vì sử dụng pháp lý, họ đang chuyển hướng sang dùng tiền để tiến hành thâu tóm lãnh thổ nước khác, tiến hành xâm lược không khói súng.

Ông Kim Nhất Nam cho rằng Trung Quốc nên dùng tiền mua Hoàng Sa.

Các thông tin trên dù chưa biết đúng – sai ra sao. Tuy nhiên, sự sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển Đông và mưu đồ dùng tiền để chi phối các quốc gia khác của họ là điều ta có thể thấy rõ.

Sự yếu lý lộ rõ

Tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Đông đang là một vấn đề hết sức nóng bỏng. Trong đó, việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể nói là đang diễn ra căng thẳng nhất. Vấn đề này không chỉ đe dọa đến tình hình an ninh chính trị của hai nước mà còn là nguy cơ chung đối với sự ổn định của cả khu vực.

Mọi động thái liên quan đến biển Đông của Trung Quốc đều được các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung hết sức chú ý. Về phần mình, Trung Quốc cũng có một đội ngũ chuyên gia chuyên nghiên cứu về vấn đề biển Đông cũng như nghiên cứu chính sách của các nước để tìm cách đối phó.

Trong khi Việt Nam chủ trương đấu tranh bằng con đường ngoại giao và luật pháp quốc tế, trong khi Việt Nam cung cấp nhiều bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam thì Trung Quốc lại cố tình phớt lờ luật pháp, cố ý xây dựng các công trình trái phép trên quần đảo Hoàng Sa để “đánh dấu” thứ gọi là “chủ quyền” của mình.

Mặc dù lãnh đạo Trung Quốc và nhiều học giả nước này luôn miệng khăng khăng nói rằng Hoàng Sa là của mình nhưng rõ ràng mọi chứng cứ đang có lại thể hiện họ là kẻ nói dối. Đặc biệt, qua ý kiến Trung Quốc nên “mua” Hoàng Sa của thiếu tướng Kim Nhất Nam, ta có thể sự yếu lý rõ ràng của họ. Nếu họ có đủ căn cứ, đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình thì chẳng có lý do gì để họ phải bỏ tiền ra “mua” thứ vốn dĩ thuộc về mình.

Bàn về ý kiến nên dùng tiền để “mua lại lãnh thổ” của vị học giả Trung Quốc kể trên, có thể thấy đây là một điều hết sức nực cười. Thứ nhất, chủ quyền quốc gia là tài sản chung của toàn thể nhân dân, chẳng ai có đủ thẩm quyền cũng như chức năng để có thể “bán” đi lãnh thổ quốc gia mình. Thứ hai, việc mua – bán không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của người mua mà nó còn phải dựa trên ý kiến của chủ sở hữu thứ mà người ta muốn mua. Và một điều hiển nhiên là toàn thể dân Việt Nam sẽ chẳng ai cho phép chuyện mua – bán này có thể diễn ra. Trên một diễn đàn, một bạn đọc có tên “Sontien Nguyen” đưa ra ý kiến: “Việt Nam có đủ tiền để mua lại đảo Hải Nam,Trung Quốc có bán không?…”.

Cẩn thận với các khoản viện trợ, đầu tư từ Trung Quốc

Thông qua câu trả lời của vị Thiếu tướng Trung Quốc, ta cũng có thể thấy thủ đoạn mà họ muốn dùng để chi phối và dần dần thâu tóm Việt Nam là đầu tư tiền thông qua các khoản tài trợ, viện trợ. Khi xem xét vấn đề này, tôi tự hỏi: phải chăng thời gian qua Trung Quốc đã bắt đầu dùng tiền để “mua” sự im lặng của ta? Bởi nhìn vào các công trình, dự án của Trung Quốc đầu tư hoặc các hoạt động liên quan đến nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam, ta có thể thấy dường như phía họ đang cố tình “chơi” ta, biến ta thành con nợ của họ.

Đánh giá một cách khách quan, có thể thấy thời gian qua Trung Quốc đã tích cực sử dụng chiêu bài dùng tiền để chi phối các quốc gia khác. Mà theo đánh giá của một số chuyên gia, đây chính là quá trình xâm lăng không khói súng của Trung Quốc. Và với Việt Nam, thủ đoạn mà Trung Quốc muốn dùng cũng không ngoại lệ.

Sự phụ thuộc về kinh tế sẽ kéo theo sự phụ thuộc về chính trị. Do vậy, thời gian tới, chúng ta phải hết sức cẩn thận đối với các khoản viện trợ, tài trợ, cho vay của Trung Quốc. Bởi biết đâu, đó chính là khoản tiền mà họ dùng để tiến hành hiện thực hóa mưu đồ “mua” chủ quyền biển đảo của ta. Mà tôi cũng phải nói thẳng, đánh giá thực tiễn thời gian qua, mọi thứ liên quan đến đầu tư, viện trợ hay vay ưu đãi từ Trung Quốc đều phát sinh những lùm xùm, rắc rối. Hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu nhưng những thiệt hại và hệ lụy tiêu cực thì đã kéo nhau thành đàn.

Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia thì đất nước ta phải lớn mạnh hơn nữa, phát triển hơn nữa. Bởi hiện nay, ai nắm trong tay tiềm lực kinh tế thì sẽ giữ ưu thế về mặt ngoại giao cũng như có vị thế lớn về chính trị. Chỉ khi nào vị thế của ta tăng cao, kinh tế của ta phát triển thì ta mới đủ sức sánh ngang với các cường quốc năm châu, mới đủ năng lực bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Bảo An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *