Sao lại quên mình để cứu những người không quen biết?

          Ngày hôm nay, báo chí lũ lượt đăng bài, cập nhật tình hình vụ cháy tại chung cư Crina – Plaza TP. HCM, lũ anh hùng bàn phím đột nhiên im bặt và tỏ vẻ bàng quang vô cùng trước những hình ảnh cảm động của các anh chiến sĩ PCCC với gương mặt đen nhẹm, mồ hôi ướt đẫm bộ quần áo quên mình vượt lửa, cứu người.

Các chiến sĩ PCCC tiếp cận chung cư

         Vụ cháy diễn ra vào lúc 0h ngày 23/3, lực lượng PCCC đã có mặt ngay tức thời khi đám cháy xảy ra, có người nói rằng, cuộc gọi báo cháy đầu tiên là lúc 1h47ph, nhưng thực tế các anh đã xuất phát từ 1h27ph. Chỉ sau 7 phút đơn vị chữa cháy Quận 8 đã có mặt và không lâu sau các đơn vị quận huyện khác cũng được điều động đến chi viện chữa cháy và cứu nạn người dân. Lực lượng PCCC đã thức trắng đêm lao vào biển lửa trực tiếp  giải cứu 150 người, hướng dẫn khoảng 1.000 người tự thoát khỏi đám cháy, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Điều đáng nói ở đây rằng: Nếu sự việc không diễn ra vào ban đêm, mà vào thời điểm lúc tan tầm, tắc đường, lực lượng PCCC không chọn con đường đi nhanh nhất và sử dụng quyền ưu tiên thì bao nhiêu người trong khu chung cư còn sống sót?

Trở lại sự việc hôm 18/3, trên đoạn cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đang xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông. Trong đó có vụ tai nạn rất nghiêm trọng xảy ra tại khu vực gần nút giao Vạn Điểm – Đỗ Xá khiến nhiều người thương vong, một số người bị kẹt trong xe, trong đó có hai mẹ con cháu bé đang nguy kịch.

Nhận được yêu cầu từ lực lượng Cảnh sát giao thông, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội đã ra lệnh khẩn cấp cho cho Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn số 12 đóng gần Hồng Vân (đơn vị gần hiện trường nhất) điều động 1 xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.

Để có thể đến vị trí cứu hộ cứu nạn nhanh nhất trong bối cảnh đường tắc hàng km, chỉ huy nhóm cứu hộ cứu nạn đã chọn cách đi ngược chiều trên Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đoạn từ Thường Tín đi cầu Vạn Điểm. Tuy nhiên, khi vừa sang làn xe ưu tiên xe cứu hộ đã bị xe khách 45 chỗ đâm trực diện vào sườn. 13 người thương vong, trong đó có Trung sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Chử Văn Khánh đã qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai sau đó do đa chấn thương.

Một chiến sĩ Cảnh sát trên xe chữa cháy trong vụ tai nạn ở cầu giẽ may mắn thoát nạn đã cay đắng thốt lên: “Tôi chỉ ước một điều là mọi người có mặt trên cao tốc chiều nay nếu như, nếu như thôi, chừa cho xe ưu tiên một lối đi nhanh nhất đến nơi xảy ra vụ tai nạn xe 16 chỗ thì có lẽ 2 mẹ con bị nạn sẽ sống sót và các đồng đội tôi đã không gặp nạn”.

Thật đau xót! Và hôm nay, tôi lại càng thương xót cho các anh hơn. Đôi bàn tay cháy đen, tuột da của anh cảnh sát PCCC ôm vòi rồng cứu hỏa suốt đêm cho căn chung cư tại Quận 8. Hay như chia sẻ của một chiến sĩ PCCC: “Trong số hơn 20 người tôi cứu được, có người đã ngất xỉu, có một chị mang thai và cả một gia đình trẻ. Khi đưa họ lên tầng 14, tôi mệt nhoài, muốn ngất xỉu, rồi nằm dài dưới đất. Vài giây sau, tôi bật dậy, lao xuống cầu thang vì biết dưới kia còn nhiều người đang vùng vẫy đợi mình đến cứu”.

Một chiến sĩ bị bỏng nặng, cháy đen cả bàn tay

Chiến sĩ PCCC chia sẻ khi cứu 20 người đem lên tầng 14

          Thế mới nói cái Nghề Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn không phải là chỗ để có thể “ăn thưởng ăn phạt” gì cả mà chỉ có một mục đích cao nhất là cứu người. Trong lúc anh hùng bàn phím đang say trong giấc ngủ của mình thì các chiên sĩ PCCC vẫn đang cố gắng, nỗ lực hết mình để đảm bảo an toàn cho mọi người mà không cần quan tâm mình sẽ thế nào trong cơn hỏa hoạn đó.

Vì điều gì mà các anh ấy bất chấp nguy hiểm xông vào lửa cứu những người mà anh không quen biết! Vì anh ấy là Công an nhân dân, của dân, do dân và vì dân! Những kẻ nhân vụ việc vừa qua lớn tiếng chỉ trích Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nếu không được xem xét về vấn đề thần kinh thì cũng cần được xem xét về tư cách đạo đức đồng thời cả tư cách công dân.

 

Nguyễn Văn – Quốc Thành

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *