Cảnh giác với chiêu trò ghép ảnh hạ uy tín Lãnh đạo

Có câu châm ngôn rằng: “Có hai cách để bị lừa. Một là tin vào điều không đúng và hai là không chịu tin vào điều đúng”. Ngày nay, trong thế giới mạng, người ta luôn có cảm giác bội thực thông tin nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là bị nhiễu thông tin để rồi tin vào điều không đúng, điều sai trái, trong khi đó điều đúng, điều là lẽ phải, là sự thật thì lại không tin hoặc không chịu tin.

Với người dân, trước sự việc chính trị, xã hội đang được lan truyền với vô vàn “dị bản” lắp ghép trên mạng, chủ ý có, ác ý có, nhiều khi họ dễ tin và trở thành con rối, tiếp lửa cho những chiêu trò xuyên tạc, đả phá của kẻ xấu.
Tôi muốn mượn ý này để nói thực trạng rất đáng lo ngại trong xa lộ thông tin mạng hiện nay. Hằng ngày, các thế lực thù địch, phản động dòm ngó vào xa lộ thông tin trong nước, bao gồm cả báo chí, truyền thông và các diễn đàn, mạng xã hội để thu lượm thông tin, phục vụ mục đích chống phá.


Điển hình là vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa bị kẻ xấu ghép ảnh, giả mạo tin nhắn với một cô gái trên mạng xã hội. Câu chuyện này không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín, danh dự, hoạt động bình thường của lãnh đạo một địa phương gây hoang mang cho quần chúng nhân dân.
Hiện nay, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta với việc kiểm tra, điều tra, xử lý những cán bộ sai phạm chính là một tâm điểm mà đám “rận chủ” trong nước tìm mọi cách để xuyên tạc, lợi dụng vào mục đích bôi xấu Đảng, Nhà nước. Thủ đoạn phổ biến là tạo dựng các clip, hình ảnh, đưa tin, bài có nội dung sai sự thật, được lắp ghép, bôi vẽ dựa trên những hình ảnh, sự kiện đang gây chú ý dư luận nhằm đánh lừa người nghe, người xem, mục đích làm cho họ tin đó là thật, tưởng thật. Lựa chọn vào tâm điểm này, trước hết chúng nhằm vào tâm lý của người dân vốn dĩ rất bức xúc trước các biểu hiện, hành vi tham ô, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền… của bộ phận cán bộ, công chức. Tâm lý người dân vốn dĩ tò mò, ưa chuyện, nhất là chuyện càng “thâm cung, bí sử” liên quan cán bộ lãnh đạo càng có sức lôi cuốn với người buôn chuyện.
Để thu hút người truy cập, trong giai đoạn đầu, những đối tượng thường cố gắng tổng hợp, đăng tải các tin tức từ nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài theo kiểu có vẻ “khách quan”. Khi đã thu hút một số lượng công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, đặc biệt là giới trẻ, chỉ đọc báo mạng thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội, dễ dàng “mắc mưu” của các thế lực thù địch, dễ bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu độc.
Đây cũng là chiêu bài được đám “rận chủ” sử dụng rất phổ biến trên mạng xã hội trong thời gian qua để lừa gạt quần chúng nhẹ dạ, cả tin và để thu hút, phát triển lực lượng ủng hộ chúng. Để vô hiệu hóa chiêu trò này, mỗi chúng ta cần nâng cao khả năng đề kháng, không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác, cần hết sức tỉnh táo để nhận rõ tính ngụy tạo, xuyên tạc của những tài liệu, hình ảnh đó. Cùng với đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, lên án mạnh mẽ và xử lý kịp thời khi phát hiện đối tượng tiến hành các hoạt động trên./.
Nhu nhung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *