LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

“BỜ BIỂN TA CÓ VỊ TRÍ RẤT QUAN TRỌNG. VÌ VẬY, NHIỆM VỤ CỦA HẢI QUÂN TRƯỚC MẮT CŨNG NHƯ LÂU DÀI RẤT NẶNG NỀ, NHƯNG RẤT VẺ VANG”.

Trong các ngày 30 và 31-3-1959, lần đầu tiên Bác Hồ đến thăm bộ đội hải quân và tỉnh Quảng Ninh. Bác đến làm việc với Trường huấn luyện Hải quân, xuống tàu đi kiểm tra vùng đảo trên vịnh Hạ Long. Người nói chuyện và căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải cố gắng khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt, đời sống. Giao nhiệm vụ cho lực lượng hải quân, Người căn dặn: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang”. Người yêu cầu: “Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên” (2). Những tư tưởng đó là định hướng chiến lược cho lực lượng hải quân trước khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Đó cũng là những tiền đề cho tư duy nghệ thuật tác chiến vùng biển của hải quân nhân dân Việt Nam. Với tư duy chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo quân và dân ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên vùng trời, vùng biển, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

 

Từ năm 1956 cho đến ngày đi xa, Bác Hồ đã nhiều lần tới các đảo như Tuần Châu, Hòn Rồng, Cồn Cỏ, Cô Tô, Vạn Hoa, Bạch Long Vĩ.. để thăm và chúc tết chiến sĩ, bà con ngư dân miền biển. Ngày 15-3-1961 nhân dịp đến thăm bộ đội hải quân lần thứ hai, Người nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Hình ảnh của Bác như một ngư dân thực thụ cùng kéo lưới với ngư dân vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) làm chúng ta vô cùng xúc động. Đặc biệt, khi Bác Hồ tới thăm đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Người đã đồng ý cho dựng tượng mình ở đây. Đây là nơi duy nhất Bác đồng ý cho dựng tượng mình khi còn sống.

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, chủ quyền biển, đảo nói riêng ngày càng giữ vai trò hết sức quan trọng. Vươn ra biển, làm giàu từ biển theo tư tưởng Hồ Chí Minh là định hướng đúng đắn phù hợp với một quốc gia có biển và nhiều hải đảo như nước ta. Nhớ lời Bác dạy, phải giữ lấy biển đảo; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm làm ăn trên các vùng biển, đảo. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; làm chủ biển, bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ biển đang là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với dân tộc ta. Từ đó xác định mục tiêu phấn đấu, không ngừng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng vũ trang vững mạnh, theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *