BỊ THU PHỤC BỞI ĐỨC TIN HAY SỰ THA HÓA?

Có lẽ thông tin “Một trung úy an ninh của Cộng Sản trở về với Chúa” trong bài viết cùng tên được đăng tải trên một trang tin công giáo đã khiến không ít người phải bất ngờ. Và bất ngờ hơn khi chính bài viết đã trích dẫn lại gần như nguyên vẹn “tự sự” của chính con người đó với tư cách là người trong cuộc. Điều đó càng làm cho sự việc được chú ý.
Chân dung Nguyễn Hoàng Đức (Nguồn: FB)
Trang http://tintucconggiao.info đã giới thiệu về điều này như sau: “Nhà văn PhaoLô Nguyễn Hoàng Đức, một chứng nhân sống động của Chúa, của Chân phước F.X Nguyễn Văn Thuận. Ông từng là trung úy an ninh, công tác tại cục “chống phản động” A16 thuộc Bộ Nội Vụ, phụ trách vấn đề tôn giáo”. 
Trong đó, ngoài những lời giới thiệu có tính nguyên cớ về hành trình nhập đạo của một sỹ quan công an: “Năm 1987, ông có dịp gặp ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận lúc đang bị giam cầm để học tiếng Pháp. Sau gần hai năm học cùng ngài, ông được khai sáng Đức Tin Thiên Chúa. Một thời gian sau khi ĐHY được trả tự do sau 13 năm giam giữ bất công, ông Đức cũng từ bỏ ngành công an và chính thức trở thành con cái Chúa vào dịp lễ phục sinh 2003.
 
Tôi được ông gửi tặng bản photo viết tay này trong lần gặp ở Hà Nội vào tháng ba vừa rồi. Câu chuyện này đã giúp tôi gia tăng thêm Đức Tin cả về lý trí lẫn linh hồn. Một câu chuyện tuyệt vời, sống động mà tôi muốn đánh máy lại để chia sẻ cùng các bạn, những người yêu mến Chúa như một món quà tặng gửi các bạn trong tuần Thánh và những ngày Phục Sinh sắp tới.
 
Tôi viết bài này để chia sẻ và hiệp thông cùng cảm ơn Cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận trong niềm hân hoan còn tươi dấu cuộc khai sinh lần hai, khi sinh làm con Thiên Chúa trong nước rửa tội và thần khí thiêng liêng, đúng dịp lễ Phục sinh, thứ bảy, ngày 19 tháng 4, năm 2003.
 
Lễ Phục sinh, Thế giới đón nhận hồng ân Thiên Chúa đã chết và sống lại sau biến cố vượt qua đầy nhiệm mầu thánh hiến. Riêng đối với tôi, đã được đón nhận ân sủng Phục sinh bằng cả một cuộc trải nghiệm, đầy ánh sáng rọi soi từ hiện thực”. 
 
Và cả những cảm nhận về người đã thay đổi và khiến người này (Nguyễn Hoàng Đức) nhập đạo: “Sự việc bắt đầu thế này. Trước kia tôi là sinh viên khóa VI của Đại học An Ninh, còn gọi là C500, đóng ở khu vực giáp khu Thanh Xuân, Hà Nội. Tôi học từ năm 1974, đến năm 1979 ra trường được phân về công tác tại cục “ Chống phản động” tức A16 thuộc Bộ Nội Vụ. Thời gian đầu tôi công tác tại phòng “Dân tộc”. Sau bảy năm, số phận bắt đầu đưa đẩy tôi vào một sự sắp đặt mới, tôi được chuyển sang phòng “Tôn giáo”. Mới về phòng, tôi đã nghe anh em bàn tán về việc của Đức cha Nguyễn Văn Thuận. Nào là “ Ngài giỏi lắm, biết đến tám ngoại ngữ!” “Ngài nhân từ với mọi người!” “ Ngài bị cầm tù mà lúc nào cũng vui vẻ và tràn đầy hy vọng”… rồi tôi cũng được xem tập hồ sơ của Ngài. Cái ấn tượng đầu tiên của tôi là ảnh Ngài chụp chung với khoảng 200 tu sinh và thanh thiếu niên mặc toàn đồ trắng trên bãi biển Nha Trang. Và cái tội lớn nhất của Ngài trong tập hồ sơ là: Thành lập “Tu hội Hy Vọng” và là thành viên của gia đình “mũ rất to” là Ngô Đình Diệm (Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa)”. 
Thì Nguyễn Hoàng Đức không quên nói về đức tin, sự mầu nhiệm của tôn giáo mà cụ thể là đạo công giáo đối với cá nhân ông ta và khiến ông ta thay đổi:
Kể từ đầu tháng 4 năm 1993 tôi mắc bệnh thần kinh tọa rất nặng, người cong vẹo hình chữ “C” mới đầu là chân phải bị teo, sau đó đến chân trái. Sau nữa cơ thể phù lên từ dưới da, và ra máu xấu từ ngón chân lên tận đỉnh đầu. Tất cả kéo dài hơn 10 năm, cho đến khi tôi tham dự lớp dự tong tháng 10 năm 2002, thì trên mặt vẫn còn bị lở loét, việc đó có linh mục Nguyễn Xuân Thủy, linh mục An Tôn Nguyễn Văn Thắng, Các thầy Phanxico Asisi Doanh và thầy Hùng, thầy Hải, thầy Kỳ, cùng các bạn trong lớp dự tong đều thấy. Vào dịp tháng 8 năm 2001, học giả, dịch giả Trần Thiện Đạo khá nổi tiếng từ Pháp về thăm Việt Nam có đên thăm tôi và chụp ảnh cùng. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh mà khuôn mặt vừa cương cứng vừa phù sưng toàn máu đọng và lở loét. Cách lễ rửa tội vài ngày thôi, Linh mục Thomas Thủy và thầy Phanxico Doanh thấy mặt tôi vẫn còn lở loét nên ái ngại hỏi: “Sức khỏe của anh Đức thế nào?”
 
Trong quá trình trị bênh tật, nhiều đêm đằng đẵng liên tục lo bóp nặn máu mủ, nhưng tôi vẫn yên tâm sống và làm việc bởi tin vào hai giấc mơ Chúa đã mạc khải cho tôi.
 
Giấc mơ thứ nhất, trước ngày tôi bị ốm là: Tôi vào trong buồng tắm vặn nước chỉ thấy phân chảy ra, tôi chạy ra vòi nước khác vặn, vẫn thấy phân chảy ra, và vài vòi nước khác ở trong và ngoài nhà cũng chỉ có phân chảy ra, sáng ra lúc tỉnh dậy người tôi rất nặng nề và u uất.
 
Giấc mơ thứ hai, cách một ngày sau là: Tôi lắp đặt một vòi nước mới bắc qua một mảnh vườn mới, nó phun lên toàn nước sạch, xối xả, mạnh mẽ, khi tỉnh dậy, người tôi rất sảng khoái, và dường như tôi được mặc khải để suy ra điều rằng: Ống nước là hình tượng của ống xương hay hệ dây thần kinh, nó đang chứa chất bẩn và độc như phân. Sau đó sẽ trào vọt một nguồn nước sạch mới và ta sẽ khỏi bệnh.
 
Trong quá trình bệnh tật, nhiều lúc quá đau đớn tôi đã từng muốn hờn trách, thậm chí nguyền rủa Thiên Chúa, nhưng tôi vẫn nghĩ đến hình ảnh của ông Gióp. Ngài bị bệnh bảy năm lở loét hôi thối đầy người, bị vợ con xa lánh có lúc không chịu được ngài chê trách Thiên Chúa “sao không để cho ngài được chết” tôi nghĩ tôi đã có được hình ảnh của ông Gióp để làm gương, vậy không thể nào lặp lại “dấu ngã lòng” đó, vì thế mà tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Thêm nữa trong quá trình bệnh tật, tôi tự ngẫm thấy mình nhận được quá nhiều ánh sáng vinh quang của Chúa, mà không có Chúa trợ giúp và dẫn dắt, tôi không thể làm được. Trong thời gian đó tôi đã viết được hàng chục cuốn sách, gồm chuyên luận, truyện ngắn, trường ca… có những cuốn quan trọng như “Y hướng tính văn chương” – có hẳn một chương bàn về Thượng Đế, “Hành trình nhận thức nhân loại”, “Hành trình tâm linh nhân loại”, và trường ca thần học “ Ngước lên cao” – Tôn vinh Chúa và đức tin của con người. Tôi luôn nghĩ, vinh quang là món quà lớn nhất mà Chúa đã trao cho ta, thì ta còn kêu ca về những đớn đau thể xác làm gì?(!)
 
Vào dịp rửa tội – lễ phục sinh tôi xuất hiện trước mắt mọi người tinh tuyền, sạch sẽ. Và tôi chiêm nghiệm đó là món quà Chúa ban cho tôi: Vượt qua một cơ thể đầy rẫy bệnh tật u ám để phục sinh thành con cái Chúa trong một thân xác mới.
 
Thứ ba: Trước lễ rửa tội một tuần, bố tôi bảy mươi tuổi lâm bệnh rất nặng, tôi phải về nhà đưa cụ vào bệnh viện Việt – Xô cấp cứu. Ngay trong đêm đó, bệnh viện hội chẩn và quyết định mổ, sau ca đại phẫu lấy mật cho cụ, lúc 3 giờ sáng tôi trở về nhà, việc đầu tiên tôi mặc quần áo, leo lên gác xép, thắp 3 ngọn nến cầu nguyện Thiên Chúa ban phước lành để bố tôi vượt qua bệnh tật. Mỗi ngọn nến nhỏ hơn ngón tay út, được cắm vào chiếc đế bằng sứ nhỏ như đáy chén. Vậy mà tôi cho rằng một việc như phép lạ đã xảy ra, lúc gần 9 giờ sáng tôi tỉnh dậy, vẫn thấy một ngọn nến còn cháy. Như vậy một ngọn nến bé xíu, cùng một chút nến còn sót lại nơi đế chén đã cháy bảy giờ đồng hồ. Tôi nghĩ Chúa Thánh Thần đã ban cho tôi sự ấm lòng, Ngài như muốn bảo: “Ta cho con một dấu chỉ để con yên tâm”. Trọng bệnh của bố tôi dần dần bình phục. Vào ngày tôi rửa tội, tôi nghe, sang tuần bố tôi có thể xuất viện. Như vậy Chúa không chỉ cho bố tôi sức khỏe, cho gia đình tôi bình an, mà còn cho tôi một đêm rửa tội an bình, thuận buồm, xuôi gió. Và tôi tự chiêm nghiệm rằng: với gia đình và tôi, đây cũng là ân sủng phục sinh của phép nhiệm mầu vượt qua”. 
Với nhiều người khi nghe những điều này thì họ sẽ vội tin, và nhanh chóng đắm chìm vào những điều được “tự sự” ra này. Tuy nhiên, đó suy cho cùng thì những điều được nói ra mới chỉ có một chiều. Cái thiếu trong câu chuyện này là thiếu đi chiều phản biện và kiểm chứng.
Tôi đã cố công đi tìm, lục lọi rất nhiều Fb của những người được cho là đồng niên, đồng khóa với Nguyễn Hoàng Đức thuở học ở Đại học An ninh – C500 và cả những người đã từng công tác với Đức thời kỳ ở cục A16 – BCA để hiểu thực hư câu chuyện thì mới hay biết: Đúng là sau khi tốt nghiệp ra trường, Đức được cử về công tác tại Cục A16 – BCA và bản thân Đức cũng được cơ quan bố trí giám sát hoạt động của Giám mục Nguyễn Văn Thuận khi ông này bị đưa về quản chế tại Hà Đông, Hà Tây (nay là Hà Nội).
Tuy nhiên, ngay từ đầu vị trí công tác này không làm hấp dẫn và kích thích sự say mê trong con người Đức mà sinh ra những phản ứng trái chiều, tiêu cực trong y. Không bằng lòng với công việc nên Đức thường xuyên bỏ vị trí công tác và đắm chìm vào những suy lý bay bổng của những người có thiên hướng nghệ sỹ và chính điều này khiến Đức bị lãnh đạo đơn vị phê bình.
Trong bối cảnh đó, tuổi trẻ, sự bồng bột và tính ăn thua khiến Đức không có chiều hướng sửa đổi để tiến bộ mà gã tỏ ra ăn thua. Thay vì thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, tiếp cận để giám sát và quản lý Giám mục Thuận thì gã lại làm điều ngược lại: Tiếp cận để nghe và tìm kiếm những giá trị từ chính Giám mục Thuận. Hay nói cách khác, xét dưới khía cạnh nào đó thì không phải từ Giám mục Thuận mà chính Đức đã tự mình cám dỗ và tự mình dấn thân, tạo ra những điều kiện để Giám mục Thuận thu phục gã.
Và cũng chỉ cần có thế, với bề dày thần học và cả những khả năng thu phục người khác có phần thượng thừa, Giám mục Nguyễn Văn Thuận không khó để Nguyễn Hoàng Đức “cởi áo, quân hàm, quân hiệu” để trở thành một con chiên đúng nghĩa. Đức đã tự rời bỏ chính hàng ngũ, động đội mình, sẵn sàng nhận cái danh xưng kẻ “phản phúc” và đối chọi lại chính đồng đội mình.
Có một chi tiết mà cho đến nay, dù có rất nhiều bài tự sự về điều này nhưng Đức chưa một lần nói ra. Đó chính là những lời hứa hẹn của chính Giám mục Thuận và nhiều chức sắc công giáo cao cấp khác dành cho Đức xung quanh chuyện địa vị. Và Đức đã bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn huyễn hoặc và không thật ấy mà dấn thân và sa ngã. Nhưng nghiệt ngã thay, dù có thời điểm Giám mục Nguyễn Văn Thuận, sau này là Hồng y Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Ủy ban Công lý & hòa bình trực thuộc Tòa thánh Vatican đứng trên đỉnh cao vinh danh của một chức sắc cao cấp của đạo Công giáo, nhưng đối với cá nhân Nguyễn Hoàng Đức mà nói: Sự sa ngã không khiến cho cuộc sống gã được khá hơn, danh vọng được thỏa mãn hơn.
Gã vẫn đang phải loay hoay với nghề kiếm cơm bằng con chữ, bằng những tác phẩm, theo nhiều người nó không chỉ hiếm khách đọc, mua mà nó có phần dị dạng và khuyết tật trong đó. Nguyên nhân không ngoài sự bế tắc và cái thói tự ngợi ca mình, tự cho mình là hơn đời và hơn người với những tác phẩm mà theo gã là đậm chất triết học, hùng biện. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Đức phải động đến lời thề của mình thuở “bỏ ngành, theo đạo”. Gã đã phải chống, phải đương đầu lại với đồng chí, đồng đội và thế hệ sau của mình với vai trò của một gã hề “dân chủ” để kiếm cơm.
Với những điều được chỉ ra, tôi không tin đấy là sự thu phục bởi đức tin, mà đó là sự tha hóa.
Nguồn: Vnnew.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *