Anh đã ngã xuống trước ngày toàn thắng,ngay tại cửa ngõ Xuân Lộc.

  1. CÀNG HÀNH QUÂN CON CÀNG YÊU TỔ QUỐC.

“1/1/1975
Ba kính mến!
Hôm nay con đã đi đến Vĩnh Linh. Đơn vị dừng lại 5 ngày để củng cố sức khỏe và bổ sung trang bị. Con tranh thủ viết thư cho ba mẹ kẻo nhà mong.

Đây là trạm cuối cùng của đường dây Xã hội Chủ nghĩa và là trạm đầu tiên của 559. Con đã hành quân được một tuần, toàn đi bằng cơ giới tàu hoả, chưa phải đi bộ. Con vẫn khỏe và anh em trong tiểu đội con đều mạnh khỏe, đi tốt. Trong này bây giờ là mùa mưa, mưa suốt, ngày nào cũng mưa, mấy hôm nay biển động ầm ầm và gió lạnh. Chúng con ở nhờ nhà dân, cách biển 2 cây số và cũng gần Hồ Xá.

Ba ơi, ngoài ấy bây giờ chắc rét lắm nhỉ? Trời mưa thế này thì lầy lội lắm. Ba đã già rồi mà lặn lội đi làm thì vất vả biết chừng nào. Ba có được khỏe không? Nếu ba mệt, ốm thì không may cho chúng con lắm đấy. Con hiểu rằng ba suốt đời tận tụy vì Đảng, vì chúng con và vì sự nghiệp gang thép của Tổ quốc. Con luôn nghĩ rằng mình phải hoàn thành tốt nhiệm vụ để xứng đáng với ba và những người ở hậu phương đang ngày đêm phấn đấu cho Chủ nghĩa Xã hội.

Là người chiến sĩ ở tuyến đầu của Tổ quốc, con biết rằng sẽ nhiều gian khổ, hy sinh nhưng sự hy sinh của mình chưa thấm vào đâu so với bao nhiêu thế hệ cha anh, với bao nhiêu người đã ngã xuống cho sự nghiệp cách mạng hôm nay. Nhưng dù sao đó cũng là sự đóng góp nhỏ bé của mình, của gia đình ta đối với Tổ quốc, với dân tộc.

Mới vào đến đây thôi nhưng con đã cảm thấy thật sự hiểu nhân dân mình, đất nước mình và dân tộc mình hơn bao giờ hết. Ba có biết không – đứng trên quốc lộ số 1 nhìn sang 2 bên, hố bom đạn chi chít như một loại địa hình đặc biệt. Mảnh đất Vĩnh Linh nhỏ bé này tưởng như không thể còn sự sống cũng như cây cỏ. Nhưng ba ơi, tất cả đã rõ rồi và hiện thực đất nước đã và đang chứng minh: không bom đạn nào, không sức mạnh nào có thể ngăn nổi tình cảm Bắc Nam, chia cắt nổi đất nước ta và dòng thác cách mạng đang ầm ầm cuộn chảy của dân tộc ta.

Thật hạnh phúc khi con có mặt trong cuộc hành quân này, và được thưởng thức thêm nhiều phong cảnh của đất nước, được đến những nơi đầy sự tích anh hùng của dân tộc. Con đã đi qua những cái cầu, những ngã ba, những làng xóm anh hùng. Xe chạy len lỏi qua những hố bom, hai bên đường màu xanh bắt đầu mọc lên và những đơn vị thanh niên xung phong đang khẩn trương sửa đường cho xe chạy.

Con đã được sống ở dải đất miền Trung quê hương và tưởng như ngày nào bóng dáng của Ba đã in trên những làng xóm này và bàn chân của ba còn để lại trên những con đường. Con đã qua sông Lam, đã nhìn thấy núi Hồng Lĩnh, đi qua đèo Ngang và tắm biển miền Trung. Lên đến đỉnh đeo Ngang, nhìn xuống phong cảnh như một bức tranh tuyệt vời ba ạ. Con đường uốn quanh co và đoàn xe quân sự chạy soi đèn như một thành phố di chuyển. Biển trải ra vô tận hòa liền với bầu trời. Sóng vỗ rì rầm tung bọt trắng xóa. Những dải mây vờn quanh núi như những dải lụa đang bay. Con đã qua phà sông Gianh, Nhật Lệ, đến thăm đơn vị nữ dân quản 6 lần bắn cháy tàu chiến và đi săn lợn rừng ở Quảng Bình. Giờ đây con đang ngồi trên một cồn cát trắng đằng sau là biển, rừng phi lao gió thổi vi vui, nhìn ra con đường chiến lược. Ba ạ, những đoàn xe liên tiếp chạy như những con thoi chở không biết bao nhiêu mà kể người và vũ khí đạn dược, của cải cho miền Nam.

Vào đây càng thấy rõ lực lượng ta lớn mạnh và cách mạng thuận lợi hơn bao giờ hết. Chúng con ăn uống vẫn tốt và được cung ứng đầy đủ. Vào đây bắt đầu theo mọi chế độ B, ăn toàn đồ hộp và hàng khô nên thèm rau vô cùng. Hôm nào, chúng con cũng đi hái rau rừng, rau tàu bay để nấu canh. Có lẽ đơn vị phải hành quân bộ mấy ngày vì mưa quá mà có đoạn đường chưa tốt. Nhân dân tốt vô cùng và thật là kiên cường ba ạ. Dân ở đây nghèo hơn ngoài Bắc vì chiến tranh liên miên nhưng luôn dành mọi thuận lợi cho bộ đội. Có nhà dỡ cả nhà ra làm đường cho xe chạy và không mấy khi không có bộ đội ở nhờ.

Bây giờ nhân dân ở đây vẫn không ngừng cảnh giác, dân quân được trang bị như bộ đội và trình độ chiến đấu rất cao. Hôm nọ họ vừa bắt được một toán biệt kích đấy ba ạ. Con luôn được sống trong tình thương yêu đùm bọc của nhân dân, của đồng chí, đồng đội, ba không phải lo cho con gì cả.

Sắp Tết rồi, nhà ta đã chuẩn bị được gì chưa ba? Tết năm nay có nhiều cái vui, ước gì con được về vui Tết với gia đình nhỉ? Vì điều kiện nhiệm vụ của cách mạng, con không về để giúp ba được gì, không được ngồi gói bánh chưng và thức giao thừa với ba nữa. Con chúc ba sang năm mới thật mạnh khỏe, công tác tốt. Cho con gửi lời chúc sức khỏe tới toàn thể bà con họ hàng và các cô, các chú, anh Nguyên, anh Hùng, ba nhé!

Con của ba.”

**********
Trên đây là một trong 10 lá thư của liệt sĩ Phạm Khắc Duyến gửi cho gia đình trong thời gian nhập ngũ.Là một chàng sinh viên trẻ tình nguyện khoác áo lính ra trận với sự hồn nhiên, trong sáng đến lạ kỳ. Mười bức thư viết về cho những người thân của liệt sĩ Phạm Khắc Duyến chứa đựng trong đó không chỉ là tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ một thời mà còn là những suy nghĩ sâu sắc của anh lính trẻ về một giai đoạn khó khăn mà cả dân tộc đang trải qua, về vẻ đẹp của quê hương, của con người Vĩnh Linh – nơi anh bắt đầu có những cảm nhận rõ ràng về cuộc chiến khốc liệt. Chiến tranh gian khổ, mất mát, đau thương nhưng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ không làm anh sờn lòng. Bởi anh hiểu rõ rằng anh lên đường vì hòa bình của Tổ quốc, vì hạnh phúc của bao người và của cả dân tộc.

Liệt sĩ Phạm Khắc Duyến sinh năm 1955 ở 36 Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Năm 1963, anh lên ở cùng người bố đang công tác tại Khu gang thép Thái Nguyên. Học xong cấp 3, anh thi đỗ và về học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tháng 6-1974, khi đang học năm thứ nhất, Phạm Khắc Duyến đã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Sau ngày 30-4, gia đình vẫn nhận được những lá thư của Phạm Khắc Duyến gửi ra từ chiến trường miền Nam, nhưng sau đó mọi người mới hay tin anh đã hy sinh anh dũng tại cửa ngõ Xuân Lộc từ trước ngày toàn thắng.!!!

Thường dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *