Ngăn chặn âm mưu lợi dụng “Xã hội dân sự” xâm phạm ANQG

Vừa qua, trên Danlambao có đăng clip phỏng vấn của “Tiếng nói dân Việt media” với ông Nguyễn Quang A với tựa đề “Bất chấp đàn áp thô bạo, hoạt động xã hội dân sự vẫn duy trì và phát triển”, qua đó xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Vậy “xã hội dân sự” ở đây thực chất là gì?

Xã hội dân sự (XHDS) hiểu một cách thông thường là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của người dân như: Công đoàn, hợp tác xã, nhóm v.v.. thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước. Đây là tổng thể các mối quan hệ giữa các tổ chức, hội, nhóm xã hội được hình thành và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ của pháp luật, phát huy dân chủ nhằm duy trì sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của Nhà nước và xã hội. Ở Việt Nam XHDS thấm nhuần về mặt văn hóa cộng đồng, tính đoàn kết, tương trợ và tính đồng thuận xã hội. Tổ chức XHDS có thể đóng vai trò tích cực, là người phản biện đối với chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách ôn hòa và có trách nhiệm. Như vậy, bản chất của XHDS là tốt, là tích cực.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số đối tượng tự xưng cho “đấu tranh dân chủ, nhân quyền” đã lợi dụng tính tích cực của XHDS để phục vụ ý đồ chống phá từ bên trong. Để thực hiện âm mưu tác động gây chuyển hóa chính trị ở Việt Nam, các đối tượng đã tiến hành một số hoạt động sau:
Thứ nhất, lợi dụng cái gọi là “xã hội dân sự” để đòi hỏi phi lý về dân chủ hóa. Các đối tượng lợi dụng vấn đề XHDS để đòi Nhà nước phải bảo đảm tự do vô giới hạn trong các lĩnh vực. Chúng coi hình thành XHDS độc lập về chính trị là điều kiện, tiền đề cho việc bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân và các quyền con người.
Thứ hai, thông qua các tổ chức XHDS, các lực lượng phản động lôi kéo quần chúng vào hoạt động dưới danh nghĩa vì mục tiêu chung, “thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công việc của chính quyền”, dùng chiêu bài phản biện chính sách, phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… Từ đó tạo ra những tâm lý phản kháng của quần chúng chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Thứ ba, tuyệt đối hóa tính “độc lập” tương đối của XHDS với Nhà nước. Các đối tượng bằng nhiều chiêu bài khác nhau đã đẩy mạnh tuyên truyền về cái gọi là ranh giới giữa nhà nước với xã hội dân sự, giữa “công” và “tư”, giữa “chính trị” và “phi chính trị”. Theo đó, XHDS được đề cao, tuyệt đối hóa, được mô tả như là mô hình xã hội nhân đạo, tốt đẹp, dân chủ, ngược lại, Nhà nước là bảo thủ, chuyên chế và cưỡng bức.
Thứ tư, lợi dụng viện trợ, quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao để gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, đòi thành lập các hội, các tổ chức độc lập về chính trị; tác động và gây sức ép đòi thay đổi đường lối, chính sách, hệ thống pháp luật và lĩnh vực tư pháp.
Các đối tượng đã lợi dụng các tổ chức XHDS để phục vụ cho các mưu đồ chính trị, tiến hành thành lập các tổ chức “xã hội dân sự chính trị” để thực hiện các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Trong đó, nổi lên một số tổ chức như: Hội Anh em dân chủ, Hội dân oan Việt Nam, Hội Cựu tù nhân lương tâm, Diễn đàn xã hội dân sự, Khối 8406, Bauxite Việt Nam, Văn Đoàn độc lập, Kiến nghị 72, No.U FC… Các tổ chức này đều được lập ra bởi các đối tượng có quan điểm chính trị đối lập, những người “bất đồng chính kiến”. Một số đối tượng nổi lên như Nguyễn Quang A, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Túc, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Dũng phi hổ… Trong đó, có đối tượng đã bị chúng ta xử lý, còn một số vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Các đối tượng này cấu kết với các đối bên ngoài lợi dụng vấn đề “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” và các vụ việc phức tạp đã xảy ra thời gian qua như vấn đề chủ quyền biển đảo; cá chết ở miền Trung; tranh chấp, khiếu kiện đất đai như ở Dương Nội, Đồng Tâm – Mỹ Đức,… để kích động, xúi giục quần chúng nhân dân khiếu kiện, biểu tình hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng.
Chính vì vậy, để ngăn chặn âm mưu lợi dụng XHDS xâm phạm ANQG của các đối tượng, hơn lúc nào hết, chúng ta cần cảnh giác trước những luận điệu tuyên truyền chống Đảng, chống nhà nước của các đối tượng. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời phát hiện kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng các tổ chức, đoàn thể xã hội tuyên truyền, xuyên tạc tình hình trong nước và tập hợp lực lượng gây rối trật tự, xâm phạm an ninh chính trị. Giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện, tố cáo, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp, không để các đối tượng lợi dụng các vấn đề này chống phá đất nước tạo điều kiện cho XHDS duy trì và phát triển.
Thúy Kiề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *