Những dấu ấn tiên phong, đột phá của thành phố mang tên Bác

Giữa bộn bề, ngổn ngang của một thành phố vừa mới giải phóng, hoạt động của Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn – Gia Định dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy đã tập trung giải quyết thành công một loạt vấn đề tàn dư của thời hậu chiến để phát triển kinh tế – xã hội.

Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản thành phố trước thế tiến công như vũ bão nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam của quân và dân ta, ngay từ ngày 3-5-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định thành lập Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn – Gia Định, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân thành phố sau ngày giải phóng 30-4-1975 và là tiền thân của chính quyền TP Hồ Chí Minh ngày nay.

Giữa bộn bề, ngổn ngang của một thành phố vừa mới giải phóng, hoạt động của Ủy ban Quân quản dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy đã tập trung giải quyết thành công một loạt vấn đề tàn dư của thời hậu chiến để phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Phạm Huy Tưởng, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên lãnh đạo Quận ủy Tân Bình nhớ lại, sau ngày giải phóng, dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất dần cạn kiệt, kinh tế thành phố sa sút nghiêm trọng.

Sản xuất, dịch vụ xuống dốc, giá cả thị trường tăng liên tục, cộng thêm chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và thiên tai 3 năm liên tiếp ở đồng bằng sông Cửu Long… khiến đời sống người dân thành phố dần rơi vào cảnh đói kém, tệ nạn xã hội càng có cơ hội phát sinh.

Thực trạng này khiến thành phố càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định về trật tự trị an khi hậu quả của chế độ cũ đã để lại cho thành phố hơn 30 ngàn tên lưu manh côn đồ, khoảng 10 ngàn gái mại dâm và 150 ngàn người nghiện…

Tuy khó khăn, phức tạp chồng chất về kinh tế – xã hội và công tác đảm bảo an ninh chính trị – trật tự trị an, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách năng động, sáng tạo từ tình hình thực tế của thành phố để từng bước tạo cơ chế bứt phá; xây dựng thành phố mang diện mạo của một đô thị lớn như hôm nay.

 

Một góc khu trung tâm TP Hồ Chí Minh đang đổi mới, phát triển.

Một góc khu trung tâm TP Hồ Chí Minh đang đổi mới, phát triển.

Để thiết lập trật tự trị an phục vụ công tác xây dựng lại thành phố, ngay sau ngày giải phóng, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt truy quét, thu gom đối tượng lưu manh, tệ nạn xã hội vào các trường, trại cải tạo.

Đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia quản lý, giáo dục tại chỗ đối tượng lưu manh, phạm pháp. Công an TP đã tổ chức triệt phá hàng ngàn băng nhóm tội phạm các loại; thu giữ nhiều súng đạn, bắt giữ gần 20 ngàn đối tượng phạm pháp hình sự, trong đó có nhiều tên cầm đầu đặc biệt nguy hiểm.

Dấu ấn đậm nét trong đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội do tàn dư của chế độ cũ để lại là ngay từ năm 1978, Công an TP đã quyết định thành lập “Đội săn bắt cướp”, đây là lực lượng chuyên biệt chống tội phạm nguy hiểm, manh động đầu tiên của lực lượng Công an cả nước.

Ngoài khó khăn về kinh tế do sản xuất đình đốn, lưu thông hàng hóa ngưng trệ, trong số hơn 3 triệu nhân khẩu được thành phố quản lý sau giải phóng đã có đến gần 1 triệu người thất nghiệp và đây là vấn đề khiến chính quyền thành phố trăn trở.

Nghiên cứu cách vận dụng sáng tạo các giải pháp ổn định kinh tế – xã hội của TP Hồ Chí Minh giai đoạn này, PGS. TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho biết, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã kiên trì với chủ trương tăng cường xuống cơ sở để gặp gỡ nhân dân, để lắng nghe nguyện vọng, thắc mắc của người dân.

Từ đó cùng cán bộ cơ sở bàn bạc, tìm cách tháo gỡ bằng những bước đi mang tính đột phá, mạnh dạn “xé rào”, thực hiện “cởi trói” về cơ chế để phục hồi sản xuất; cải tiến lĩnh vực lưu thông phân phối, mở rộng thị trường khu vực Nam Bộ và quốc tế.

Những việc làm tiên phong thời kỳ đó của thành phố như thực hiện 3 lợi ích, trả lương theo sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp và trong đánh bắt thủy hải sản, nhập khẩu nguyên liệu bằng cách trao đổi đổi hàng hóa để khôi phục lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp… từ cách làm này, một loạt DN đã nhanh chóng được phục hồi sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân và trở lên nổi tiếng đến tận bây giờ là các nhà máy dệt Thành Công, Phước Long, Phong Phú, Việt Thắng; Công ty Bột giặt Viso; Nhà máy Bia Sài Gòn; Xí nghiệp Cơ khí Caric…

Từ khảo sát thực tiễn, tổng kết những thí điểm về đổi mới để tìm cách làm ăn hiệu quả, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống công nhân, nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh khi đó đã tổ chức cho giám đốc các DN có cách làm ăn mới theo cơ chế của thành phố trực tiếp lên Đà Lạt để báo cáo với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương về hiệu quả sản xuất kinh doanh; đưa DN vượt ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước trước năm 1985 và mời các đồng chí lãnh đạo Trung ương xuống cơ sở để trực tiếp thị sát. Nhờ bước đột phá về cơ chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 1980-1985 đã đạt mức bình quân 8,17%/năm so với mức 2,18%/năm giai đoạn trước đó.

Cùng lúc thu ngân sách của thành phố trong năm 1985 đã tăng gấp 43 lần so với 5 năm trước đó, thu nhập bình quân đầu người của thành phố thời điểm này đã đạt trên 550 USD/năm. Đây là dấu ấn đáng ghi nhớ trong quá trình lãnh đạo đầy bản lĩnh, sáng tạo, năng động mà đến nay đã trở thành truyền thống cùa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Bước vào thời kỳ đổi mới, với nhiều giải pháp đột phá về kinh tế – xã hội, TP Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, khái niệm sử dụng ngân sách làm “vốn mồi” để thu hút các nguồn lực đầu tư trong xã hội là thực tiễn xuất phát từ thành phố. Hay như chủ trương cổ phần hóa DNNN cũng bắt nguồn từ việc thí điểm 4 DNNN do thành phố quản lý và 3 DN của Trung ương vào năm 1992; chủ trương xóa đói giảm nghèo cũng khởi nguồn từ thành phố.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận, để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển, thành phố cũng là địa phương tiên phong thí điểm một loạt các giải pháp, gồm tổ chức quỹ đầu tư phát triển; phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị; nhượng quyền khai thác đường giao thông cho các thành phần kinh tế; thành lập các công ty CP đại chúng để thực hiện các dự án đầu tư vào dịch vụ hạ tầng kỹ thuật thành phố…

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn bám sát thực tiễn, nhận định sát tình hình và kiên định với quan điểm “chân lý là cụ thể” để tìm trong thực tiễn lời giải cho các vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Sau hơn 30 năm đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đã tăng hơn 10 lần; đóng góp 1/3 nguồn thu ngân sách cả nước.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, để TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững; trở thành đô thị lớn mang tầm khu vực, gắn sự phát triển của thành phố với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hơn 30 năm đổi mới Bộ Chính trị đã nhiều lần ban hành Nghị quyết riêng về TP Hồ Chí Minh.

Gần đây nhất là chủ trương cho phép thành phố thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 54 của Quốc hội. Trước vận hội mới này, dù còn nhiều khó khăn, thách thức mà thành phố phải đối mặt, nhưng đây sẽ tiếp tục là cơ hội để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững và có chất lượng sống tốt hơn.

(Theo Công An Nhân Dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *