Danlambao xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam

Ngày 3/5/2018, trang mạng danlambaovn.blogspot.com đã đăng tải bài viết Nhân ngày “Tự do báo chí thế giới” với nội dung hết sức phản động, tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Blog Danlambao xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam

Có thể thấy rằng, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách nhân quyền ở quốc gia đó. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc đều khẳng định các quyền cơ bản này, và Nhà nước Việt Nam đã luôn nghiêm túc tuân thủ các cam kết. Trong đó, Điều 19, Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) đã khẳng định: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào. Tuy nhiên, quyền này có thể phải chịu những hạn chế nhất định.
Ngoài ra, Điều 25, Hiến pháp năm 2013 Việt Nam đã ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Hiện nay, Việt Nam đã có có 859 cơ quan báo chí in; 135 cơ quan báo điện tử; 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình; hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times,…Điều đó cho thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của Việt Nam trong thực hiện chính sách, pháp luật và vu cáo Nhà nước Việt Nam: “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “bắt bớ nhiều blogger”… Chúng cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng còn viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để bịa đặt Việt Nam “không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”, vu cáo Nhà nước Việt Nam “vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Khi viện dẫn, họ đã cố tình tảng lờ việc Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền khẳng định: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và các quyền khác: “phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”; cố tình tảng lờ những điều khoản nghĩa vụ kèm theo để thực hiện các quy định đó rồi đăng tải, tán phát lên mạng internet, mạng xã hội nhằm làm cho con người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối; từ đó cổ xúy các phần quá khích, các đối tượng phản động lợi dụng quyền tự do báo chí để tiến hành các hoạt động gây rối an ninh trật tự. Trên thực tế, việc Việt Nam đề ra những quy định pháp luật để hạn chế và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là điều hết sức bình thường, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là không thể phủ nhận, xuyên tạc. Những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đây là lẽ đương nhiên, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Việc trang mạng phản động Danlambao xuyên tạc, vu cáo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở nước ta là hành động không thể chấp nhận được và đáng bị cả xã hội lên án.
Loa phường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *