Khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của Cách mạng Pháp với việc ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành (5/6/1911

1. Từ suy nghĩ ra đi tìm hiểu văn hóa phương Tây…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước, Nguyễn Tất Thành được học chữ Hán ngay từ lúc đến tuổi đi học, lên 10 tuổi đã được học từ thầy Vương Thúc Quý tư tưởng yêu nước thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời, được biết về thời cuộc quan hệ tới sự sống còn của dân tộc qua những câu chuyện của những sĩ phu yêu nước thường lui tới nhà thầy và nhà thân phụ. Nguyễn Tất Thành có sự am tường về Nho giáo. Đó “không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Và trên cơ sở đó, người ta đưa ra khái niệm về “thế giới đại đồng”. Nho giáo có những yếu tố tích cực, chủ trương “lấy dân làm gốc”, “phò đời giúp nước”, hành đạo giúp đời, coi “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, coi quan lại là công bộc của dân, nước bình trị là công của dân, còn nước không bình trị là lỗi của vua, chỉ mình vua bị trừng phạt. Sau này, Hồ Chí Minh từng nhắc lại lời của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, và cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân… Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.
Mang trong mình truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa phương Đông, nhưng ở Nguyễn Tất Thành không có sự loại trừ, hay mâu thuẫn với văn hóa phương Tây, mà bằng một trí tuệ văn hóa mở, Tất Thành sớm cảm nhận được sự phong phú của các nền văn hóa, hướng tới một thế giới năng động, đổi mới và sáng tạo. Lúc còn ở tuổi thiếu thời, khi bắt gặp văn hóa phương Tây, Tất Thành đã nảy sinh ý tưởng ra đi, đến tận nơi có khoa học kỹ thuật phát triển và những tư tưởng dân chủ tự do.
Khoảng tháng 9-1905, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được ông Nguyễn Sinh Huy xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp – bản xứ ở thành phố Vinh. Tại trường này, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với khẩu hiệu TỰ DO – BÌNH ĐẲNG – BÁC ÁI. Sau này (năm 1923), Người kể lại với nhà văn Liên Xô Ôxíp Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cùng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.
Năm học 1908-1909, Nguyễn Tất Thành vào học Trường Quốc học Huế, cũng là lúc Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi. Những tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu thức tỉnh những sĩ phu yêu nước. Nguyễn Tất Thành được học với những thầy giáo tân học như Lê Văn Miến, thường giành thời gian nói chuyện với học trò về nền dân chủ và văn minh phương Tây, kích thích lòng ham hiểu biết của học sinh. Nhờ ảnh hưởng của những thầy giáo tân học và sự tiếp xúc với báo chí tiến bộ, “ý muốn đi sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước lớn dần lên trong tâm trí của Nguyễn Tất Thành”.
Khi làm thầy giáo ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết (1910), lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được đọc Tân thư dịch sang chữ Hán trong gia đình cụ Nguyễn Thông, được tiếp cận với tư tưởng của những văn hào và triết gia Pháp đã khởi xướng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái như J.J. Rousseau, Ch. De Montesquieu, Fr. Voltaire…
Với Nguyễn Tất Thành, những chữ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, lúc đó thật là mới mẻ, nhưng chưa thể hiểu nổi. Người muốn xem những thứ đó ở nước Pháp ra sao? Trả lời phỏng vấn của phóng viên Giôvanni Giécmanéttô (báo L’UNITÀ của Đảng Cộng sản Italia), Nguyễn Ái Quốc nói: “Trước đây tôi có đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ có tính chống đối ở An Nam, có những người lính lê dương do Poăngcarê (Poincaré) gửi sang để cải huấn. Những người lính lê dương này đọc đủ thứ, họ là những kẻ chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao và tôi đã tới Pari”.
Mặc dù chế độ thực dân, với những chính sách văn hóa giáo dục nô lệ, bưng bít những luồng tư tưởng tiến bộ từ thế giới bên ngoài vào Việt Nam, nhưng không thể ngăn cản nổi những người yêu nước Việt Nam vượt qua lưới thép của kẻ thù để hướng tới một ánh sáng mới.
Trong bối cảnh đất nước và thời đại đầu thế kỷ XX, việc ra đi tìm một phương hướng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc thể hiện sự mong muốn tiếp thu giá trị văn hoá nhân loại, là sự khởi động để làm cho cách mạng Việt Nam hội nhập vào các trào lưu cách mạng thế giới. Phải chăng đó cũng chính là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Và như vậy, với Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh văn hóa không phải là cái nhất thành bất biến, bản sắc văn hóa Việt Nam không phải là cái bất động, mà con người phải giữ nguyên lấy nó. Văn hóa dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển trong những điều kiện khác nhau của lịch sử dựng nước và giữ nước, vốn là một nền văn hóa mở, đã từng du nhập các tôn giáo lớn và còn tiếp tục biến đổi trong sự giao lưu với các dân tộc khác, như một cơ thể sống cần thiết phải trao đổi với những giá trị văn hóa lúc đầu là cái khác với mình, nhưng vẫn luôn hiện hữu ở môi trường thế giới chung quanh.
Sự tích luỹ và kết hợp những tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây là cơ sở để sau này Nguyễn Ái Quốc – con người “giàu quốc tế, đậm Việt Nam từng nét” – tiếp thu tư tưởng vô sản và làm thăng hoa tất cả những giá trị đó trong điều kiện xã hội thuộc địa, hình thành nên học thuyết cách mạng Hồ Chí Minh.
2. … Đến một quyết định dũng cảm
Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã xây đắp nên một bảng giá trị tinh thần truyền thống như yêu nước, nhân nghĩa, anh hùng, đoàn kết, lạc quan, sáng tạo… trong đó chủ nghĩa yêu nước là giá trị cao nhất, là dòng chủ lưu xuyên suốt các thời đại lịch sử dân tộc, không ngừng phát triển qua những thử thách, trở thành chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu bậc thang giá trị tinh thần truyền thống dân tộc, làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển không chỉ qua cuộc vật lộn với thiên nhiên, mà còn phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành và giữ nền độc lập, và thường phải đương đầu với những thế lực lớn mạnh nhất. Những thử thách khắc nghiệt đó đã “sản sinh ra một dân tộc có ý thức sâu sắc về bản sắc dân tộc mình và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, chống ngoại xâm”. Các thế hệ anh hùng Việt Nam, tuy sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều tiếp nối nhau bảo vệ nền độc lập và phát triển đất nước, cùng nhân dân tô đậm tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất của dân tộc. “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v.. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.
Từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, phong trào yêu nước chống Pháp liên tục phát triển theo những khuynh hướng chính trị khác nhau. Khi triều đình nhà Nguyễn còn chống giặc, thì nhân dân cùng quân đội triều đình đánh giặc. Cuối thế kỷ XIX, triều đình phong kiến nhà Nguyễn ký các Hiệp ước Ácmăng (Harmand) năm 1883 và Patơnốt (Patenôtre) năm 1884, đầu hàng đế quốc Pháp, song phong trào chống thực dân Pháp xâm lược vẫn diễn ra sôi nổi.
Phong trào Cần Vương (1885-1896), một phong trào đấu tranh vũ trang do Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát động, mở đầu bằng cuộc tiến công trại lính Pháp ở cạnh kinh thành Huế (1885). Việc không thành, Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), hạ chiếu Cần Vương. Mặc dù sau đó Hàm Nghi bị bắt, nhưng phong trào Cần Vương vẫn phát triển, nhất là ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa: Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công tráng (1881-1887), Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật (1883-1892) và Hương Khê của Phan Đình phùng (1885-1895). Cùng thời gian này còn nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, kéo dài đến năm 1913. Thất bại của phong trào Cần Vương chứng tỏ sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc do lịch sử đặt ra.
Đầu thế kỷ XX, khi giai cấp tư sản Việt Nam chưa ra đời, nhưng hệ tư tưởng tư sản đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Các trí thức phong kiến tiếp thu hệ tư tưởng này làm vũ khí chống Pháp, làm dấy lên một phong trào yêu nước sôi nổi với hai xu hướng bạo động và cải cách. Đại diện xu hướng bạo động là Phan Bội Châu. Ông chủ trương dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, để đánh Pháp giành độc lập dân tộc, thiết lập một nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến của Nhật. Ông lập ra Hội Duy tân (1904), tổ chức phong trào Đông Du (1906-1908). Chủ trương dựa vào đế quốc Nhật để chống đế quốc Pháp không thành, ông về Xiêm nằm chờ thời. Giữa lúc đó Cách mạng Tân Hợi bùng nổ và thắng lợi (1911), ông về Trung Quốc, lập ra Việt Nam Quang phục hội (1912) với ý định tập hợp lực lượng rồi kéo quân về nước võ trang bạo động đánh Pháp, giải phóng dân tộc, nhưng rồi cũng không thành công. Đại diện xu hướng cải cách là Phan Châu Trinh. Ông chủ trương dùng những cải cách văn hóa, mở mang dân trí, nâng cao dân khí, phát triển kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ hợp pháp, làm cho dân giàu, nước mạnh, buộc thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho nước Việt Nam. Theo xu hướng này, ở Bắc kỳ có việc mở trường học, giảng dạy và học tập theo những nội dung và phương pháp mới, tiêu biểu là trường Đông kinh nghĩa thục Hà Nội. Ở Trung kỳ có cuộc vận động Duy tân, hô hào thay đổi phong tục, nếp sống, kết hợp với phong trào đấu tranh chống thuế (1908).
Do những hạn chế về lịch sử, nên Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, cũng như các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nên chỉ sau một thời gian phát triển bồng bột đã bị kẻ thù dập tắt.
Mặc dù diễn ra liên tục và anh dũng, “người trước ngã, người sau đứng dậy”, nhưng các phong trào theo khuynh hướng chính trị phong kiến hoặc tư sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa phong kiến hoặc chủ nghĩa tư bản đều bị đế quốc Pháp đàn áp. Sự nghiệp giành độc lập dân tộc lâm vào một “tình hình đen tối tưởng như không có đường ra”. Tình hình ấy đặt ra yêu cầu bức thiết phải tìm một con đường mới.
Lúc còn ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Tất Thành có thường theo phụ thân đi nhiều nơi tìm những người cùng chí hướng để bàn luận về thời cuộc, nên có điều kiện mở rộng tầm nhìn, tầm suy nghĩ, thấy rõ sự thống khổ của nhân dân, nên “sớm có chí đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào” và không khỏi băn khoăn khi thấy nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân không thành công. Câu hỏi “làm thế nào để cứu nước” sớm được đặt ra trong trí óc người thiếu niên yêu nước.
Được chứng kiến những thất bại của các phong trào yêu nước chống Pháp, từ lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, năm 1911 Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi đi, Tất Thành bàn với một người bạn thân: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”. Khi người bạn hỏi “lấy đâu ra tiền mà đi?”, Nguyễn Tất Thành vừa nói, vừa giơ hai bàn tay một cách tự tin và kiên quyết: “Đây, tiền đây… chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”.
Mục đích chuyến đi của Nguyễn Tất Thành không phải để kiếm cách sinh nhai, mà chủ yếu là để tìm hiểu thế giới bên ngoài, nhất là thế giới phương Tây, với hy vọng tìm được điều hữu ích để “giúp đồng bào chúng ta”. Đó không phải là một cuộc hành trình phẳng lặng, mà là một con đường đây gian truân đang chờ sẵn.
3. Và hướng tới một ánh sáng mới
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi đất nước đã bị biến thành thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, nhân dân phải chịu cảnh lầm than.
Khi còn đi học ở Huế, Tất Thành từng tham gia phong trào đấu tranh chống thuế của nông dân Thừa Thiên (4-12-1908). Họ đi tay không, chỉ đòi giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc ngắn và gọi nhau là “đồng bào”. Người được chứng kiến thực dân Pháp khinh rẻ, bóc lột, hành hạ người Việt Nam, nhà trường ca ngợi chế độ thực dân phong kiến; được nghe kể về hành động của những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những bàn luận về con đường cứu nước trong các sĩ phu yêu nước.
Bằng sự mẫn cảm vốn có, lần đầu tiên khi rời Phan Thiết vào Sài Gòn (2-1911), Nguyễn Tất Thành nhận thấy rõ thêm sự đối lập giữa hai cảnh sống của những kẻ thực dân và những người lao động mất nước: cuộc sống ăn chơi xa hoa dành riêng cho người Pháp, và cuộc sống rách rưới, lam lũ, làm đủ các nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác…, sống chui rúc trong những túp nhà lụp xụp, tối tăm của đa số người dân Việt Nam.
Nguyễn Tất Thành thấy rõ ở Việt Nam, nhân dân “là những người nông dân bị nhấn chìm trong bóng đêm hết sức tối tăm”, “không ai hiểu bây giờ trên thế giới đang diễn ra những gì; đêm tối, thực sự là đêm tối”. Người Pháp ở Đông Dương không cho người Việt Nam xem sách báo. “Không phải chỉ sách của những nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Thân phận người Annam chỉ là thân phận người nông nô”. Họ không có tự do đi lại, mà bị cấm, “không phải chỉ là bị cấm đi du lịch ra nước ngoài mà cả đi lại trong nước cũng không được”.
Thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén giúp Nguyễn Tất Thành nhận thấy, trong các phong trào cứu nước của ông cha đều có những hạn chế. Phong trào Đông Du tan rã, chứng tỏ không thể dựa vào Nhật để đánh Pháp, điều đó chẳng khác gì “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Thất bại của phong trào Duy tân cũng cho thấy việc trông chờ vào thiện chí cuả người Pháp để được trao trả nền độc lập cũng chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”. Khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám tuy có phần thực tế hơn, “nhưng vẫn mang nặng cốt cách phong kiến”. Chính vì thế, mặc dù rất khâm phục tinh thần cứu nước của ông cha, nhưng Nguyễn Ái Quốc không đi theo con đường của họ, mà quyết tâm ra đi tìm một con đường mới, mà trước mắt là con đường xem xét, học hỏi.
Một lần trả lời nhà văn Mỹ Anna Luyxơtơrông, Nguyễn Ái Quốc nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Ngày 3-6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba được một thủy thủ dẫn lên tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), một con tàu lớn của hãng Sácgiơ Rêuyni (Charge Réuni), vừa chở khách, vừa chở hàng, gặp thuyền trưởng Maixen (Maisen) và được nhận làm phụ bếp trên tàu. Chuyến đi được xác định.
Ngày 5-6-1911 mở đầu cuộc hành trình đi tìm chân lý của Văn Ba. Đó là chuyến đi một mình, không theo một tổ chức nào, cũng không có nguồn tài trợ. Hành trang của người là chủ nghĩa yêu nước và hai bàn tay lao động, nhưng với quyết tâm và nghị lực phi thường.
Bằng một trí tuệ văn hóa mở, người thanh niên yêu nước, thương dân, với hoài bão lớn lao tìm hiểu nền văn minh thế giới, học hỏi để trở về giúp đồng bào. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc vượt qua các đại dương đầy sóng gió, đến với nhân loại cần lao đang tranh đấu ở nhiều châu lục và quốc gia trên trái đất. Một giai đoạn tìm hiểu lý luận kết hợp với khảo sát thực tiễn bắt đầu.
(Vũ Quang Hiển)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *