Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Quang Mẫn- “Nữ chúa Miền tây” giả trai đi đánh giặc

Mẹ đã 90 tuổi. Dấu vết thời gian hằn lên đầy tàn nhẫn trên thân thể má. Cái lưng gần như rạp xuống, gồ lên một đốt sống làm má đau đớn phải nằm nghiêng mấy chục năm nay.
Nhìn thân thể Mẹ bây giờ, nếu không nhìn vào đôi mắt kiên nghị đầy thần sắc của Mẹ, khó hình dung nổi 72 năm trước chưa tròn 18 tuổi, Mẹ đã trốn nhà giả trai để được đi bộ đội.

Mẹ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quang Mẫn (Trần Thị Sáu, Sáu Mẫn, Mười Mẫn).
Tên khai sinh của Má Mẫn là Trần Thị Sáu. Mẹ sinh năm 1927 tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Là con thứ 6 trong gia đình, ngay từ thuở nhỏ, cô Sáu đã thể hiện nhiều sự khác biệt so với bạn đồng lứa. Sáu cao lêu nghêu, toàn chơi những trò của con trai như: Trèo cây hái dừa, đánh lộn, thi dượt dưới nước. Thậm chí, có lần cha cô Sáu là ông Hai Phước ra thăm đồng đã sững người, không thể tin vào mắt mình khi thấy đứa con gái 13 tuổi đang dẫn đầu đoàn… đua trâu.

Ở xã Vĩnh Thạnh thời ấy không có trường dạy chữ. Cha cô Sáu lại là người ham chữ nghĩa nên ông cho mời thầy về dạy chữ Quốc ngữ cho các con và bọn trẻ trong xóm. Biết đọc, biết viết, Sáu lục tung cả tủ sách của cha, đọc không sót cuốn nào. Những trang sử về Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Huệ, truyện “Hoa Mộc Lan tòng chinh”… thổi bùng trong lòng Sáu ước mơ cầm súng chiến đấu chống lại những kẻ theo chân thực dân Pháp đàn áp nhân dân. Biết tin bác Năm Cọp, một người bà con nổi tiếng với nghề săn cá sấu, săn cọp ở rừng U Minh mở lò dạy võ, Sáu lẳng lặng chẳng nói với cha mẹ, trốn đến xin học. Sáu học võ tinh tấn hơn cả đám con trai. Có hôm tự luyện võ trong vườn chuối nhà mình, lên cơn cao hứng, cô tung cước, chém tay, hạ sạch cả vườn. Ông Hai Phước về thấy những thân chuối gãy gục ngổn ngang. Bực quá, ông ra lệnh cho mấy bà chị quản Sáu trong buồng tối, không cho đi luyện võ nữa. Giấc mơ thành cao thủ vẫn chưa nguôi, đêm ngủ giữa các chị, Sáu ngủ mơ tung quyền cước, các chị lộn sạch xuống… đất.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong lòng Sáu. Năm 1946, thực dân Pháp quay lại, giày xéo đất nước ta. Sáu quyết trở thành đội viên Vệ quốc đoàn. Cô lẳng lặng rủ em gái Bảy Trâm trốn nhà đi tập trận cùng với trai làng. Chuyện lộ ra, không biết bao lần Sáu bị ông Hai Phước đánh cho những trận đòn nhừ tử. Nhưng ý chí được tòng quân luôn nung nấu trong đầu Sáu. Cô quyết tâm trốn nhà theo Vệ quốc đoàn.

Lần thứ nhất, khi Sáu và em gái lén mang túi xách trốn đến điểm đóng quân cách nhà khoảng một cây số thì bị người cha huy động lực lượng trong gia đình bắt mang về. Hai chị em bị cha nhốt kín trong nhà. Lần thứ hai, sau khi dặn em chạy theo mình, Sáu vừa phóng ra khỏi nhà mấy chục mét thì cha đã cầm con dao chạy theo lôi về. Tiện con dao trong tay, ông chặt cụt món tóc dài óng ả của Sáu. Ông còn dọa sẽ tự sát nếu hai chị em bỏ đi lần nữa.

Sự ngăn cản quyết liệt của người cha càng làm tăng quyết tâm của Sáu. “Đất không chịu trời thì trời chịu đất”, biết không thể ngăn cản con, ông Hai Phước đành bảo: “Đã quyết đi phải mần cho ngon, đừng để tiếng xấu ba má phải chịu nghe con”.

Sáu và em Bảy Trâm gia nhập Vệ quốc đoàn. Bảy Trâm đi học làm y tá. Sáu vốn không thích nữ công gia chánh, chỉ ham trực tiếp cầm súng đánh giặc nên định xin vào Trường Quân chính quân khu. Tuy nhiên lúc đó, trường chỉ nhận con trai. Sáu quyết định giả trai bằng cách cắt tóc cua, quấn chặt ngực, tập dáng đi khệnh khạng, phơi nắng, dầm mưa cho nước da đen cháy. Cô còn đào một cái lỗ dưới đất, ngày nào cũng úp mặt xuống gào hết cỡ cho bể giọng, nói được tiếng khàn đục như con trai. Chưa hết, để chắc chắn không bị phát hiện, Sáu lấy tên là Trần Quang Mẫn. Cô tập uống rượu, hút thuốc rê phì phèo, làm những việc của đàn ông như: Lợp lá, sửa nhà… Những lúc đi tắm, Mẫn lén khi không có ai. Lúc đi ngủ, cô không dám đánh trần lăn lóc như đám con trai mà chui vào nóp, quấn chăn ngủ lấy cớ vì… “sợ ruồi”.

“Lần đầu tiên được ôm cây súng, thấy nặng nhưng khoái lắm. Súng của Đức hai ký mấy lận. Riết rồi thấy quen. Lần lần tập bắn súng máy, tập tháo ráp, trườn bò, đứng bắn, nằm bắn, tập xáp lá cà, đâm lê… Rồi hành quân ban đêm. Có bữa đi vài ba cây số, có khi đi mười mấy cây số cũng có. Đàn ông làm gì mình làm vậy” – má Sáu Mẫn cười khi hồi tưởng chuyện quá khứ.
Sau mấy lần được giao nhiệm vụ đi trinh sát dẫn bộ đội đánh đồn, chỉ sau mấy tháng nhập ngũ, chiến sĩ Trần Quang Mẫn đã được kết nạp Đảng. Khi đó Mẹ vừa tròn 18 tuổi.

“Đàn ông hơn cả đàn ông”, năm 1947, Sáu Mẫn được chọn đi học ở Trường Quân chính Quân khu 9. Thế nhưng, việc học tập không yên lành. Đơn vị của Mẫn liên tục được huy động chi viện cho quân ta. Ngay trận đánh đầu tiên, Sáu Mẫn đã lập công lớn. Hôm đó, quân địch về càn trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh. Nằm dưới hào, Sáu Mẫn bình tĩnh rê nòng súng hướng về một tên địch đi ngông nghênh giữa đường. Nhận lệnh: “Bắn!” của người chỉ huy, cô siết cò. Tên địch ôm ngực loạng choạng, để rơi khẩu súng và lao đầu xuống vệ đường. Kể từ ấy, Sáu Mẫn chiến đấu khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng những chiến công, cô đã được đề bạt từ chiến sĩ lên tiểu đội trưởng, rồi trung đội trưởng…
Chiến đấu dũng cảm, ghi nhiều chiến công, nhưng điều khiến Sáu Mẫn luôn lo lắng là những… cô gái. Trong đội hình Trung đội 1, Đại đội 70, Chi đội 124, Quân khu 9, “anh” Trần Quang Mẫn luôn nổi bật vì… đẹp trai. Không những thế, mỗi khi đơn vị đóng trong nhà dân, “anh” Mẫn luôn giành các công việc nặng nhọc như gánh nước, đốn cây, bổ củi… Vì thế, không có gì lạ khi rất nhiều cô gái “thương thầm nhớ trộm” “anh” Mẫn. Trong số đó có cô Cà Mun, dân tộc Khơ-me, 16 tuổi, có tiếng đẹp người đẹp nết. Cà Mun đã “theo đuổi” “anh” Mẫn đến 4 năm trời. Không biết làm cách nào khác, Sáu Mẫn phải thú thực với riêng Cà Mun. Cà Mun hờn giận, không tin, cô phải vén áo cho cô xem. Cà Mun òa khóc. Cuối cùng, cô gái Khơ-me đành đi lấy chồng. Chuyện bí mật của Sáu Mẫn vẫn được giữ kín.

Trong một trận đánh lớn, “anh” Mẫn lập một chiến công, thế là “anh” được lên báo “Tiếng súng kháng địch”. Cậu họ của Sáu Mẫn, lúc đó là cán bộ quân sự, đọc tin thấy cháu gái mình được tuyên dương dưới danh nghĩa Đại đội trưởng Trần Quang Mẫn, mới tiết lộ chuyện giả trai của cháu mình với Mười Bé, một chiến sĩ cùng đơn vị. Cảm phục cô gái gan dạ, kiên trung, dù chưa gặp mặt nhưng Mười Bé đã đem lòng yêu thầm. Cũng kể từ đó, đi đến đâu, Mười Bé cũng dò hỏi tin tức về Sáu Mẫn. May mắn cho Mười Bé, trong một trận đánh, anh được sát cánh cùng cô. Mười Bé tìm cách gặp riêng Sáu Mẫn và nói mình đã biết sự thật. Mười Bé cũng thổ lộ tình cảm của mình. Vẫn ham giết giặc, “anh” Mẫn một mực khăng khăng từ chối chuyện mình giả trai. Qua bao lần thuyết phục, cảm động trước tình yêu Mười Bé dành cho mình, đám cưới giữa “anh” Mẫn và Mười Bé đã được tổ chức tại đơn vị. Cả đại đội lúc ấy ai ai cũng ngỡ ngàng vì cô dâu lại là “anh” Trần Quang Mẫn đại đội trưởng.
Giữa thời chiến, tuần trăng mật của đôi uyên ương chìm trong tiếng bom đạn. Sáu Mẫn chỉ được gần chồng đúng 7 ngày. Mười Bé phải trở lại đơn vị. Khi ấy, họ vẫn chưa biết rằng, một mầm sống trong lòng Sáu Mẫn đang hình thành.

Gần tới ngày sinh con, Sáu Mẫn trở lại nhà cha mẹ ở Vĩnh Thạnh. Mới”vượt cạn” thì một tin sét đánh ngang tai, Mười Bé hy sinh khi đánh đồn Chàng Chẹt. Tai Sáu Mẫn ù đặc. Bà Hai Phước ôm lấy con năn nỉ: “Sáu ơi, con phải sống để nuôi đứa con sắp sanh nữa chớ”.
“Đồng đội kể đêm đó trước khi công đồn, ổng nói với anh em: “Tui đi như vầy chắc ở nhà Sáu Mẫn sanh con rồi. Tui cũng đâu hay ổng hi sinh. Chị Chín Lé đi công tác ghé qua bảo: Mười Bé hi sinh, chôn chung 11 người. Lúc đó tui mới hay. Ổng hi sinh khi tui sanh thằng nhỏ mới được bốn ngày…” – Mẹ khóc khi nhớ lại ký ức đau đớn ấy.
Biến đau thương thành hành động, biến căm thù thành sức mạnh, sinh con được vài tháng, Sáu Mẫn gửi lại cho ông bà ngoại để trở về đơn vị chiến đấu cùng đồng đội.
Gần năm năm binh nghiệp, cô gái giả trai ấy luôn hành xử như một nam thanh niên và đã cùng đồng đội xông pha biết bao trận. “Mỗi lần đi biết là thế nào cũng có thể hi sinh nhưng vẫn đi. Đạn nó tránh không trúng mình chớ trúng là chết rồi. Cũng có trúng mấy lần nhưng nhẹ nhẹ vô tay, vô giò thôi”, Mẹ cười bảo.

Sau khi phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã dựng lên ở miền Tây Nam Bộ 7 tên ác ôn khét tiếng mang danh “Người hùng chống cộng miền Tây”. Đứng đầu trong số này là tên Lâm Quang Phòng, chỉ huy khu An Phước (Vĩnh Thuận). Tháng 7-1958, Tỉnh ủy Rạch Giá ra nghị quyết phải trừ khử tên Phòng bằng mọi giá. Nhiệm vụ được giao cho đơn vị của Sáu Mẫn. Cô lập tức xin được thực hiện. Biết nhà tên Phòng sắp tổ chức đám xả tang người cô hắn, Sáu Mẫn giả làm người giúp việc lọt vào. Tiệc xong, tên Phòng thấm mệt, nằm lim dim trên võng, Sáu Mẫn rút dao, dồn hết sức mạnh căm thù chém vào cổ hắn. Thế nhưng đêm ấy tên Phòng mặc chiếc áo ka ki quá dày, lưỡi dao lại vướng cái võng, hắn chỉ bị sướt trên mặt, rồi lăn xuống đất, chui vào gầm giường cạnh đó trốn. Sáu Mẫn lao theo, chém tiếp mấy nhát vào sườn, vào cổ hắn. Tên Phòng la ú ớ, thất thanh. Cả trung đội bảo vệ tên Phòng vây thành vòng tròn quanh Sáu Mẫn. Bọn giặc không nổ súng vì quyết bắt sống cô. Chúng quăng hàng trăm chiếc ghế đẩu vào người Sáu Mẫn. Cô dùng chụp hết, ném trả vào chúng. Nhiều đứa bị ghế trúng vào đầu, tuôn máu. Tuy nhiên, Sáu Mẫn đuối sức dần, một chiếc ghế bay vào cánh tay, làm con dao rơi xuống đất. Bọn giặc ào đến, hàng chục đôi giày đinh đá phốc vào ngực Mẫn. Cô gục trên vũng máu.
Chiến công hiển hách của Sáu Mẫn lan khắp đất miền Nam. Báo chí ở Sài Gòn khi đó đã mệnh danh người nữ chiến sĩ Việt cộng ở Rạch Giá là “Nữ chúa miền Tây”.
Bị địch bắt, Sáu Mẫn bị kết án 7 năm tù khổ sai, 5 năm biệt xứ. Vì thuộc thành phần luôn đấu tranh nên quân địch liên tục đưa Sáu Mẫn đi khắp các nhà tù Rạch Giá, Chương Thiện, Tân Hiệp, Chí Hoà, Côn Đảo… Cuối năm 1966, mãn hạn tù, Sáu Mẫn được trả tự do. Khi Mẹ được thả về,Quốc Hưng (con trai Mẹ, Anh hùng liệt sĩ) đã 14 tuổi và đã đi theo các anh bộ đội được… bốn năm. Mẹ không hay khi mình đang trong tù, mới 10 tuổi Quốc Hưng đã trốn ông bà ngoại lên tỉnh đội Rạch Giá xin làm liên lạc.
Ai cũng biết đó là giọt máu duy nhất của má và liệt sĩ Mười Bé nên tìm cách bảo vệ Hưng, chờ ngày hai mẹ con sum họp. Cán bộ tỉnh đội bố trí cho Hưng làm liên lạc ở đội U Minh 10.

“Tới lúc ở Côn Đảo về tui mới gặp lại con. Nó giống cha như đúc. Nó nằng nặc xin sang bộ phận trinh sát. Biết tính con cũng như mình ngày trước, tui không nỡ cản”, Mẹ kể.
uy nhỏ tuổi, nhưng Quốc Hưng rất mưu trí, dũng cảm. Năm 15 tuổi, Quốc Hưng đã chững chạc, từng trải trận mạc. Anh có người bạn rất thân trong đơn vị là Nguyễn Tấn Dũng.
Theo lời kể của Mẹ Mẫn, hồi đó đồng chí Nguyễn Tấn Dũng là chiến sĩ quân y trong đội U Minh 10 cùng với anh Quốc Hưng. “Quốc Hưng và Tấn Dũng thương nhau dữ lắm, thân nhau còn hơn anh em ruột thịt đó” – Mẹ Mẫn nói.

Một năm sau, Mẹ đau đớn nhận tin đứa con duy nhất cũng hi sinh. 15 năm sau ngày chồng hi sinh, Mẹ lại chết một lần nữa. “Hồi thằng Hưng hi sinh tui cũng đâu có hay.Tới bữa có người báo: Cô có hay gì không? Thằng Quốc Hưng hi sinh 3-4 bữa rồi cô hổng hay hả?…” – Mẹ kể rồi lặng đi, để cho những dòng nước mắt chảy tràn khi nhắc đến người con trai độc nhất.

Sau hòa bình, Mẹ không đi bước nữa. Hỏi, Mẹ lặng thinh rồi bảo: “Biết bao nhiêu người hỏi mà tui đâu có chịu. Có con, có chồng, muốn gần gũi nuôi dưỡng còn không được. Giải phóng rồi người không còn, còn ưng làm gì nữa…”.

Đầu năm 1967, Trần Thị Quang Mẫn được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cùng với chị Út Tịch. Tháng 12-1994, má Sáu Mẫn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và con trai hy sinh trong chiến đấu.

[Trường Sơn]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *