Tháng 7, ở những nghĩa trang dọc theo chiều dài đất nước hàng vạn người dân đủ mọi tầng lớp cũng đã tìm về để thắp nén tâm hương dâng lên các anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng máu xương của mình cho độc lập, tự do của dân tộc.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Tháng 6-1947 tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên, một hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ và các hội, đoàn thể chính trị Trung ương đã họp và chọn ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc.

Trong 71 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng, sự đồng thuận của toàn xã hội. Báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn chín triệu người (trong đó, có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800 nghìn thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận),… với ngân sách nhà nước hằng năm hơn 30.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng lực lượng CAND đã có hơn 14.700 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới; trên 4.200 đồng chí đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường; hàng chục ngàn cán bộ bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, mang di chứng qua nhiều thế hệ. Riêng trong thời kỳ đổi mới, đã có gần 300 CBCS đã anh dũng hy sinh, hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ bị thương.

Hàng năm, Chủ tịch nước cũng dành gần 900 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2013 – 2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng.

Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước, với 63.523 sổ, tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng.

Tập trung chăm lo các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người có công cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng.

Quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; chú trọng tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ… đã và đang được Đảng, Nhà nước triển khai tích cực và đẩy mạnh.

Tháng 7 thiêng liêng, xúc động. Sự tri ân đã trở thành một nét đẹp truyền thống và không dừng lại ở tháng 7. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩvà người có công với cách mạng” ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và nét đẹp trong đời sống văn hóa của cả xã hội làm sáng lên đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Thúy Vy/ theo Báo Công an