CÁC ANH ĐÃ KHÔNG CHỌN GIẢI PHÁP NHẢY DÙ !

Các anh là Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn 921 (Đoàn Sao Đỏ Anh hùng) và Trung tá Khuất Minh Trí, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 921. Các anh đã ra đi mãi mãi !!!

11 giờ 16 phút ngày 26-7-2018, các anh đã bay chuyến bay cuối cùng trong cuộc đời quân ngũ và mất liên lạc với căn cứ lúc 11 giờ 35 phút cùng ngày trên vùng trời xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An,

Ông Chu Văn Sáu, người dân địa phương kể lại rằng họ nhìn thấy chiếc máy bay của các anh khi đó đã bay khá thấp, có lửa khói phun ra từ đuôi máy bay. Họ còn thấy máy bay của các anh bay theo kiểu “con chim bị thương”, lúc nghiêng phải, lúc nghiêng trái rồi đột ngột bay ngoặt khỏi làng Dừa về phía Rú Bọ và đâm vào núi.

Chiếc Su-22UM3 mang số hiệu 8551

Trong chiến đấu cũng như trong huấn luyện, các phi công đều được phép nhảy dù khi máy bay bị đạn địch bắn trúng hoặc khi máy bay gặp sự cố kỹ thuật, không còn khả năng điều khiển được nữa. Các anh hoàn toàn có thể chọn giải pháp nhảy dù.

Nhưng phía dưới các anh là xóm làng, là nhân dân, là những người đã nâng đôi cánh bay cho các anh và cũng là những người các anh phải bảo vệ. Máy bay rơi xuống xóm làng với hơn 2.000 lít dầu nhiên liệu vẫn chưa sử dụng hết sẽ là một thảm họa đối với hàng chục người dân dưới mặt đất nếu máy bay rơi trúng vào họ.

Vì vậy, các anh đã cố gắng hết sức, đã không chọn giải pháp cứu bản thân mình mà chọn giải pháp cứu người dân dưới đất. Vì thế, các anh đã không chọn giải pháp nhảy dù mà chọn giải pháp hy sinh thân mình để cứu dân.

Trong lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam, đã có không ít trường hợp các phi công chọn giải pháp hy sinh bản thân mình để cứu lấy những người dân dưới mặt đất.

Bia mộ liệt sĩ Vũ Đình Chính tại thị trấn Primorsk – Akhtarsk, tỉnh Krasnodar, Liên bang Nga.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, Trung úy phi công MiG-21 Võ Sỹ Giáp đã cất cánh chiến đấu trong điều kiện một máy bay của Không quân Nhân dân Việt Nam đối đầu với hơn mười máy bay của không quân Mỹ. Khi máy bay bị trúng tên lửa địch, Trung úy Võ Sỹ Giáp đã không nhảy dù mà cố gắng đưa máy bay ra khỏi một trường học và rơi xuống một thửa ruộng vừa gặt xong ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú. Anh đã chấp nhận hy sinh để cứu tính mạng của hàng trăm em nhỏ.

Ngày 29-4-2005, Thượng tá phi công Dương Văn Thanh, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn bay huấn luyện 910 đã từ chối lệnh nhảy dù khi chiếc L-39 của anh gặp sự cố kỹ thuật nghiêm trọng. Anh đã điều khiển máy bay tránh khỏi đảo Hòn Tra là nơi có rất nhiều du khách đang tham quan, nghỉ dưỡng và hy sinh khi máy bay rơi xuống vịnh Nha Trang.

Ngày 28-6-2016, Thượng sĩ học viên phi công Phạm Đức Trung thuộc Trungh đoàn huấn luyện bay 910 cũng đã từ chối giải pháp nhảy dù để cố gắng đưa chiếc L-39 gặp trục trặc nghiêm trọng ở đọng cơ vượt qua Quốc lộ số 1. Máy bay rơi tại cánh đồng của xã Hòa Thành, Đông Hòa, Phú Yên. Những người dân đang lưu thông trên Quốc lộ số 1 ngang qua xã Hòa Thành đã thoát nạn trong gang tấc.

Không chỉ ở Việt Nam mà còn ở thị trấn nhỏ Primorsk – Akhtarsk bên bờ biển Azov tại miền nam Liên Xô cách đây 34 năm, học viên phi công Việt Nam Vũ Đình Chính đang theo học tại Trường không quân Krasnodar cũng đã lựa chọn sự hy sinh cho bản thân mình để cứu lấy những người dưới mặt đất. Ngày 29-6-1974, khi đang bay huấn luyện đơn trên chiếc L-29, Học viên phi công Việt Nam Vũ Đình Chính đã được lệnh nhảy dù sau khi anh báo cáo về căn cứ răng động cơ máy bay ngừng hoạt động và không thể khởi động lại.

Khi máy bay đã mất độ cao, Chính phát hiện thấy phía trước máy bay là một toà nhà dân sinh 5 tầng và chỉ vài giây nữa, máy bay sẽ lao thẳng vào tòa nhà, thảm họa với những người dân sinh sống trong tòa nhà là khó tránh khỏi. Anh đã quyết định tiếp tục điểu khiển tránh không để máy bay đâm thẳng vào tòa nhà. Chiếc máy bay đụng vào nóc nhà và rơi ngay sau đó, người học viên trẻ mới 18 tuổi đã hy sinh song toà nhà cùng nhiều người dân sống trong đó đã thoát khỏi thảm hoa.

Mặc dù hài cốt của Chuẩn úy Vũ Đình Chính đã được đưa về nước từ ngày 25-7-2007 nhưng một tấm bia ghi nhận sự quả cảm của anh vẫn dược dựng lên ở thị trấn Primorsk – Akhtarsk, nơi máy bay của anh rơi xuống như một hành động tri ân. Người dân Nga và cả cộng đồng người Việt ở Krasnodar vẫn luôn nhớ tới lòng nhân hậu và tấm gương hy sinh dũng cảm của anh. Họ nguyện noi gương anh, sống và làm ăn tốt để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ bền chặt với người dân bản địa.

Bài viết của tôi xin được coi như một nén tâm nhang để tưởng nhớ đến hành động quả cảm của Thượng tá Phạm Giang Nam và Trung tá Khuất Minh Trí khi tôi không thể đến viếng các anh vào sáng ngày mai, 28-7-2018.

Xin kính cẩn cúi đầu vĩnh biệt !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *