“Xin đừng quy chụp cứ điểm cao là nhờ đi… mua”

Đằng sau “cơn bão” gian lận điểm thi tại Sơn La là những số phận, câu chuyện nghị lực của những thí sinh nhà nghèo, học giỏi. Có điều, các em đang phải trải qua những ngày nặng nề, vì bị miệt thị, quy chụp với những thí sinh được điểm cao nhờ “mua”, nhờ quyền lực của gia đình.

Lò Văn Mạnh (học sinh Trường THPT Thuận Châu, Sơn La), một học sinh giỏi của tỉnh Sơn La buồn rầu kể việc mình bị chỉ trích, quy chụp với những thí sinh được điểm cao nhờ gian lận. Ảnh: Văn Phú.

Đi làm thuê để dành tiền nhập học

Lò Văn Mạnh bắt đầu công việc của mình từ 6h sáng, tại những công trường, cung đường đầy bụi và đất. Ở đó, những công nhân như Mạnh, tay cuốc, tay xẻng dầm mình dưới mưa nắng để thi công, hoàn thiện những con đường giúp người dân TP.Sơn La thuận tiện trong việc đi lại.

Hơn một tháng nay, kể từ ngày kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, Mạnh đã gắn bó với công việc này, để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Quan trọng hơn, em chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ mồ hơi và nước mắt, để chuẩn bị cho một hành trình mới – xuống Hà Nội nhập học vào ngôi trường mơ ước – Đại học Luật Hà Nội.

 
 Lò Văn Mạnh miệt mài đi làm thuê, mỗi ngày dành dụm được 170.000 đồng, để có thể nhập học vào Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Văn Phú.

Với Mạnh, lựa chọn học tiếp hay dừng lại là cả một vấn đề lớn, dù kỳ thi vừa qua em đạt được điểm số khiến nhiều bạn mơ ước – 27 điểm khối C (tính cả điểm cộng ưu tiên).

Bởi với những người dân ở bản Dửng, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La – nơi Mạnh sinh ra và gắn bó cả tuổi thơ – đi học đại học là một điều gì đó xa lạ. Vì kinh tế khó khăn, chạy ăn từng bữa chứ nói gì đến việc đầu tư cho con cái học hành.

Thế nên, từ ngày biết điểm thi, nếu những thí sinh khác có thể nhảy cẫng lên vì vui mừng, đi khoe khắp xóm trên làng dưới nếu đạt được 27 điểm, Mạnh lại làm một chuyện có vẻ ngược đời – giấu bố mẹ kết quả.

“Bố mẹ em đều làm nông. Thu nhập chính để có tiền mua gạo nuôi 4 miệng ăn, tiền cho em học cấp ba và em gái đang học lớp 7 đều từ việc đi làm thuê của bố.

Hằng ngày, ngoài những buổi đến trường, em đi làm thuê cùng bố, khi đi phụ hồ, lúc bốc vác, gặt thuê. Mỗi lúc ngồi nghỉ, bố lại động viên em bằng câu nói: “Dù có vay ngân hàng, bố cũng sẽ quyết tâm cho con đi học”.

Câu nói của bố là động lực để em cố gắng, đặt quyết tâm đỗ đại học” – Lò Văn Mạnh chậm rãi chia sẻ, giữa nhộn nhịp tiếng còi xe, tiếng máy móc rú rít ngoài công trường.

“Xin đừng quy chụp”

Không phụ sự tin tưởng của bố, ngoài thành tích nhiều năm là học sinh giỏi, giành các giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, trong khoảng thời gian 6 tháng trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, Mạnh đã lên một thời gian biểu, đếm ngược thời gian đến mốc quan trọng trong cuộc đời. “Còn 4 tháng nữa – quyết tâm đỗ đại học, còn 3 tháng – phải đỗ đại học”. Những dòng chữ này được Mạnh treo trên tường facebook, thể hiện sự quyết tâm.

Không có tiền đi học thêm, Mạnh dùng tiền thưởng thi học sinh giỏi để in tài liệu trên mạng, rồi miệt mài tự học ở nhà.

 
                                            “Không phải thí sinh nào được điểm cao ở Sơn La cũng là nhờ mua điểm” – Mạnh chia sẻ.

Khi cơn bão gian lận điểm thi ở Hà Giang, rồi đến Sơn La xảy ra, Mạnh không bận tâm vì còn mải miết đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ và dành tiền lo cho tương lai.

Thế nhưng, ba ngày nay, cậu nặng trĩu nỗi buồn. Khi em đăng trên một diễn đàn câu hỏi với nội dung: “Với số điểm 27, em có thể đăng ký vào được trường nào, với điều kiện ra trường sẽ dễ xin việc”. Câu trả lời em nhận lại chỉ là những lời chỉ trích, chửi bới.

“Các thí sinh khác vào trang cá nhân, thấy em đến từ Sơn La, liền quy chụp em được điểm cao là nhờ mua điểm. Em sốc và thực sự rất buồn. Vì bao nhiêu công sức, bao nhiêu nỗ lực của mình không được thừa nhận, bị đánh đồng với những bạn có điểm cao nhờ gian lận”- Mạnh buồn rầu.

Điều Mạnh và nhiều học sinh giỏi ở Sơn La mong mỏi nhất lúc này, là cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ sự việc gian lận điểm thi, trả lại điểm thật cho những người không đi lên bằng sự nỗ lực. Để những bạn “học thật thi thật” được trả lại danh dự, được ngẩng cao đầu bước vào cổng trường đại học mà mình mơ ước.

ĐẶNG CHUNG – ANH PHÚ. Báo Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *