Nữ cận vệ đầu tiên của Bác Hồ và hành trình 70 năm theo cách mạng

Dù đã ở tuổi 94, nhưng bà Nguyễn Thị Bích Thuận (phu nhân cố Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương) vẫn không quên một chi tiết nào khi kể về cuộc đời đầy dấu ấn thời cuộc của mình, từ nữ sinh Trường Đồng Khánh, tham gia giành chính quyền ngày 19-8, dự lễ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9 và từ đó đồng hành cùng chặng đường 70 năm của đất nước, trở thành nữ cận vệ đầu tiên của Bác Hồ…

Lấy vải đỏ trên bàn thờ may cờ Tổ quốc

“Sinh ra, lớn lên trong một gia đình công nhân, mẹ mất sớm, tôi được bố và bà nội nuôi dạy. Nhà nghèo, trong họ nội có người coi thường tôi, tôi tự nhủ mình phải vươn lên, không được để ai khinh. Học xong sáu năm tại Trường Armand Rousseau (Trường Lò Đúc, nay là Trường Lê Ngọc Hân), tôi đỗ vào Trường Nữ sinh Đồng Khánh. Trường dành riêng cho nữ giới, trong đó có nhiều học sinh con nhà giàu, tôi vẫn giữ nếp sinh hoạt của một gia đình lao động, vì thế mà bạn bè đặt cho biệt danh: “Thuận nhà quê”, bà Nguyễn Thị Bích Thuận nhớ lại.

Trường Đồng Khánh lúc ấy đã chịu ảnh hưởng từ phong trào cách mạng của Việt Minh. Những bài giảng lịch sử thấm đượm tinh thần yêu nước của thầy giáo Võ Nguyên Giáp (Trường Thăng Long) được các nữ sinh truyền tai nhau. Trong trang lưu bút chia tay để nghỉ hè, Thanh – cháu gái nhà cách mạng Ngô Gia Tự – đã viết cho Thuận “nhà quê” những lời này: “Mong Thuận đừng quên mình, với nhà với nước”. Tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng của nữ sinh Trường Đồng Khánh thể hiện ngay trong lễ chào cờ. Có hai cột cờ, một cờ Pháp, một cờ Việt Nam. Thuận và các bạn khi kéo cờ thì để cờ Việt Nam nhanh tới đích hơn và khi kéo xuống thì đưa cờ Pháp tụt nhanh hơn. Sau một thời gian, hành động này bị bà giám thị người Pháp phát hiện. Giờ chào cờ, bà ta phải đứng canh.

Tốt nghiệp Trường Đồng Khánh, Bích Thuận hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc, liên lạc trực tiếp với Thành ủy Hà Nội, được chỉ định đi nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh nói về tình hình cách mạng ở Nhà hát Lớn.

Giọng bà hào sảng hẳn khi kể tôi nghe chuyện may cờ đỏ sao vàng: “Hè năm 1945, tình hình căng thẳng lắm. Tôi nhận may một lá cờ đỏ sao vàng để treo ở hồ Hoàn Kiếm. Muốn làm được cờ phải có vải đỏ, vải vàng, mà ra chợ mua rất dễ bị lộ khiến tôi trằn trọc mất ngủ nhiều đêm. Bất chợt, tôi ngước lên bàn thờ gia tiên, trên ngai thờ tổ của gia đình có phủ một mảnh vải đỏ, tươi màu. Tôi quyết định cắt tấm vải thành một hình chữ nhật khoảng 40x50cm để may cờ. Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ: “Bố sẽ hiểu và ủng hộ việc tôi làm”. Lá cờ đỏ sao vàng ấy đã lọt qua sự canh phòng cẩn mật quân Nhật, tung bay trên bờ hồ Hoàn Kiếm như một báo hiệu Cách mạng Tháng Tám đang đến rất gần. 70 năm đã trôi qua, nhưng bà Bích Thuận không thể nào quên được buổi sáng mùa thu đã đi vào lịch sử ấy. Sáng 2-9-1945, bà tập trung chị em ở khu phố Lò Đúc, chợ Hôm, Bạch Mai đi lên quảng trường Ba Đình. Bà nhìn thấy Bác Hồ trên lễ đài. Rất gần. “Tôi đã đọc những tác phẩm của Bác bằng tiếng Pháp. Khi thấy Bác, tôi xúc động quá, tự dưng trong lòng trào dâng niềm tin mãnh liệt: Cách mạng nhất định thành công”, bà Thuận trải lòng. Thật bất ngờ, một khoảng thời gian sau đó, bà vinh hạnh được tham gia bảo vệ Người.

Vợ chồng ông Lê Văn Lương và bà Nguyễn Thị Bích Thuận.

Trọn đời theo cách mạng

Năm 1961, bà Thuận là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Y Dược với tấm bằng đỏ chuyên ngành hóa chất độc. Bộ Y tế cử bà đào tạo tiến sĩ nhưng lúc đó Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn đã bố trí cho nhà khoa học trẻ này học về các phương pháp bảo vệ lãnh tụ ở Liên Xô. Sau đó, bà chuyển sang làm công tác cảnh vệ và trở thành nữ cận vệ đầu tiên của Bác Hồ. Nét mặt bà trở nên rạng rỡ khi hồi tưởng lại: Tất cả thực phẩm Bác dùng tôi đều kiểm tra kỹ lưỡng, tránh các âm mưu đầu độc. Thư, quà gửi cho Bác cũng được kiểm tra tỉ mỉ. Tôi kiểm tra kỹ xe ô-tô và lốp xe trước khi Bác lên xe, nơi Bác đến cũng được rà soát kỹ nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn. Có hôm được Bác mời ăn cơm ở nhà sàn, Bác trò chuyện với tôi thân tình như cha nói chuyện với con. Biết tôi đi học ở Liên Xô về, Bác căn dặn: Cháu không được bắt chước rập khuôn, người ta làm thế nào mình làm thế ấy mà phải áp dụng phù hợp thực tế, phải dựa vào sự hỗ trợ của các chú bảo vệ, cấp dưỡng. Tôi ghi sâu lời Bác. Công tác cảnh vệ không được phép sai sót, xuê xoa. Có lần, tôi phát hiện thực phẩm chuẩn bị phục vụ cho Bác chưa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, tôi kiên quyết yêu cầu thay, bởi sức khỏe của Người đặc biệt quan trọng.

Tinh thông ba ngoại ngữ Pháp, Anh, Nga, bà Thuận đã nhiều lần làm các đồng nghiệp nước ngoài ngạc nhiên. Ít ai biết, bà là người có công đầu trong việc vận chuyển những bó hoa lay ơn sang cho Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 22, năm 1962. Những củ hoa lay ơn được bà và các cộng sự chọn lọc kỹ rồi trồng ở Hải Dương. Đến ngày thu hoạch, bà xuống kiểm tra từng bông rồi “hộ tống” hoa tới Matxcơva. Những bông hoa lay ơn đỏ thắm của xứ nhiệt đới sáng rực trong phòng họp của Đại hội Đảng, xua tan mùa đông giá lạnh.

Bước sang tuổi 62, nghỉ hưu khi ở cấp hàm Đại tá, Cục phó Tư lệnh cảnh vệ Nguyễn Thị Bích Thuận vẫn bước tiếp hành trình với ngã rẽ mới. Bà dồn hết tâm huyết vào những trang viết về cuộc đời cách mạng của mình, về người chồng, người đồng chí Lê Văn Lương và nghiên cứu lịch sử. Các cán bộ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã quá quen với hình ảnh bà chụp ảnh các văn bia, ghi chép những sử liệu. Và mỗi khi vui vầy cùng con cháu, bà không quên nhắc lại chuyện xưa để chúng gìn giữ nếp nhà. Năm người con đều là cán bộ nhà nước, 23 con, cháu đều tốt nghiệp đại học và thành đạt.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bích Thuận thăm ao cá Bác Hồ.

“Nhìn lại chặng đường 70 năm theo cách mạng, tôi chỉ nói một từ: trọn vẹn. Trọn vẹn nghĩa tình công dân, trọn vẹn nghĩa tình của người yêu nước. Cuộc đời tôi từ cô bé nghèo ở xóm lao động đã thay đổi theo vận mệnh đất nước…”, bà Thuận quả quyết. Lịch làm việc vẫn kín, giờ nào việc đấy, tôi cứ cảm giác hình như bà lão “cửu thập cổ lai hy” vẫn mang trong mình sức trẻ của cô nữ sinh Đồng Khánh ngày nào. Bà vẫn có được cái “cảnh giới”: tay luôn đeo đồng hồ, mỗi ngày là một ngày mới và hành trình 70 năm ấy chưa dừng lại…

Nguồn: Báo Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *