Ổn định để phát triển luôn là mong muốn chính đáng của nhân dân Việt Nam

Yêu chuộng hòa bình, mong muốn đất nước ổn định để phát triển luôn là mong muốn chính đáng của mọi người dân Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo. Tuy nhiên, trong những ngày qua trên trang mạng danlambao, Phạm Văn đã có một bài viết đi ngược lại mong muốn đó, phủ nhận sự ổn định chính trị trong nước, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Thứ nhất, Phạm Văn đã sai lầm khi cho rằng không thể nào có sự “ổn định chính trị” khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước. Thực tiễn ở Việt Nam thời gian qua đã chứng minh, lập luận của Phạm Văn là hoàn toàn thiếu căn cứ. Khi nghiên cứu về Việt Nam, rất nhiểu học giả và lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đều khẳng định: Thành công của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam dựa trên sự ổn định chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam có thể duy trì chính sách phát triển kinh tế đi đôi với công tác an sinh xã hội cho người dân. Nếu nhìn sang một số quốc gia trong khu vực, chúng ta dễ thấy rằng, từ năm 1990 trở lại đây, hầu hết các nước trong khu vực đều trải qua các cuộc đảo chính hay khủng hoảng chính trị. Trong khi đó, nền chính trị ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo luôn ổn định, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho đất nước được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Sự ổn định về chính trị càng được khẳng định thông qua đánh giá về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ cũng như các tổ chức kinh tế quốc tế. Theo đánh giá của Chính phủ Việt Nam năm 2017 là năm đánh dấu kỷ lục về tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch thương mại hay khách du lịch đến Việt Nam. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong năm. Năm 2017 tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra, và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vậy, yếu tố nào để hơn 30 năm qua và gần đây nhất là năm 2017, kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn khi mà cả thế giới đang tìm mọi biện pháp khắc phục nhằm đạt được chỉ tiêu? Điều đó, có thể do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng hàng đầu chính là kết quả của sự ổn định chính trị và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây, là đánh giá của nhiều tổ chức chính trị, kinh tế có uy tín trên thế giới khi nghiên cứu về Việt Nam. Những đánh giá khách quan này lẽ nào Phạm Văn không biết hay cố tình không biết để nói bừa, nói bậy!

Phạm Văn cũng cần biết rằng, chính sự bất ổn về chính trị xảy ra ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và trong khu vực thời gian qua, nguyên nhân sâu xa đều khởi nguồn từ việc tranh giành quyền lực chính trị; mâu thuẫn lợi ích giữa các đảng phái hoặc ngay nội bộ của đảng cầm quyền. Hậu quả, việc bất ổn chính trị không chỉ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia mà còn gây ra rất nhiều đau thương, bất hạnh cho nhân dân. Ở những quốc gia, vùng lãnh thổ không giữ được sự ổn định về chính trị thì người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là nhân dân. Vì lẽ đó, sự ổn định chính trị ở Việt Nam cần phải được ghi nhận và ủng hộ chứ không phải là cái để chỉ trích và xuyên tạc như bài viết của Phạm Văn!

Thứ hai, Phạm Văn đã lộ rõ bộ mặt phản động khi cho rằng: thực chất của “cuộc chiến chống tham nhũng” chính là cuộc chiến giữa phe nhóm lợi ích này, chống lại phe nhóm lợi ích kia. Cần phải khẳng định rõ, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, làm trong sạch bộ máy nhà nước. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25 tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái (riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái). Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, đặc biệt là từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát lệnh “đốt lò tham nhũng”. Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định hiện nay phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hoàn toàn “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, hoàn toàn không có chuyện phe phái, đấu đá nội bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng. Do đó những luận điệu phản động của Phạm Văn về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động và lãnh đạo là xuyên tạc, bịa đặt, vô căn cứ hòng gây hoài nghi của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Ổn định chính trị luôn là nền tảng vững chắc để phát triển đất nước, đây cũng là nguyện vọng và mong muốn chính đáng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Do đó, mọi người cần tỉnh táo tin vào các quyết sách của Đảng bởi sự ổn định chính trị chỉ được xây dựng vững chắc trên nền tảng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *