Viết cho anh thay một nén hương

Nhớ lại khoảng thời gian đầu thập niên 80, lần đầu tôi nhìn thấy anh Trần Đại Quang trên báo Nhân Dân với dáng người cao lớn, hùng dũng, cầm quốc kỳ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Festival Thanh niên Việt – Xô. Vài năm sau đó, khi tôi đã đứng trên bục giảng thì anh cũng trở thành sinh viên khóa tại chức I, khóa tại chức đầu tiên của trường Đại học An ninh nhân dân.

Trong trí nhớ của tôi, anh Trần Đại Quang là một người học giỏi, viết lách hay, chăm chỉ và rất khiêm tốn. Thời đó có một chuyện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của trường, anh Quang – một sinh viên đang học tại chức được mời làm phản biện luận văn tốt nghiệp của sinh viên đào tạo chính quy. Lãnh đạo trường khi đó quyết định việc này vì biết chắc chắn, với đề tài đó thì phải mời anh phản biện mới đích đáng nhất.

Rồi anh ra trường, sau nhiều năm nỗ lực cống hiến, anh đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng và giao phó, đảm nhận nhiều vị trí cốt cáng trong lực lượng vũ trang. Đến năm 1989, tôi có một thời gian đi thực tế ở Bộ Công an, ở ngay trong đơn vị do anh làm trưởng phòng. Thời điểm đó, tôi rất cảm mến anh vì nhận thấy anh đúng là một nhà chính trị từ trong máu, thông minh, khôn ngoan, không mất lòng ai, cả trên lẫn dưới. Anh cũng tỏ ra hết sức khiêm tốn và biết lắng nghe trước mọi người.

Năm 1990 tôi về quê nhưng vẫn thường xuyên liên hệ công tác với đơn vị do anh làm lãnh đạo. Chúng tôi vẫn có những cuộc trao đổi, bàn luận khi anh làm luận án Tiến sĩ Quản lý nhà nước về An ninh trật tự. Sau đó, tôi không còn ở trong ngành nữa còn anh vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến cho đất nước không ngừng nghỉ. Tôi rất vui khi ở cương vị Chủ tịch nước, anh vẫn là một người rất gần gũi với người dân. Dù đi đến đâu, về đến địa phương nào, anh Quang vẫn dành thời gian gặp gỡ, động viên các em nhỏ, những người nghèo, gia đình chính sách, những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Từ những em vùng cao đến những ngư dân ngoài khơi lộng gió hay các chiến sỹ ngoài hải đảo xa xôi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Những tình cảm của anh chính là viên gạch góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh giúp Việt Nam đi lên và tạo nên những dấu ấn đẹp trong trái tim hàng triệu người dân trong nước và quốc tế. Mặc dù không liên lạc, gặp gỡ anh như trước nữa nhưng tôi vẫn xúc động bởi thỉnh thoảng vẫn có người nhắn nhủ lại: Anh/Ông Quang có hỏi thăm thầy,….

Hôm nay, anh đã ra đi thật rồi. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, tôi muốn viết vài dòng thay một nén hương để tiễn biệt anh – Người con ưu tú của đất nước Việt Nam.

*Ban Biên tập xin gửi đến bạn đọc lời tâm sự của ông Phạm Xuân Cần, một người thầy cũ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Trường đại học An ninh nhân dân.

Theo FB Phạm Xuân Cần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *