Báo cáo của IVAC cho biết, với sự hỗ trợ tích cực của WHO, PATH, BARDA cùng nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, IVAC đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa gồm với 3 chủng  A/H1N1, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm đại dịch A/H5N1.

Sản phẩm vắc xin cúm mùa của IVAC sản xuất.

Hai loại vắc xin nêu trên được IVAC sản xuất quy mô trên dây chuyền công nghiệp có chất lượng cao, đảm bảo an toàn y tế với công suất mỗi năm 1,5 triệu liều vắc xin cúm mùa và 3 triệu liều vắc xin cúm A/H5N1.

Cũng theo IVAC, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,2-1,5 triệu người mắc hội chứng cúm, trong số đó 20-30% do vi rút cúm mùa gây ra và dịch cúm gia cầm đã xuất hiện từ năm 2003, trong khi nguồn cung cấp vắc xin cúm bền vững vẫn còn thiếu, phải trông chờ các nhà sản xuất nước ngoài.

Cắt trứng gà do IVAC chăn nuôi gà giống Novo Whie nhập từ Pháp để lấy phôi sản xuất vắc xin cúm.
Một công đoạn sản xuất cúm văc xin tại IVAC.

Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Kế hoạch hành động toàn cầu về vắc xin cúm của WHO từ năm 2007, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ IVAC phát triển sản xuất vắc xin cúm mùa và cúm đại dịch, sử dụng công nghệ trứng gà có phôi.

Đặc biệt từ năm 2010, WHO, PATH, BARDA đã hợp tác với Việt Nam xây dựng kế hoạch dài hạn liên quan đến sản xuất và sử dụng vắc xin cúm, hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng và hướng dẫn đăng ký vắc xin cúm.

Tiếp đó, trong 6 năm (2012- 2018), IVAC lần lượt thử nghiệm lâm sàng các loại vắc xin cúm mùa và cúm A/H5N1 với nhiều giai đoạn với kết quả cho thấy vắc xin được dung nạp tốt, có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch bảo vệ.

Được biết, IVAC đang thực hiện các thủ tục đăng ký cấp giấy phép cho hai loại vắc xin nêu trên và dự kiến lưu hành từ năm 2019, với giá sản phẩm chỉ bằng 50-70% so với sản phâm nhập khẩu. Đây là một thành tựu khoa học nổi bật của IVAC góp phần nâng cao năng lực sản xuất vắc xin và chủ động đối phó đại dịch cúm ở Việt Nam.

Hữu Toàn – Báo điện tử CAND