Động cơ những kẻ tung tin giả gây khiếp sợ vùng thảm họa ở Indonesia

Nhiều người lợi dụng thảm họa để đưa tin giả như sắp có động đất mạnh hơn hay vỡ đập, nhằm khiến người dân bỏ đi để trộm đồ.
Theo The Guardian, cơ quan chức năng Indonesia đang phải vật lộn để chống lại nạn tin giả tràn lan khiến cư dân đảo Sulawesi hoảng loạn sau thảm họa kép động đất – sóng thần ngày 28/9.

Những tin tức giả lan truyền bao gồm một trận động đất mạnh 8,1 độ richter sắp đến, một con đập có nguy cơ bị vỡ, khiến nỗi sợ hãi tại Sulawesi tăng lên – nơi con số thiệt mạng vì thảm họa kép đã lên đến hơn 1.400 và dự kiến tiếp tục tăng.

Người dân bước trên con đường bị phá hủy tại thành phố Palu, tỉnh Trung Sulawesi sau khi động đất và sóng thần tàn phá khu vực này.

Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia đã bác bỏ hai thông tin này và khẳng định đây là “tin lừa đảo”. Chính quyền cũng phủ nhận những tin đồn thất thiệt khác như thị trưởng Palu, thành phố chịu tác động nặng nề nhất, đã thiệt mạng trong thảm họa, hay gia đình các nạn nhân được cung cấp chuyến bay miễn phí tới Palu.

Một số người còn đăng ảnh các thi thể lên mạng và nói rằng đó là nạn nhân động đất hôm 28/9, trong khi những tấm hình được chụp trong thảm họa khác, bao gồm trận động đất 9,1 độ gây ra sóng thần năm 2004 tại đảo Sumatra.

Theo Guardian, tin giả là một vấn đề trầm trọng ở Indonesia. Chính phủ Indonesia tuần trước tuyên bố sẽ tổ chức họp báo hàng tuần để giúp công chúng “phân loại thông tin”. Tuy nhiên, người dân Palu cho biết tin tức giả vẫn đang lan truyền.

Một người dân Palu xác nhận với Guardian về tình trạng tin giả tràn lan. “Chúng tôi nghe nói sẽ có động đất lớn vào ngày mai (5/10). Tôi bảo họ đó là tin giả. Nếu bạn rời khỏi nhà sẽ có người đến trộm, vì thế tin tức này mới bị lan truyền.” – Badarudin, người dân sống tại khu vực cho biết

Các tin này chủ yếu được truyền miệng từ người này sang người kia vì điện ở khu vực vẫn chưa được khôi phục và không có nhiều địa điểm để người dân sạc điện thoại.

Bambang Triyono, một nhân viên cứu trợ cho biết những tin tức giả tương tự thường lan truyền trong các thảm họa. “Khi ở Lombok xảy ra thảm họa động đất cũng có chuyện như vậy, tin đồn lan đi rằng sóng thần lớn sẽ sớm ập đến”.

Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBP), từng nhiều lần dùng Twitter để bác bỏ tin tức sai lệch, trong đó có những tin liên quan tới vụ phun trào núi lửa Soputan trên đảo Sulawesi hôm qua. Một số người đã dùng hình ảnh và video giả mạo để làm tăng độ nghiêm trọng của sự việc.

Cảnh sát tiết lộ đã xác định 4 nghi phạm khởi xướng những trò lừa đảo tới từ vùng Majene thuộc tỉnh Tây Sulawesi. “Chúng tôi đã có danh tính và hy vọng sẽ sớm bắt họ”, phát ngôn viên cảnh sát Setyo Wasisto cho biết.

Nguồn: Báo Mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *