TỔNG BÍ THƯ ĐỒNG THỜI LÀ CHỦ TỊCH NƯỚC BẢO ĐẢM TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang diễn ra tại Hà Nội, trong phiên họp chiều ngày 03-10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tới đây. Phương án nàyđược dư luận trong nước đồng tình rất cao, vì “hợp lòng dân”, là thời điểm chín mùi để Trung ương triển khai việc thực hiện mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước.

​Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội có nội dung chống đối Việt Nam, như: BBC, RFA, VOA,Việt Tân và các đối tượng cơ hội, chống đối chính trị, như: Linh mục Nguyễn Duy Tân, Võ Văn Tạo,… đã đăng tải nhiều bình luận mang tính quy chụp, suy diễn, như: “Tổng Bí thư là người tham quyền cố vị hay sự tính toán có chỉ đạo… một khi quyền lực được gia tăng rơi vào trong tay chỉ một cá nhân thì không biết tương lai đất nước sẽ đi về đâu,…”. Chúng đangcố tình lợi dụng sự kiện này để xúc phạm đến uy tín và thân thế của Tổng Bí thư; “chọc ngoáy”, nói xấu, bôi nhọ chế độ, nhằm chia rẽ đoàn kết nội bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với chế độ và sự lãnh đạo của Đảng.

Cũng cần phải nhìn nhận rằng, có rất nhiều nước trên thế giới, lãnh đạo Đảng cầm quyền trực tiếp nắm bộ máy nhà nước, điển hình như: Tổng Thư ký Đảng cầm quyền Xin-ga-po đương nhiên là Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản, đồng thời đứng đầu nội các. Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, đồng thời là Thủ tướng Chính phủ. Nhiều nước ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới cũng được tổ chức tương tự. Rõ ràng việc nhất thể hóa chức vụ của đảng cầm quyền với chức vụ nhà nước là cách thức tổ chức mang tính phổ biến trên thế giới, vừa củng cố vị thế của đảng chính trị cầm quyền, vừa tăng cường trách nhiệm quản lý của nhà nước.

Ở Việt Nam, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng và từ tháng 02-1951 là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến khi Người qua đời (02-9-1969). Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta không ngừng xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hoàn thiện hệ thống chính trị. Với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đã có một số lần được đặt ra nhưng chưa có đủ điều kiện cần thiết.

Hiện nay, những điều kiện về vai trò, trách nhiệm của Đảng cầm quyền và xây dựng, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã chín muồi và đồng thuận trong Đảng, nhất là trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước, cho phép nhất thể hóa các chức vụ lãnh đạo hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽtăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; mặt khác, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ tăng cường vị thế của người đứng đầu Nhà nước trong thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn đã được Hiến pháp quy định. Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Những quy định từ Điều 86 đến Điều 93 của Hiến pháp 2013 về vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước sẽ được thực hiện tốt hơn khi Chủ tịch nước cũng là Tổng Bí thư, trực tiếp thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt sâu sắc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng. Thực hiện tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Một đồng chí đảm nhiệm cả chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đòi hỏi phải có những phẩm chất, trình độ và năng lực, uy tín cần thiết để xử lý thành công cả vai trò lãnh đạo của Đảng và thực hiện quyền lực Nhà nước. Chính điều đó càng khẳng định và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện bộ máy tổ chức của Đảng và chính quyền nhà nước các cấp và cả hệ thống chính trị mà Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đề ra và đang được thực hiện. Về vấn đề kiểm soát quyền lực khi một người nắm giữ chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước. Ở các nước, đều có quy định và cơ quan kiểm soát quyền lực để chống lạm quyền, vượt quá quyền hạn cho phép. Ở Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực. Phải từ Cương lĩnh, Điều lệ, những quy định của Đảng, kể cả quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Kiểm soát quyền lực bằng những quy định của Hiến pháp và pháp luật, bằng các cơ quan kiểm tra, thanh tra, của mọi cán bộ, đảng viên và của nhân dân. Ngay trong các tổ chức của bộ máy nhà nước, lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng thực hiện sự kiểm soát. Điều đó sẽ ngăn chặn sự tha hóa quyền lực. Điều quan trọng nhất là toàn Đảng, cả bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân lựa chọn được nhà lãnh đạo có đủ tài năng, đức độ, trách nhiệm và uy tín chính trị thật sự vì nước, vì dân.

Từ những cơ sở trên cho thấy, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất rất cao (100%) giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, xuất phát từ quan điểm, đường lối, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế của nhiều nước trên thế giới, bảo đảm tăng cường sức mạnh và hoàn thiện hệ thống chính trị./.

(Tre Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *