Khoảnh khắc hào hùng ngày đoàn quân chiến thắng tiếp quản Thủ đô

64 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức các nhân chứng lịch sử, ngày đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô vẫn là ngày khoảnh khắc hào hùng. Hình ảnh “trùng trùng quân đi như sóng” như mang cả trong mình khát vọng và hoài bão của biết bao chàng trai, cô gái Hà Nội thuở ấy, ra đi để hẹn ngày trở về trong niềm vui chiến thắng.

ảnh 1Đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954

Xuất hiện nhiều nhân chứng lịch sử

Tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” tại Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò có sự xuất hiện của nhiều nhân chứng lịch sử – những người theo các quân đoàn tiến về Thủ đô vào ngày thu lịch sử của 64 năm về trước.

Trong buổi nói chuyện đầy xúc động giữa các nhân chứng lịch sử, điều đọng lại trong khán giả là niềm tự hào của những người lính trở về trong sự chào đón hân hoan của người dân Hà Nội, cảm xúc vỡ òa sau bao tháng ngày xa cách, nay những người lính trở lại tiếp quản Thủ đô khi họ đã là công dân của một đất nước độc lập.

Trong ký ức còn đong đầy cảm xúc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, người phụ trách tiếp quản nhà tù Hỏa Lò, một trong 35 điểm trọng yếu của Hà Nội lúc bấy giờ xúc động kể, ông bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò, tra tấn rồi chuyển trại giam. Sau này, khi là một trong những người trở lại trên hai chiếc xe Jeep, tiếp quản nhà tù Hỏa Lò, ông đã xúc động vô cùng. Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh còn nhớ buổi tối đầu tiên tiếp quản trại giam, khi ngủ tại căn buồng của giám thị trước kia, ông không thể nào chợp mắt. Bên cạnh niềm hạnh phúc còn là nỗi xót thương, đau đớn khi nhớ tới những đồng đội của mình đã bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò, bị tra tấn và hy sinh.

Ông Trần Quốc Thanh (80 tuổi) vinh dự là một trong những người lính của Trung đoàn 57, đại đoàn 304 tiếp quản Hà Nội năm xưa. Năm đó, ông mới gần 20 tuổi. Chàng trai trẻ Trần Quốc Thanh cùng đồng đội tiến về Hà Nội từ cửa ngõ phía Tây. Buổi sáng ấy, trời thu trong xanh, đoàn quân với cờ đỏ sao vàng hùng dũng tiến về trung tâm Thủ đô. Những người nông dân còn ở dưới ruộng đã rất vui mừng chạy túa ra đường, reo vang, ôm chầm lấy bộ đội.

“Chúng tôi đón nhận tình cảm ấy vô cùng tự nhiên và bất ngờ. Khi quân đoàn đến Hà Đông, đi qua nhà của bố mẹ tôi, tôi xúc động vô cùng. Tôi không thể nào diễn tả hết niềm hạnh phúc, xúc động khi đón nhận tình cảm của người dân, cứ như thể họ chờ đợi điều này từ rất lâu rồi. Chúng tôi không còn cảm giác đang làm nhiệm vụ, mà như thể đang được trở về nhà”, ông Trần Quốc Thanh kể, hai bàn tay nắm chặt để kìm giữ cảm xúc.

ảnh 2

Niềm vui của những người lính trở về tiếp quản Thủ đô

Điểm hẹn không thể bỏ qua

Hình ảnh của đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô luôn đẹp trong ký ức bao người còn bởi hình ảnh ấy còn luôn gắn với những thiếu nữ Hà Nội yêu kiều. Là một trong những người con gái Hà Nội góp mặt trong ngày lễ trọng đại của Thủ đô, bà Nguyễn Thị Phúc, nay đã 82 tuổi cho biết, 64 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại những khoảnh khắc lịch sử của ngày 10-10, bà vẫn thấy như mới, lâng lâng niềm cảm xúc.

Bà nhớ rất rõ, mình đã vỡ òa vì hạnh phúc và sung sướng khi nhìn thấy bộ đội về giải phóng Hà Nội. Bà hòa vào dòng người đón đoàn quân đi từ phố Bà Triệu đến hồ Hoàn Kiếm. Người dân Hà Nội, ai nấy đều hồ hởi chạy ra đường, vẫy chào đoàn quân tiến về Hà Nội. Họ truyền nhau cờ, hoa để vẫy chào. Người nào không có cờ hoa thì vẫy bằng khăn, mũ, nón…

Trong những ngày diễn ra trưng bày “Hà Nội – Ngày trở về”, Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò đã được đón nhiều lượt khách tới tham quan. Trong đó có không ít các cụ ông, cụ bà tuổi xưa  nay hiếm cũng tới xem triển lãm. Với những người đã sống qua ngày tháng lịch sử của Thủ đô, triển lãm là một điểm hẹn không thể bỏ qua để cùng nhau ôn lại lịch sử của Hà Nội cách đây 64 năm. Họ say sưa kể cho các du khách nghe về cái ngày “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” như một cách truyền lửa, truyền niềm tự hào cho thế hệ con cháu.

Nguồn: ANTĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *