Anh hùng đoán giữa trần ai

Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Các đồng chí mà chọn sai là rất nguy hiểm. Phải tinh đời. Trước hết mình phải trong sáng” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viện dẫn hai câu Kiều để nói về việc lựa chọn cán bộ chiến lược tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.

1. Tài và đức, hai chữ ngắn gọn, nghe tưởng giản đơn vậy nhưng lại là việc thực khó khăn, phức tạp bởi sự tài, đức đó được đánh giá, thẩm định qua lăng kính của những người làm tổ chức hay thông qua phiếu bầu. Lăng kính đó có thể đúng, có thể lệch, thậm chí sai tùy thuộc vào ý thức chủ quan (đánh giá, nhìn nhận) và khách quan (các tác động chi phối).

Nên, dù là chuyện cũ thì nhắc lại cũng không bao giờ thừa, dù là “biết rồi, khổ lắm” thì thực tiễn cũng xảy ra muôn trạng, mẫu mực khắc danh cũng có mà xảo trá khiến người đời oán thán cũng không thiếu.

Ta hãy suy ngẫm lại những điều sau đây của Bác Hồ:

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một bài báo với tiêu đề Tìm người tài đức, đăng trên Báo Cứu quốc số 411, ra ngày 20-11-1946.

Bài báo nêu rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Và Người “tự nhận khuyết điểm” với những lời chân tình rằng: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”.

Đồng thời, Người cũng đề xuất: “Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.
Một bài báo ngắn gọn nhưng thể hiện đầy đủ tầm nhìn chiến lược, sự cầu thị, chân thành khi nhìn nhận về tìm kiếm người tài. Chính sự cầu thị và trọng dụng đó mà trong bối cảnh đất nước đầy gian khó, các giai cấp, tầng lớp đều hướng về cách mạng, gạt bỏ mọi vướng mắc để chung tay giúp nước.

Từ các nhà Nho, nhân sĩ tài năng, uy tín trong xã hội như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố…, các vị quan chức cấp cao của triều đình nhà Nguyễn như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe, đến các trí thức tài giỏi như luật sư Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch… đều đã “xuất thân giúp nước” như lời Bác Hồ kêu gọi.

Tư duy trọng người tài của Bác không chỉ thể hiện ở việc tìm kiếm người tài mà còn ở việc sử dụng người tài. Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện lần thứ nhất, mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Gặp buổi xứ Huế trời mưa và lạnh, cụ Huỳnh điện trả lời Bác Hồ: “Thời tiết xấu, tôi chưa đi được và không thể nhận chức Bộ trưởng nhưng trước sau gì tôi cũng ra gặp Cụ”.

Ít ngày sau, Bác Hồ đánh bức điện thứ hai gửi cụ Huỳnh, đích thân Hồ Chủ tịch và Võ Nguyên Giáp ký tên với nội dung: “Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ!”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng quyết định ra Hà Nội, song từ chối nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ vì “lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”.

Song, tại kỳ họp đầu tiên ngày 2-3-1946, Quốc hội họp để thông qua danh sách Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đề nghị, cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Khi giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội thông qua, lời giới thiệu của Bác Hồ về cụ Huỳnh vẫn chân tình một tấm lòng trọng người tài của Người.

Người nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng!”.

Kể lại câu chuyện trên để thấy sự đánh giá, nhìn nhận thấu đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cách mời gọi, sử dụng người tài đức giúp nước.

Tuy nhiên, lịch sử cũng chỉ ra rằng, cùng việc tìm chọn, sử dụng người tài đức thì phải đi đôi với sàng lọc, thanh loại và xử lý những kẻ bất tài, xu nịnh, làm điều phản dân hại nước.

Vấn đề là phải có những con mắt tinh đời đủ khả năng nhìn nhận và người trị vì đủ bản lĩnh, sắc sảo để đưa ra quyết định. Dân ta khi nói về ông Chu Văn An, ai cũng một lòng ngưỡng mộ một bậc hiền Nho, một tấm gương tiết tháo, suốt đời không màng lợi danh.

Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo. Nhận thấy tài năng và đức độ của ông, vua Trần Minh Tông(1314-1329) mời ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử.

Đến đời Dụ Tông – thời kỳ suy sụp nhà Trần – tình hình thế sự thay đổi, vua quan ăn chơi sa đọa, bọn gian thần tham nhũng, đục khoét dân nghèo ngày một nhiều. Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, ông đã nhiều lần can ngăn và dâng sớ chém 7 nịnh thần nhưng đều bất thành nên cáo quan về dạy học, viết sách cho tới khi mất.

Ngày nay, khi nhắc đến Chu Văn An, chúng ta thường liên tưởng tới “thất trảm sớ” với nội dung xin chém 7 nịnh thần. Danh sĩ Nguyễn Văn Lý (thế kỷ XX) có thơ: “Thất trảm vô vi tồn quốc luận/ Cô vân tuy viễn tự thân tâm” (nghĩa là: sớ thất trảm không được thi hành, cả nước bàn luận/ Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng).

2. Ngày nay, chúng ta nhấn mạnh vấn đề tài đức, sử dụng hiền tài thực ra là sự tiếp nối những vấn đề thuộc truyền thống ông cha. Ở đây đặt ra hai vấn đề: Lựa chọn cán bộ khâu đầu vào và xây dựng cơ chế kiểm soát khi cán bộ đã đảm chức. Cả hai vốn đang lộ diện những khoảng hổng lớn mà công cuộc “đốt lò nhóm củi” mấy năm qua đã cho thấy rõ thực trạng này.

Bây giờ thì ông Đinh La Thăng đã lĩnh án tù với những sai phạm khi đảm trách vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí (giai đoạn 2007-2011) nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao với “hành trang” như thế, ông Thăng vẫn được chọn lựa để Đại hội XI bầu vào Trung ương và Quốc hội phê chuẩn chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5 năm sau (2016), ông Thăng còn được bầu vào Bộ Chính trị, rồi giữ chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Việc không “khui lộ” những sai phạm của ông Đinh La Thăng, để kéo dài thời gian và tiếp tục thăng tiến lên các vị trí cao hơn, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người “tuyển lựa”.

Vậy thì phải “sàng” thế nào đây để một cá nhân buộc phải “hiện hình” bản chất thực thay cho những lấp lánh trên tấm áo hay chiếc ghế họ đang ngồi. Điều này thực sự là bài toán khó và ở nhiều góc độ còn bị cảm quan chi phối, sự yêu ghét ở mỗi người cũng như khả năng “biến hóa” của chính cán bộ đó.

Trong khi đó, hiện tình trạng xu nịnh, giả dối, cơ hội chính trị để tiến thân, dùng mọi thủ đoạn, kể cả mưu kế thấp hèn, quỷ quyệt hạ đối thủ, giành lợi thế cho mình trong “trường đua chính trị” ngày càng diễn biến phức tạp. Liệu chúng ta có cơ chế và có thể thực hiện được không với người tài, người đức mà sống thẳng thắn, không xu nịnh, không chạy, không luồn cúi gì cả vẫn có thể… thăng tiến?

Trước mỗi kỳ đại hội, dư luận vẫn thường thậm thụt chuyện ông này, bà kia luồn lách, sử dụng vật chất “khủng” và thủ đoạn để chạy vào các vị trí quyền lực, bổng lộc. Những điều đó vì các lý do khác nhau không được làm sáng tỏ trong khi “người trong dư luận” sau cùng lại trúng vào những vị trí… đúng như đồn đoán!

Lần này, việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lệch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị.

“Nó như con lươn, con trạch, uốn éo rất khéo. Ngày xưa Lênin đã nói, kẻ cơ hội chính trị nghe lãnh đạo ưa thế nào để nói theo lấy lòng. Chưa nói chuyện thân quen, quê hương, trước kia đã từng làm việc với nhau, cái này phải rất tỉnh táo. Các đồng chí nhấn mạnh đến tiêu chuẩn, yêu cầu, phải bổ sung vào” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và lưu ý, trong quy hoạch, bên cạnh nhấn mạnh đến tiêu chuẩn cũng cần tính đến cơ cấu.

Đặc biệt, không quá nặng nề về quy trình hay số phiếu cao thấp, bởi trên thực tế có những người chạy phiếu. Trước hết, Ban Chỉ đạo phải thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu. Trong sáng mà phải rất tinh. ““Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Các đồng chí mà chọn sai là rất nguy hiểm. Phải tinh đời. Trước hết mình phải trong sáng” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

(Theo Công An Nhân Dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *