Người khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam” tại Hàn Quốc

Lần tìm tài liệu cho luận văn thạc sĩ, một nữ du học sinh Hàn Quốc phát hiện sự thật lịch sử đang bị che giấu về tội ác của quân đội Đại Hàn với các vụ thảm sát trên đất Việt. Và sự thật ấy đã đưa nữ du học sinh này sang một ngã rẽ khác của cuộc đời – gần 20 năm xuôi ngược hàn gắn vết thương chiến tranh.

Đó chính là nữ tiến sĩ lịch sử Việt Nam Ku Su Jeong, Phó chủ tịch Thường trực Quỹ Hòa bình Hàn – Việt, đồng thời là “cha đẻ” Phong trào “Xin lỗi Việt Nam”.

Dòng tin thấm nỗi đau

Mưa trút nước, trắng trời Bình Hòa (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) những ngày đầu tháng cuối năm. Bà Ku Su Jeong cùng gần 30 người trong đoàn là nhà văn, sinh viên đứng lặng người tưởng niệm trước Bia căm thù – nơi ghi tên tội ác của quân đội Đại Hàn 50 năm trước. Thắp nén tâm nhang, dâng hương hoa, cả đoàn cùng quỳ rạp trước chứng tích đau lòng. “Những nạn nhân vô tội chủ yếu là phụ nữ và trẻ em”, nữ tiến sĩ run giọng thuyết trình cho những người Hàn Quốc về trang sử buồn khi quân đội Đại Hàn thảm sát 430 người dân Bình Hòa… “Lần nào đến đây tôi cũng có cảm xúc riêng”, bà Ku Su Jeong tâm sự.

Ku Su Jeong từng học hỏi được nhiều điều từ phong trào sinh viên Việt Nam những năm 1960; Cộng thêm niềm thôi thúc tìm hiểu về các nước XHCN, bà quyết định sang Việt Nam du học và chọn Khoa Sử – Trường Đại học KHXH và Nhân văn TP HCM. Bước ngoặt lớn với Ku Su Jeong vào năm 1997, khi bà thực hiện luận văn thạc sĩ, bất ngờ tiếp cận sách “Những tội ác của quân đội Nam Triều Tiên tại miền Nam Việt Nam”. Từng trang sách như khiến bà chết lặng trước những thông tin đẫm máu và tội ác của quân đội Đại Hàn lần đầu được biết đến.

“Thời điểm xảy ra những cuộc thảm sát trên đất Viêt cũng chính là lúc thế hệ chúng tôi chào đời. Nhưng sau đó, chẳng ai được biết về những cuộc thảm sát”, bà Jeong nói. Thôi thúc tìm sự thật, hơn ba tháng trời năm 1997 bà đã đặt chân đến hơn 100 làng, xã ở 5 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, những địa danh mà quân đội Hàn Quốc đóng quân trước đây. Tại đây, bà được nghe những nhân chứng kể chuyện thảm sát, chứng kiến các chứng tích còn để lại về một sự thật không thể che giấu.

Khi sự thật lên tiếng

Từng cái ôm, níu tay của người dân vùng thảm sát, đặc biệt lời căn dặn hãy về kể lại cho người Hàn Quốc về tội ác và “đừng tái phạm nữa” khiến Ku Su Jeong ám ảnh. Sự thật không thể che giấu. Phải làm gì để mọi người dân Hàn Quốc biết. Nhưng bằng cách nào? Điều đó luôn làm Jeong trăn trở. Vốn là một phóng viên, bà viết bản thảo dài kỳ về hành trình đi tìm sự thật và được chủ biên Tạp chí Hankyoreh 21 uy tín ở Hàn Quốc đăng tải. Jeong không ngờ loạt bài đăng tải trong năm 1999 đã gây hiệu ứng dư luận lớn; Tạo ra cho xã hội Hàn sự phân hóa tư tưởng, giữa một bên tin có cuộc thảm sát, bên còn lại cho rằng đó là cuộc chiến mà quân đội Hàn Quốc đi bảo vệ hòa bình thế giới.

Hơn 2.000 cựu chiến binh Hàn Quốc sau đó đột nhập vào tòa báo để đập phá, đánh phóng viên, đốt nhà in, đe dọa người viết bài “sẽ làm những điều khủng khiếp mà không ai biết trước được”. Tưởng mọi việc phải dừng lại. Nhưng không, Tạp chí Hankyoreh 21 tiếp tục đăng tải những bài viết về tội ác của quân đội Đại Hàn. Người dân Hàn Quốc từ khắp nơi biết đến sự thật này. Họ gửi tiền về tòa báo với mong muốn giúp đỡ người dân Việt Nam. Bà Ku Su Jeong khởi xướng và là “cha đẻ” của Phong trào “Xin lỗi Việt Nam” từ đó. 17 năm qua, phong trào này đã đưa hàng nghìn người Hàn Quốc đến Việt Nam, với hình thức đi du lịch vì hòa bình.

Hành trình tha thứ, sẻ chia
“Tôi không nhìn được, đôi mắt mù từ ngày bị thảm sát…”, lời kể của ông Đoàn Nghĩa (50 tuổi, xã Bình Hòa), một trong những người may mắn sống sót sau vụ thảm sát kể khiến đoàn Hàn Quốc như chết lặng. Ông Nghĩa lúc đó mới 6 tháng tuổi, bị vùi xuống bùn non ngập ngụa mùi thuốc súng. Mọi người bị lính Đại Hàn dồn đẩy vào một chỗ rồi nổ súng giết hại. Mẹ ông gắng hết sức bình sinh lấy thân che chở cho hai đứa con. Quân Đại Hàn rút, du kích tìm thấy ông Nghĩa cùng một số đứa trẻ khác. Họ lấy nước giếng gột rửa, cứu mạng ông nhưng đôi mắt mù hẳn từ đó. Sớm cảnh mồ côi, hai anh em Nghĩa và Nhân sống cơ cực. Khi lập gia đình, ông vất vả mưu sinh bằng nghề bán dạo hàng mây tre đan. Người vợ sinh được hai người con, đặt tên con trai là Bình, con gái là Yên với ước muốn không còn chiến tranh.

Trực tiếp thăm hỏi nạn nhân thảm sát Bình Hòa đúng dịp tưởng niệm 50 năm ngày lính Đại Hàn gây thảm sát, cả đoàn thêm nghẹn ngào. Một nữ nhà văn ngồi lọt thỏm trong góc nhà cũ đang tróc sơn của ông Nghĩa ôm mặt khóc. Ngồi cạnh ông, tiến sĩ Ku Su Jeong cũng không nói lên lời, chỉ biết siết chặt bàn tay người đàn ông đúng bằng tuổi mình đang hàng ngày sống với nỗi đau chiến tranh. Bà Lee Kyung Ja, một thành viên trong đoàn đến thay mặt con trai mình, một cựu binh Hàn Quốc, đến xin lỗi ông. Ông Nghĩa đáp lại bằng nụ cười và những cái ôm chân thành. “Tôi đã mất rất nhiều thời gian mới vượt qua được chính bản thân mình và để quên đi quá khứ. Chúng tôi không giận các bạn đâu. Đó là chuyện của lịch sử, quá khứ. Hai nước đã bình thường hóa quan hệ, nhưng quan trọng là chúng ta phải biết cùng nhau gìn giữ hòa bình”, ông Nghĩa nói.

Tại nhà bà Nguyễn Thị Thanh (56 tuổi, làng Phong Nhất – Phong Nhị, Điện An, TX Điện Bàn, Quảng Nam), cả đoàn ôm chặt lấy người phụ nữ may mắn sống sót khi bị lính Đại Hàn sát hại 48 năm trước, xúc động nói lời xin lỗi. Bà Thanh với đôi mắt sáng chọn cho mình cuộc sống độc thân, dường như cố để thời gian xóa nhòa những đau thương của cuộc chiến tranh phi nghĩa.

“17 năm trước, khi một người Hàn Quốc đầu tiên như tôi trở lại mảnh đất Bình Hòa, Điện An… mang nỗi sợ hãi bị trả thù. Nhưng không thể tin nổi, mọi người đều đón nhận, tha thứ, ôm tôi vào lòng. Một tình cảm nhân văn quá lớn trong những người dân hiền lành, chất phác đang gánh chịu những nỗi đau chiến tranh”, bà Ku Su Jeong nghẹn ngào. Hàng chục năm hàn gắn vết thương, nữ tiến sĩ đã quá quen với những cảnh tương tự, nhưng lần nào cũng khiến bà đau đáu với lời xin lỗi của người Hàn Quốc.

Những cựu binh Hàn Quốc không muốn kể cho con cháu họ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Thời đó, nhờ những cuộc chinh chiến mà gia đình họ sống sung túc hơn. Anh Kwon Hyun Woo (tên Việt Nam là Anh Vũ), nhân viên Quỹ Hòa bình Hàn – Việt có bác ruột tham chiến tại Phú Yên năm 1972. Dù bác anh chưa một lần nổ súng bắn giết ai, nhưng quá khứ của gia đình luôn khiến anh Vũ day dứt.

“Tôi cảm thấy mình nợ Việt Nam”, anh Vũ nói và cho biết, đã chọn định cư tại Việt Nam, dù bố mẹ anh chỉ có duy nhất một người con. “Chúng tôi tiếp tục phải xin lỗi hàng trăm, hàng nghìn lần. Nhưng người dân như tôi là chưa đủ, điều chúng tôi mong mỏi là Chính phủ Hàn Quốc phải điều tra chính thức về những cuộc thảm sát ở Việt Nam để công bố, xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân chiến tranh”, nữ Tiến sĩ ngành Lịch sử Ku Su Joeng nói.

Nguồn: Tổng hợp – Sưu tầm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *