Chiến thắng lịch sử và sự nghiệp quốc tế cao cả của “Bộ đội nhà Phật” ở Campuchia

Ngày 7-1-2019, chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979/ 7-1-2019) – một mốc son chói lọi trong lịch sử mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống, liên minh chiến  đấu giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.

Giúp thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại, nhân dân Campuchia tri ân sâu sắc gọi Quân đội nhân dân Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”

Sự phản bội và nỗi kinh hoàng của “quái thai của lịch sử” 

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975 ở Việt Nam và Campuchia, nhân dân hai nước đều mong mỏi được sống trong hòa bình, độc lập để khôi phục, xây dựng lại đất nước vốn bị tàn phá nặng nề sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Nhưng niềm mong mỏi chính đáng ấy đã bị những kẻ phản bội trong tập đoàn Pol Pot, Ieng Sary giày xéo. Ngày 17-4-1975, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Campuchia kết thúc thắng lợi sau biết bao hy sinh, gian khổ. Có điều là chưa kịp mừng chiến thắng, người dân Campuchia đã rơi vào thảm cảnh. Bè lũ Pol Pot, Ieng Sary ngay lập tức ra lệnh đuổi tất cả người dân ra khỏi các thành phố, làng mạc quê hương để dựng lên cái mà thế giới gọi là “quái thai của lịch sử”.

Một xã hội không tưởng “không tiền, không chợ, không trường học, không tôn giáo” được thiết lập, nơi mọi người dân đều phải ở chung, ăn chung, làm việc tập thể trong các trại tập trung. Từ một “ốc đảo hòa bình” trong quá khứ, Campuchia bị biến thành trại khổ sai khổng lồ đầy những hố chôn người. Chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày cầm quyền, tập đoàn Pol Pot, Ieng Sary đã tàn sát hơn 3 triệu người Campuchia, gần 570.000 người mất tích, hàng trăm nghìn người tàn phế và trẻ em bị mồ côi. Nền văn hóa lâu đời của đất nước Campuchia đã bị hủy hoại hoàn toàn. Khắp nơi là những cảnh đau thương, căm thù và uất hận.

Chưa dừng ở đó, vừa thực thi chính sách diệt chủng đối với dân tộc mình, Pol Pot, Ieng Sary vừa tiến hành các hoạt động xâm lược, tàn sát người dân Việt Nam suốt dọc các tỉnh biên giới phía Tây Nam. Ngày 30-4-1977, đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm 2 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Pol Pot ra lệnh mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Chỉ trong 2 năm chiến tranh, bè lũ Pol Pot đã giết hại và bắt hơn 30.000 dân thường Việt Nam, 400.000 người mất nhà cửa; nhiều trường học, nhà thờ, chùa chiền bị chúng tàn phá; hàng vạn hecta ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới bị bỏ hoang, nửa triệu người dân phải bỏ nhà cửa, ruộng đất đi di tản.

Quyền tự vệ chính đáng và sự nghiệp quốc tế cao cả

Tình hữu nghị láng giềng lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia đã bị bè lũ Pol Pot, Ieng Sary hủy hoại. Vì lợi ích dân tộc và tình hữu nghị chiến đấu lâu năm, chúng ta đã kiềm chế, kiên trì thuyết phục, thương lượng để giải quyết những vướng mắc trong quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Nhưng mọi cố gắng của chúng ta đều không có kết quả, Pol Pot vẫn đẩy mạnh chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam.

Chúng ta không có con đường nào khác là phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình. Ngày 23-12-1978, các đơn vị chủ lực Việt Nam trên toàn tuyến biên giới được lệnh mở cuộc phản công lớn quét sạch lực lượng địch xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, tiêu diệt khối chủ lực tập trung của quân Khmer Đỏ. Đến ngày 31-12-1978, toàn bộ chủ quyền lãnh thổ bị kẻ thù lấn chiếm đã được thu hồi.

Bên trong đất nước Campuchia, trước sự khủng bố và kìm kẹp dã man của Pol Pot, hàng loạt cuộc nổi dậy chống chế độ diệt chủng đã bùng nổ, hàng vạn người dân Campuchia đã chạy thoát sang tị nạn ở Việt Nam. Một số đảng viên cộng sản chân chính sớm nhận rõ bản chất phản động của Pol Pot như các ông Heng Samrin, Chea Sim, Hunsen… đã tập hợp những thanh niên yêu nước và huấn luyện vũ trang cùng với những người lãnh đạo nổi dậy chống Pol Pot ở các địa phương, xây dựng lại Đảng Nhân dân Campuchia.

Ngày 2-12-1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia làm nòng cốt lãnh đạo, đã được thành lập và ra mắt nhân dân ở huyện Snuol, tỉnh Kratie. Mặt trận kêu gọi nhân dân và binh sĩ khởi nghĩa trên toàn quốc, đánh vào đầu não của bè lũ Pol Pot, Ieng Sary, đập tan chế độ độc tài khát máu của chúng. Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia cũng đồng thời đưa ra đề nghị với Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà cứu giúp cả một dân tộc”.

Đáp lại tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mới được gấp rút xây dựng mở các cuộc tấn công quân Pol Pot. Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng và đến ngày 17-1-1979, tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên đất nước  Campuchia đã được hoàn toàn giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Trên tất cả các hướng, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã được đón tiếp bằng sự vui mừng không kể xiết của những người dân Campuchia được giải phóng. Người dân Campuchia gọi bộ đội Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”, giúp thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại. Những người già ở tỉnh Battambang hồi tưởng: “Chúng tôi theo đạo Phật, chúng tôi ngày đêm cầu trời, khấn Phật cứu giúp nhưng ngày này qua ngày khác, không thấy ai đến. Chúng tôi nghĩ trên cõi đời này chỉ Việt Nam có thể cứu giúp chúng tôi. Quả nhiên bộ đội Việt Nam đã đến”.

Đây là chiến thắng lịch sử, là chiến công chung của hai dân tộc, vừa cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

                               Di ảnh những người dân Campuchia bị Pol Pot giết hại

Sáng ngời chính nghĩa của “Bộ đội nhà Phật”

Lực lượng Pol Pot bị đánh tan nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng bỏ chạy về biên giới phía Tây và Tây Bắc, lén lút ở lại một số vùng núi trong nội địa và bắt đầu tổ chức phản kích, khủng bố nhân dân. Nguy cơ chế độ diệt chủng quay lại hàng ngày lại đè nặng lên tâm trí nhân dân Campuchia, đặt họ trước những lo âu và sợ hãi mới. Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia đã chính thức đề nghị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tiếp tục ở lại giúp đỡ.

Sau bao năm chiến tranh, ai chẳng muốn tận hưởng giây phút trong hòa bình. Nhưng hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình. Với lòng yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hiểu rõ chân lý ấy, không thể bỏ mặc nhân dân Campuchia giải phóng lại rơi vào tay chế độ diệt chủng, không thể để cho bè lũ Pol Pot trở lại gây tội ác moi gan, mổ bụng đồng bào ta ở biên giới Tây Nam.

10 năm kề vai sát cánh cùng quân và dân Campuchia tiêu diệt tàn quân Pol Pot, bắt đầu công cuộc hồi sinh cả một dân tộc và ngăn chặn sự quay lại của chế độ diệt chủng tàn bạo đã phải trả giá bằng máu của bao chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước Campuchia. Các anh đã anh dũng hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì vận mệnh chung giữa hai dân tộc và tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam – Campuchia.

40 năm đã trôi qua, đất nước Campuchia đã hồi sinh, sống trong hòa bình và phát triển. Nhân dân Campuchia cũng không quên ghi nhớ công ơn của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Thủ tướng Campuchia từng khẳng định: “Nếu không có ngày 7-1 thì sẽ không có ngày hôm nay. Quân đội Việt Nam đã có mặt tại Campuchia năm 1979 để cứu người Campuchia và đã trở về nước sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quốc tế của mình”. Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu Việt Nam không giúp Campuchia thì cũng chẳng có một nước nào giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng cả”.

Mặc dù vẫn có những kẻ rắp tâm đánh tráo lịch sử, bác bỏ vai trò của Việt Nam trong việc giúp đỡ Campuchia, thậm chí cáo buộc Việt Nam “xâm lược” Campuchia, nhưng nghĩa cử trong sáng và sự hy sinh cao đẹp của Việt Nam trong việc cứu giúp cả một dân tộc thoát khỏi thảm họa diệt chủng là điều không ai có thể phủ nhận. Thời báo Canberra của Australia số ra ngày 19-3-1989 đánh giá: “Ai cũng phải thừa nhận là việc Việt Nam vào Campuchia đã đem lại kết quả rõ ràng. Hành động đó đã được nhân dân Campuchia ở khắp nơi chào đón như là sự giải phóng cho họ. Và ai cũng thấy rõ ràng là sở dĩ từ trước đến nay, Khmer Đỏ không thể trở lại được Phnôm Pênh chủ yếu vì sự có mặt của Việt Nam”.

Còn Tiến sĩ Chhay Yi Heang, cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia khẳng định: “Chế độ diệt chủng Pol Pot không chỉ là kẻ thù của nhân dân Campuchia mà còn là kẻ thù của nhân loại. Việc nhân dân, Chính phủ và quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân     Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot  và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX”.

Đó là lý do mà nhân dân Campuchia tri ân sâu sắc gọi Quân đội nhân dân Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”.

Báp An Ninh Thủ Đô

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *