Việt Nam xuất khẩu tàu cứu hộ ngầm cho Australia

Cùng với việc đóng mới và sửa chữa tàu trong nước, Nhà máy Z189 còn xuất khẩu nhiều loại tàu tối tân cho khách hàng Australia, Mỹ…

Thông tin Nhà máy Z189 xuất khẩu tàu quân sự ra nước ngoài được Thượng tá, TS Trần Thế Vỹ, Giám đốc Nhà máy Z189 nói đến trong bài viết đăng tải trên báo điện tử QĐND ngày 14/1.

Nhà máy đã phát huy thế mạnh về năng lực công nghệ, đẩy mạnh hợp tác, đóng mới được hàng chục loại tàu có giá trị kinh tế cao xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Úc, châu Mỹ, trong đó có những tàu chuyên dụng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, như: Tàu cứu hộ tàu ngầm, tàu huấn luyện hàng không, tàu cung ứng thuyền viên…

Đây là những lớp tàu hiện đại, có thiết kế phức tạp với hàm lượng kỹ thuật cao. Trong đó, những tàu cứu hộ tàu ngầm có lượng giãn nước 3.200-3.600 tấn, là các tàu cứu hộ tàu ngầm hiện đại đóng cho hải quân Australia. Đến nay, nhà máy đã đóng mới, bàn giao hơn 60 tàu các loại xuất khẩu sang châu Mỹ và châu Âu.

Tính đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu 2 tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn có lượng giãn nước trên 3.000 tấn, đó là chiếc Besant và Stoker cho Hải quân Australia.

Chiếc Besant (EGS 8316) được hạ thủy tháng 10/2014 và bàn giao cho phía Australia trong tháng 6/2015. Con tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.093 tấn, lên tới 3.231 tấn khi mang đầy tải; chiều dài 83 m; chiều rộng 16 m; chiều cao mạn 4,1 m; tốc độ tối đa 16 hải lý/h.

Trong khi đó chiếc Stoker (EGS 9316) được Nhà máy Z189 hạ thủy tháng 5/2015 và bàn giao cho đối tác vào cuối năm 2015. So với Besant thì tàu Stoker có kích thước lớn hơn một chút với lượng giãn nước đầy tải 3.690 tấn; chiều dài 93,2 m; chiều rộng 16 m; chiều cao mạn 4,1 m; vận tốc tối đa 16 hải lý/h.

Đây là lớp tàu cứu hộ thế hệ mới, có thể thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tàu ngầm bằng các thiết bị chuyên dụng với tính năng vượt trội như phát hiện tọa độ, điện thoại liên lạc và robot lặn kết nối với tàu ngầm để cứu nạn thuyền viên khi tàu gặp sự cố. Tàu còn định vị được vị trí, neo không dây trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Ngoài tàu cứu hộ ngầm, Nhà máy Z189 đã bàn giao tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore cho Australia hồi tháng 7/2017. Thiết kế của chiếc MV Sycamore dựa trên nguyên mẫu tàu tuần tra xa bờ OPV 2400 của Tập đoàn Damen – Hà Lan.

Tàu có chiều dài 94 m; chiều rộng 14,4 m; lượng giãn nước đầy tải 2.400 tấn; tốc độ hành trình 17 hải lý/h (tối đa 23 hải lý/h); thủy thủ đoàn và học viên 60 người.

 Nhiệm vụ chính của con tàu bao gồm huấn luyện phi công thực hiện thao tác cất cánh, hạ cánh trên sàn đáp trực thăng, thực thi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hỏa, nạp nhiên liệu cho máy bay trong thời tiết khắc nghiệt.

Nhà chứa máy bay của MV Sycamore được thiết kế đặc biệt để phục vụ tốt nhất cho các loại trực thăng của Hải quân Hoàng gia Australia như MH-60R Sea Hawk hay MRH-90. Trên tàu còn có hệ thống ổn định nhằm tăng cường khả năng hoạt động cho máy bay lên thẳng.

Với những thành tích đạt được, năm 2018, Nhà máy Z189 vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và cờ thi đua của Bộ Quốc phòng.

Đan Nguyên

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *