Chỉ huy biệt động Sài Gòn khiến địch treo thưởng cực lớn là ai?

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tên của ông đã làm cho Mỹ ngụy mất ăn, mất ngủ. Chúng đã treo giải thưởng cho ai phát hiện được Ba Tam, chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn – Gia Định với món tiền lớn và lùng sục ông khắp mọi nẻo đường. Nhưng người chỉ huy biệt động tài ba vẫn thoát khỏi lưới vây quân thù, liên tiếp chỉ huy lực lượng đánh vào đầu não quân xâm lược và bè lũ tay sai cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trở thành chỉ huy biệt động
Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tên thường gọi là Tư Chu, trong thời gian chỉ huy lực lượng biệt động từ 1965 đến 1972 ông có biệt danh Ba Tam) sinh tháng 10-1928, tại Can Lộc, Hà Tĩnh.

Ông xa quê rất sớm, từ lúc 8 tuổi, ông đã được người chú nuôi ăn học ở Nha Trang. Ông học hành dang dở vì gia đình chú có tai biến, phải lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống.
Trong những năm ở Sài Gòn, ông làm đủ nghề, công việc lâu nhất là làm vườn cho một chủ người Pháp ở trung tâm Sài Gòn. Cuốn theo dòng thác cách mạng, ông tham gia đoàn quân đi cướp chính quyền mùa thu 1945.

Sau khi giặc Pháp chiếm lại Sài Gòn, ông được học một khoá quân chính ở vùng Đồng Tháp Mười, rồi được cử về xây dựng cơ sở vũ trang và hoạt động quân sự. Ông đã tham gia rải truyền đơn, đánh địch ở bót cảnh sát Thị Nghè…

Năm 1947, ông đã được giao chỉ huy một đơn vị biệt động, hướng Tây Nam mang phiên hiệu 2766, trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn.
Địa bàn đứng chân là các xã phía Tây của huyện Thủ Đức dọc theo hai bờ sông Sài Gòn, từ Cát Lái qua Thủ Thiêm, An Phú đến Bình Quới Tây Hiệp Bình Chánh.
Biệt động 2766 đã tham gia đánh địch nhiều trận, đột nhập, làm chủ nhiều giờ khu vực chợ Thị Nghè, Bà Chiểu, Đa Kao và Quận 1. Từ những trận đánh, ông và đồng đội rút ra những bài học đầu tiên về hoạt động của đội biệt động.
Năm 1954, Tư Chu được tập kết ra miền Bắc, đi học trường quân sự nước ngoài, sau đó về công tác tại sư đoàn 335, phía Bắc Tổ quốc. Giữa năm 1961, ông được tổ chức chọn lựa vào đoàn cán bộ trở về Nam chiến đấu, đoàn mang tên Phương Đông 1.

Đây là đoàn quân sự lớn nhất đầu tiên của quân đội ta chi viện về quân sự cho miền Nam sau Đồng Khởi. Đoàn do Thiếu tướng Trần Văn Quang – Cục trưởng cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu làm trưởng đoàn (sau này là Thượng tướng).
Hành quân bộ ròng rã 3 tháng, đoàn đã vào chiến Khu D cuối tháng 8-1961. Ông Tư Chu trở lại dòng sông Sài Gòn xưa, chiến trường cũ, kẻ thù mới.
Ông được tổ chức phân công phụ trách công tác nắm địch tình, tìm hiểu âm mưu, thủ đoạn của địch chống phá cách mạng, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chiến đấu.
Chỉ sau một năm, ông đã tổ chức xây dựng được lực lượng hơn 300 cán bộ, nhân viên bề ngoài khác nhau, ở rải rác xen kẽ trong dân từ Quận 8 đến Nội thành Sài Gòn.

Mùa thu 1964, trên cơ sở nhận định chiến trường miền Nam đang phát triển có lợi cho ta, Trung ương Cục vạch ra kế hoạch: Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định mang mật danh “Kế hoạch X”, địa bàn trung tâm là Sài Gòn – Gia Định.
Năm 1965, lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định được hình thành mang phiên hiệu F100. Ông Nguyễn Đức Hùng được cử làm chỉ huy trưởng. Biệt động F100 bước đầu đã tổ chức được 11 đội chiến đấu và 2 đơn vị bảo đảm.

Trong thời điểm từ 1965 đến Mậu Thân 1968, Biệt động F100 đã có nhiều đợt đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy. Ngày 30-3-1965, đánh vào Đại sứ quán Mỹ lần 1.
Ngày 4-2-1965 đánh vào bọn giặc lái và nhân viên kỹ thuật không quân của Mỹ ở cư xá Metropole với 450 kg chất nổ C4, làm sập 4 tầng lầu, bọn Mỹ chết và bị thương 137 tên.
Ngày 1-4-1966, đánh vào nơi ở của sĩ quan hỗn hợp tại khách sạn Victoria, làm sập 20 căn phòng, làm chết và bị thương 90 tên, trong đó có 60 tên Mỹ. Ngày 1-11-1966, ta đã tổ chức pháo kích DKZ vào “Lễ Quốc khánh” nguỵ tại Sài Gòn.
Ngày 4-12-1966, biệt động F100 cùng tiểu đoàn 6 Bình Tân tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, phá huỷ nhiều máy bay địch và diệt nhiều giặc lái…

Cả nhà cùng tham gia Tết Mậu Thân
Khi trở lại miền Nam hoạt động, để phát triển mạng lưới tình báo, ông nhờ địa phương tìm hộ cho một cán bộ với yêu cầu, người tính tình kín đáo, thông thuộc địa bàn thành phố, đã qua công tác dân vận và Huyện ủy Củ Chi đã giới thiệu đồng chí Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ).
Hoạt động với nhau được một thời gian, tổ chức tác thành cho Tư Chu lấy Tư Nhỏ để dễ bề hoạt động. Ngày tổ chức đám cưới gọn nhẹ, chỉ là bữa cơm giữa đôi vợ chồng với một vài đồng chí trong cơ quan và chính quyền địa phương.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với cương vị Phó Tư lệnh Phân khu 6 (Nội đô Sài Gòn – Gia Định), kiêm chỉ huy các lực lượng biệt động, Ông Nguyễn Đức Hùng đã trực tiếp chỉ huy các mũi tấn công vào sào huyệt kẻ thù.
Theo kế hoạch các đơn vị biệt động sẽ phối hợp với các phân khu đánh vào 9 mục tiêu quan trọng của địch trong Nội đô. Nhưng thực tế thì ta chỉ đánh vào được 5 điểm là: Toà đại sứ Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu nguỵ, Dinh Tổng thống nguỵ.

Ông Nguyễn Đức Hùng đã bám sát sở chỉ huy tại số 7 Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng) và len lỏi tới tận các vị trí chiến đấu để theo dõi, chỉ đạo cuộc tiến công.
Còn bà Đoàn Thị Nhỏ, vợ ông là một trong các giao liên hướng dẫn đơn vị biệt động số 3 tập kết, đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy.

Sáng ngày 1 tết Mậu thân 1968, bà Tư Nhỏ được giao nhiệm vụ lên chỗ hẹn cách thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh chừng 1 km đón các chiến sĩ biệt động. Do con trai nhỏ, 2 tuổi không có ai trông, bà phải bế con đi làm nhiệm vụ.
Bà thuê 1 chuyến xe chở 9 chiến sĩ biệt động về Sài Gòn, ém sát mục tiêu chờ giờ G tiến công. Thế là cả nhà bà Tư Nhỏ, 3 người cùng tham gia vào cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.

Sau Mậu Thân, bà tiếp tục móc nối liên lạc với anh em, tiếp tục hoạt động trong lòng địch. Năm 1971, bà phải gửi 2 con trai, lớn lên 7 tuổi, nhỏ 5 tuổi cho hai gia đình có cảm tình cách mạng nuôi, cho đi học, để bà đi hoạt động.

Năm 1971, một cơ sở bị bắt, không chịu nổi tra tấn của kẻ thù nên đã khai nơi ở của một cháu mà ông ta biết, sau đó địch khai thác bắt tiếp đứa thứ hai. Chúng đã khống chế hai cháu nhỏ để kêu gọi vợ chồng Chỉ huy biệt động Ba Tam và Tư Nhỏ đầu hàng.

Hàng ngày chúng cho ô tô chở hai cháu đi rêu rao khắp phố phường, hòng lung lạc tinh thần những chiến sĩ biệt động. Bà Tư Nhỏ có lúc thương con quá, đã như người mất hồn, khóc không thành tiếng.Nhưng cả hai vợ chồng đều cố kìm nén tình mẫu tử để không ảnh hưởng nhiệm vụ chung. Bà được tổ chức đưa ra vùng giải phóng, tham gia vào ban phụ trách trường thiếu sinh quân.

Hai cháu nhỏ bị bọn giặc quản thúc và chúng dự định đưa hai cháu sang Mỹ học để các cháu quên hết nguồn gốc gia đình thật. May mắn trong những ngày hoảng loạn 1975, chúng chưa kịp hành động, thì tổ chức ta đã đón các cháu ra vùng giải phóng.

Là đồng chí, đồng đội với nhau trước khi thành vợ, chồng, bà Đoàn Thị Nhỏ là người đảm đang cả việc chung lẫn việc riêng. Mười năm làm giao liên cho các mối điệp báo (1962-1972), bà đã giữ thông suốt, kịp thời, không bị ngắt quãng, không bị lộ đường dây liên lạc.
Trong đợt Tết Mậu Thân 1968, ông Tư Chu không những không bị địch bắt, mà ông còn tiếp tục móc nối cơ sở, gây dựng lực lượng và tiếp tục chỉ huy Biệt Động Sài Gòn – Gia Định đánh đợt 2 Mậu Thân 1968.

Kẻ thù đã nhiều lần treo thưởng cho ai tìm bắt được ông, chúng lùng sục ngày đêm, mất ăn mất ngủ về cái tên Ba Tam. Nhưng, ông đã được đồng bào nuôi nấng, che chở an toàn suốt 2 cuộc kháng chiến. Năm 1974, ông được cử ra miền Bắc dự hội nghị tổng kết của binh chủng Đặc công. Cuối tháng 1 năm 1975, ông trở lại chiến trường cùng một số đồng chí và vũ khí trang bị, tham gia vào đoàn quân giải phóng miền Nam.

Cuộc đời người anh hùng,.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được thuyên chuyển công tác gần như qua hầu hết các đơn vị của Quân khu 7 để làm kinh tế tại miền Đông Nam Bộ.
Tháng 7-1978, ông được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh đoàn 778 – Quân khu 7, một đơn vị tập hợp xây dựng lực lượng giải phóng quân của cách mạng Cam-pu-chia.
Đơn vị lúc ấy cấp tốc xây dựng thành 21 tiểu đoàn để kịp thời ra mắt Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Cam-pu-chia vào tháng 12-1978. Sau đó đơn vị này cùng quân tình nguyện Việt Nam hành quân giải phóng toàn bộ đất Cam-pu-chia.

Sau khi giải phóng tỉnh Kratie, ông được cử đi học ở Học viện Chính trị cao cấp. Sau một năm học, ông về phụ trách Đoàn 600 sản xuất lương thực của Quân khu 7. Cuối năm 1982, ông chuyển sang công tác tại ngành cao su và 1988 nghỉ hưu theo chế độ.
Cuối cuộc đời, lúc nghỉ hưu, ông Nguyễn Đức Hùng trở về sống ở xóm cũ, gọi là xóm Cầu Đình, ven sông Sài Gòn, nơi cách đây 50 năm trước ông đã đóng quân để đánh địch trong lòng thành phố.

Ngày 3 tháng 1 năm 2012, Chủ tịch nước đã trao tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông. Ông qua đời ngày 16 tháng 5 năm 2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh, 4 tháng sau khi nhận được danh hiệu cao quý này.

Nguồn: Fb: Việt Nam Tổ quốc tôi yêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *