Đôi lời về “Hội nghị Thành Đô năm 1990”

Hội nghị Thành Đô là chủ đề mà không chỉ tôi, còn rất nhiều người quan tâm và nguồn thông tin cực kỳ khó tiếp cận nên việc làm sao để nắm khái quát cơ bản về việc này phải tốn rất nhiều công sức qua các kênh truyền thông đại chúng hoặc không chính thức.

Nói về Hội nghị này thì thành phần tham gia gồm có:

* PHÍA VIỆT NAM:
1 – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – Nguyễn Văn Linh;
2 – Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) – Đỗ Mười;
3 – Cố vấn cấp cao – Phạm Văn Đồng,
4 – Chánh văn phòng Trung ương Đảng – Hồng Hà;
5 – Trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng – Hoàng Bích Sơn;
6 – Thứ trưởng Bộ ngoại giao – Đinh Nho Liêm

* PHÍA TRUNG QUỐC:
1 – Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc – Giang Trạch Dân;
2 – Thủ tướng Chính phủ – Lý Bằng,
Và các cán bộ chuyên ngành

Hội nghị diễn ra trong hai ngày từ 03 đến 04/9/1990 tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Tại sao lại tổ chức ở Thành Đô mà không phải Bắc Kinh? Vì hai bên xác định đây là hội nghị bí mật, không muốn cho dư luận biết, bởi lúc đó Bắc Kinh đang chuẩn bị cho Á vận hội 1990 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9. Đã có rất nhiều nhà báo đến đây, việc xuất hiện dù là bí mật 01 đoàn toàn lãnh đạo cấp cao 01 quốc gia láng giềng đang có xung đột với Trung Quốc trong thời điểm này chắc chắn sẽ bị truyền thông Phương Tây khai thác triệt để.

1. Tại sao lại phải bí mật ?

– Bởi Hội nghị này chủ yếu bàn về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Campuchia” mà không có các phái Campuchia tham dự. Đây là điều hết sức tế nhị và phức tạp trong một sự kiện ngoại giao lớn, bởi nó nếu nói theo 01 khía cạnh lịch sử thì giống với vấn đề “Mỹ-Trung” bắt tay nhau về Chiến tranh ở Việt Nam, việc không có đại diện của Campuchia mà lại quyết về vấn đề quốc gia của họ nếu thế giới nhất là Liên Hợp Quốc biết thì rõ ràng việc chấp nhận các điều khoản trong đó là điều sẽ khó mà xảy ra, chưa kể sẽ có quốc gia mượn cớ này thay mặt Liên Hợp Quốc vào Campuchia để thực thi cái gọi là “Bảo an” của Liên Hợp Quốc thì sẽ rất rắc rối. Chính vì vậy, cho đến tận bây giờ, cả hai bên vẫn chưa chính thức công bố nội dung của Hội nghị. Điều đó gây nên những nghi ngờ thậm chí suy luận không tốt về Hội nghị cũng như đối với các nhà lãnh đạo nước ta.

– Muốn đánh giá đúng vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Hội nghị này, ta phải trở lại bối cảnh của Việt Nam và thế giới vào thời điểm đó, cụ thể:

+ Năm 1990, năm thứ 4 của công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta có phần khởi sắc nhưng tiến triển rất chậm chạp, thậm chí nhiều ngành đang trên đà suy thoái, đời sống nhân dân vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do Mỹ bao vây, cấm vận kinh tế, nước ngoài không thể đầu tư vào Việt Nam. Lúc này, hệ thống Xã hội chủ nghĩa trên đà tan rã, viện trợ của các nước anh em không còn. Đặc biệt, do hơn chục năm chiến tranh biên giới, chúng ta không thể yên ổn tập trung xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, chi phí cho chiến tranh quá lớn với 1,5 triệu quân dàn trải hai đầu chiến tuyến Bắc, Nam.

+ Về mặt quân sự, tại biên giới phía Bắc vẫn còn xung đột nhỏ lẻ xảy ra. Trên mặt trận Campuchia, mặc dù ta đã truy đuổi tàn quân Polpot lên sát biên giới Thái Lan, nhưng lực lượng của chúng còn khá mạnh, trong khi Quân đội của Thủ tướng Hun Sen lại rất yếu. Chúng ta đã rút phần lớn Quân tình nguyện Việt Nam về nước, nhưng không dám rút hết vì bạn không đủ sức đơn độc chống lại lực lượng Khmer Đỏ đang được hậu thuẫn mạnh mẽ từ Trung Quốc và Phương Tây. Mặt khác, suốt 10 năm bố trí lực lượng trên vùng rừng núi hiểm trở, “rừng thiêng nước độc” dọc biên giới Campuchia – Thái Lan, bộ đội ta không những thương vong lớn trong chiến đấu mà còn hi sinh quá nhiều do mìn, sốt rét ác tính và bao căn bệnh kỳ lạ khác.

+ Trước tình thế đó, lãnh đạo nước ta rất muốn có một hiệp ước hòa bình cho đất nước Campuchia để quân đội Việt Nam rút hoàn toàn về nước mà chính quyền của bạn do ta hậu thuẫn vẫn đứng vững. Tuy nhiên, ta không thể đàm phán trực tiếp với Khơme-Đỏ và các phái đối lập được bởi thực chất ngay chính các nhóm thế lực này cũng không dám tự ý quyết những vấn đề này, bởi chúng còn phải phụ thuộc vào ai thì các bạn chắc đã biết. Con đường duy nhất là phải qua Trung Quốc bởi Khơme Đỏ là “con bài” nằm trong tay họ.

+ Lúc này, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang ở những năm cuối cùng của nhiệm kỳ lãnh đạo. Ông muốn sớm chấm dứt chiến tranh để tập trung tiềm lực xây dựng đất nước theo cương lĩnh đổi mới mà Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra. Nguyện vọng của ông được Đại tướng Lê Đức Anh khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoàn toàn ủng hộ. Đại tướng Lê Đức Anh từng có 5 năm là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Hơn ai hết, ông hiểu rất rõ những gian nan và tổn thất của bộ đội ta trên mặt trận đặc biệt này. Và có lẽ, ông cũng là người muốn chấm dứt chiến tranh hơn tất cả.

2. Diễn biến, quá trình:

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh quyết định gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam lúc bấy giờ là Trương Đức Duy.

– Lần thứ nhất, ông gặp tại Văn phòng Trung ương Đảng, tuy chỉ mang tính chất xã giao, nhưng đã phát đi tín hiệu là: “ta muốn có một hội nghị với lãnh đạo Trung Quốc để đàm phán về bình thường hóa quan hệ Việt – Trung và lập lại hòa bình ở Campuchia”.

Lãnh đạo Trung Quốc sau đó đã nhanh chóng đồng ý. Họ đồng ý là điều dễ hiểu. Chế độ diệt chủng do họ dựng nên và nuôi dưỡng bị thế giới lên án chỉ còn một nhóm tàn quân có nguy cơ bị tiêu diệt, trong khi xung đột biên giới Việt – Trung đã gây tổn thất nhiều sinh mạng cho quân đội nước họ. Lãnh đạo Trung Quốc bị mất lòng dân và suy giảm uy tín trên thế giới. Lúc này, họ đang ở thế bí và cũng muốn có hòa bình, ổn định như ta, việc tiếp tục phải chi tiền cho Khơme-Đỏ và thực hiện chính sách đối đầu với Việt Nam không có lợi cho tình hình “chính trị – kinh tế – xã hội” mà Trung Quốc đang phải xử lý, thậm chí có thể dẫn tới sự sụp đổ chế độ nếu Trung Quốc ngày càng sa lầy.

– Lần thứ hai, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp Đại sứ Trương Đức Duy tại Bộ Quốc phòng để bàn về nội dung cụ thể chương trình Hội nghị. Tại sao lại ở Bộ Quốc phòng mà không phải ở Bộ Ngoại giao theo như thông lệ (sự kiện này liên quan chủ yếu đến các chuyên gia ngoại giao).

Nguyên nhân chính là do phía Trung Quốc không có thiện cảm với Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Họ cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có thái độ chống Trung Quốc và chỉ có Lê Đức Anh là một trong số lãnh đạo của ta muốn bình thường hóa quan hệ với họ mà thôi.

– Và chẳng bao lâu sau, lãnh đạo Trung Quốc đã mời đích danh Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười, Cố vấn Phạm Văn Đồng sang dự Hội nghị tại Thành Đô.

3. Kết quả Hội nghị:

Gồm hai phần được ký kết:

1/ Phần thứ nhất: Chấm dứt xung đột biên giới giữa hai nước, bình thường hóa quan hệ Việt – Trung.

2/ Phần thứ hai gồm bảy điều khoản về vấn đề Campuchia. Chủ yếu là:

– Các bên ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh;
– Quân đội Việt Nam rút hết về nước;
– Thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc do Norodom Shihanouk làm chủ tịch;
– Tiến tới tổng tuyển cử, thành lập chính quyền mới;
– Sau tổng tuyển cử, các bên phải công nhận và tôn trọng quyền tự quyết của Chính quyền Campuchia mới.

Theo đánh giá, Hội nghị là kết quả tất yếu đáp ứng đòi hỏi bức thiết của tình thế đất nước ta thời đó. Nó được tiến hành sòng phẳng, vị thế hai bên ngang ngửa, cả Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, bên có lợi lớn hơn cả là Việt Nam. Vì:

– Nhờ chấm dứt chiến tranh, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tiến tới cắm mốc biên giới để từ đó Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của nước ta.

– Phái Khơme Đỏ dần dần bị loại bỏ, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen do ta ủng hộ vẫn vững mạnh nhiều năm qua. Đất nước Campuchia hòa bình, biên giới Tây Nam ổn định.

– Hội nghị là tiền đề giúp ta thực hiện bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, sau đó tiến tới xóa bỏ hoàn toàn bao vây và cấm vận kinh tế.

– Chấm dứt chiến tranh không những quân đội ta chấm dứt đổ máu mà còn tạo điều kiện cho ta giảm quân từ 1,5 triệu xuống còn 0,5 triệu, giảm chi phí quân sự, tập trung nguồn lực xây dựng kinh tế để nước ta có được vị thế như ngày nay.

Vậy thì, có thể gọi Hội nghị Thành Đô là một HIỆP ĐỊNH HÒA BÌNH ký kết cho cả ba dân tộc Việt – Trung- Khmer. Giá trị lịch sử của nó chẳng kém gì hai Hội nghị: Giơ-ne -vơ (1954) và Pa-ri (1973). Nếu Hiệp định Giơ-ne-vơ chỉ lập lại hòa bình cho nước ta một thời gian ngắn, Hiệp định Pa-ri chỉ có tác dụng buộc Mỹ rút quân về nước, chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra, thì Hội nghị Thành Đô là cơ sở kiến tạo hòa bình lâu dài, bền vững cho cả ba nước đến tận bây giờ.

P/s: Thật nực cười khi có những người vẫn tin rằng Hội nghị Thành Đô là để bàn về việc “sáp nhập Việt Nam vào thành 01 tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020”, có lẽ tư duy “nô lệ”, “lệ thuộc” của họ ăn quá sâu nên nhìn cái gì cũng phải gắn đến vấn đề đó!
=======
Bs.Trần Thanh Chương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *