HÒA BÌNH ĐỂ PHÁ T TRIỂN VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ – BÀI HỌC TỪ THÁI LAN

Trước đây, môn lịch sử trong các nhà trường vẫn nhắc đến Thái Lan với chính sách ngoại giao “cây sậy” đã giúp đất nước họ không bị thực dân, đế quốc xâm lược, tránh được chiến tranh để tập trung phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các thầy cô lại không hề đề cập đến cái giá mà người Thái đã phải trả. Đó là chủ quyền quốc gia, là danh dự, tự tôn của dân tộc, là nỗi nhục đối với cha ông.

Cuối thế kỷ 19- đầu thế kỷ 20, Pháp và Anh từ hai sườn áp sát Thái Lan. Họ vẫn để cho Thái được độc lập, nhưng Thái phải trả giá rất đắt. Vương triều Thái phải từ bỏ ảnh hưởng tại Lào và Campuchia, cộng với mất nhiều tỉnh giáp biên cho Anh và Pháp. Mất đất đối với Thái là “nỗi nhục quốc gia” (National Humiliation) và Thái vẫn đau đáu cơ hội thu hồi.

Cơ hội đã đến với Thái trong Thế chiến II. Thái liên minh với kẻ mạnh là phát xít Nhật để chiếm lại phần lớn các tỉnh giáp biên đã mất cho Anh và Pháp trước đó (ảnh 1: “Thai territorial gains 1941- 1943”). Tượng đài Chiến thắng được Thái dựng lên tại Bangkok để kỷ niệm chiến thắng năm 1941 trước quân Pháp (ảnh 2).

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, Nhật thua, Thái lần nữa lại phải cầu hòa với phương Tây hòng tránh bị trừng phạt vì tội hợp tác với phát xít Nhật. Anh và Pháp ép Thái phải từ bỏ các tỉnh vừa thu hồi.

Quốc hội Thái tranh cãi, nhiều nghị sĩ đã tính đến chiến tranh để giữ đất, nhưng phe chủ hòa đã thắng. Năm 1946, Thái buộc phải chấp nhận ký hiệp ước với Anh (ảnh 3) và thỏa thuận với Pháp, trong đó có việc từ bỏ các tỉnh vừa thu hồi cho Anh và Pháp, để rồi sau đó bị sáp nhập vào các nước láng giềng. Tháng 10/1946, thủ tướng Thamrong đã gọi thỏa thuận với Pháp là “một chương buồn khác trong lịch sử quốc gia” nhưng giải thích đó là việc cần thiết để thể hiện cam kết hòa bình và để có chỗ trong Liên Hiệp Quốc.

Thế là Thái đã chấp nhận mất hẳn các vùng đất bị thực dân cưỡng chiếm, trở thành đất nhà hàng xóm, trong khi nhiều nước khác đã thành công đòi lại bằng việc kiên quyết đấu tranh.

Nhiều người Thái có thể tự hào rằng Thái đã làm tốt hơn các nước Đông Nam Á trong việc giữ độc lập và tránh được chiến tranh trong thời kỳ thực dân hóa, và đây là quan điểm vẫn được tuyên truyền rộng rãi, nhưng nhiều người Thái khác vẫn nhớ đến “nỗi nhục quốc gia” trong giai đoạn “đổi đất lấy hòa bình” này, theo nghiên cứu của Shane Strate trong cuốn “The Lost Territories: Thailand’s History of National Humiliation”.

– VNW

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *