Dân số Việt Nam vượt 96 triệu người, xếp thứ 15 thế giới

Ngày 11-7, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo đó, tính đến tháng 4-2019, tổng số dân Việt Nam là 96,2 triệu; trong đó nam 47,88 triệu; nữ 48,32 triệu.

Với số dân này, Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines và thứ 15 trên thế giới. So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm 2 bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đáng chú ý, dân số Việt Nam đang có xu hướng tăng chậm hơn giai đoạn trước.

Cụ thể, sau 10 năm kể từ 2009, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10 triệu, tỷ lệ tăng giảm nhẹ so với giai đoạn trước. Chỉ số giới tính trung bình cả nước là 99,1 nam/100 nữ; khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ; khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ.

Tại thời điểm điều tra, mật độ dân số Việt Nam hiện nay là 290 người/km2, xếp hạng cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, lần lượt là 2.398 người/km2 và 4.363người/km2. Tổng dân số của Thủ đô Hà Nội tại thời điểm ngày 1-4-2019 là gần 8,1 triệu người.

Kết quả điều tra cũng cho biết, đồng bằng sông Hồng hiện là nơi tập trung dân cư lớn nhất cả nước với 22,5 triệu trong khi Tây Nguyên dân số ít nhất, có 5,8 triệu dân sinh sống.

Dân số khu vực nông thôn gấp gần 2 lần so với khu vực thành thị, đạt 63,1 triệu người và thành thị năm 2019 là 33 triệu người. Số dân từ 15 tuổi trở lên đã kết hôn là 77,5%; trong đó đang có vợ hoặc chồng chiếm 69%; trong tình trạng ly hôn 2%; goá 6%.

92% dân số trong độ tuổi phổ thông được đi học. Số người biết đọc, biết viết chiếm 96%. Cả nước có 26,8 triệu hộ dân cư, tăng 4,4 triệu so với năm 2009.

Hầu hết hộ dân cư Việt Nam đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỷ lệ này ở thành thị đạt 98,2%, nông thôn là 90,3%. Trong vòng 20 năm qua, kể từ năm 1999, tỷ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng mạnh, từ 63,2% năm 1999, lên 84,2% năm 2009 và đạt 93,1% năm 2019.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5 m2­­/người, cao hơn 6,8 m2­­/người so với 10 năm trước. Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 24,9 m2­­/người và 22,7 m2/người. Trên cả nước hiện có khoảng 4.800 hộ không có nhà ở.

Theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy trải qua 10 năm quy mô dân số nước tăng chậm hơn so với giai đoạn trước.

Trình độ dân trí được cải thiện; tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông được đến trường.

(ANTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *