Nhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy lừa công an giả danh

Dù cơ quan công an và các phương tiện thông tin truyền thông đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn những kẻ lừa đảo giả danh cơ quan pháp luật đe dọa người bị hại chuyển tiền theo yêu cầu để chiếm đoạt, nhưng vẫn có rất đông người bị hại sập bẫy lừa của những băng nhóm tội phạm này.

Nhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy lừa công an giả danh

Ngày 30-9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM cho biết đang điều tra, xác minh tố giác của ông T.X.L. (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) về việc bị các đối tượng không rõ nhân thân, lai lịch giả danh nhân viên bưu điện, công an lừa đảo 4,5 tỷ đồng.

Theo đơn tố giác, vào ngày 8-3-2019, ông L. nhận cuộc gọi điện thoại thông báo ông liên quan đến tội phạm rửa tiền và mua bán ma túy. Nếu muốn chứng minh trong sạch, ông L. phải chuyển toàn bộ số tiền hiện có vào tài khoản do các đối tượng chỉ định để xác minh nguồn gốc số tiền. Tin là thật, ngay trong ngày, ông L. chuyển 4,5 tỷ đồng theo yêu cầu.

Toàn bộ số tiền trên tiếp tục bị các đối tượng sử dụng dịch vụ Internet Banking chuyển vào tài khoản số 120210301000035 mở tại Ngân hàng Eximbank do Vi Thị Yến (SN 1994, ngụ tỉnh Đắk Nông) đứng tên, tài khoản số 0060112260330001 mở tại Ngân hàng MBBank do Nguyễn Trần Tấn Đạt (SN 1997, ngụ TP Cần Thơ) đứng tên, tài khoản số 222310301000017 mở tại Ngân hàng Eximbank do Trần Xuân Chung (SN 1992, ngụ tỉnh Đắk Lắk) đứng tên.

Theo kết quả xác minh tại địa phương, các đương sự Vi Thị Yến, Nguyễn Trần Tấn Đạt, Trần Xuân Chung không có mặt tại địa phương, không rõ đi đâu làm gì.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM cũng đang điều tra, xác minh tố giác của bà V.T.N. (ngụ quận 1, TPHCM) về việc bị lừa đảo bằng thủ đoạn tương tự. Vào ngày 17-12-2018, bà N. bị một số đối tượng giả danh công an gọi điện thoại thông báo bà liên quan đến tội phạm rửa tiền, đề nghị bà chuyển toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản do các đối tượng chỉ định để làm rõ nguồn gốc số tiền, nều tiền “sạch” thì sẽ hoàn trả lại.

Bà N. đã chuyển 614.673.000 đồng vào tài khoản số 8020113179007 mang tên Nguyễn Việt Tuấn (SN 1996, ngụ tỉnh Đắk Lắk) mở tại Ngân hàng MBBank – Chi nhánh Khánh Hòa. Sau đó, từ tài khoản này, 299.900.000 đồng được chuyển vào tài khoản số 1011154614 mang tên Nguyễn Văn Thượng (SN 1994, ngụ tỉnh Thanh Hóa) mở tại Ngân hàng SHB.

Bà N.T.H. (ngụ quận 4, TPHCM) bị sập bẫy lừa tương tự sau khi nhận cuộc gọi điện thoại vào ngày 23-4-2019 từ một số đối tượng giả danh nhân viên bưu điện, công an thông báo bà liên quan đến tội phạm rửa tiền. Lần này, các đối tượng sử dụng thủ đoạn mới, đề nghị bà đến ngân hàng tự mở tài khoản mới tại Ngân hàng Sacombank, đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do các đối tượng cung cấp, rồi chuyển tiền của bà hiện có vào tài khoản này để giám sát.

Tin rằng tiền chuyển vào tài khoản do chính mình đứng tên sẽ không bị mất, bà H. chuyển 1,3 tỷ đồng vào tài khoản số 060169606164 đứng tên bà vừa mở tại Ngân hàng Sacombank. Tuy nhiên, việc đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do người khác cung cấp đã tạo điều kiện cho băng nhóm tội phạm có được số tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu ban đầu để có thể truy cập website ngân hàng và thay đổi mật khẩu, từ đó dễ dàng dùng dịch vụ Internet Banking chuyển tiền từ tài khoản của người bị hại sang nhiều tài khoản khác rồi rút ra chiếm đoạt.

Sau khi bà N. chuyển 1,3 tỷ đồng, từ tài khoản số 060169606164, số tiền này được chia ra và chuyển hơn 700 triệu đồng vào tài khoản số 7240108735003 mang tên Nguyễn Thị Thiệp, 600 triệu đồng vào tài khoản 7240108563008 mang tên Hoàng Thị Lệ Tâm cùng mở tại Ngân hàng MBBank. Tiếp theo, tài khoản số 7240108735003 chuyển 698 triệu đồng và tài khoản 7240108563008 chuyển 300 triệu đồng vào tài khoản số 224510101000129 mang tên Đàm Lê Hùng (SN 1997, ngụ tỉnh Thanh Hóa) mở tại Ngân hàng Eximbank. Dòng tiền chưa dừng lại. Sau đó, từ tài khoản số 224510101000129 chuyển tiếp 1 tỷ đồng qua tài khoản số 19029099263031 mang tên Dương Hoàng Phong (SN 1972, ngụ quận 8 TPHCM) mở tại Ngân hàng Techcombank.

Sau 15 ngày kể từ khi đăng báo, nếu những đương sự trong 3 vụ việc nêu trên không đến làm việc, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM sẽ xác định những người này bỏ trốn và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *