Người “điên” gây án: Trách nhiệm quản lý, phòng ngừa người tâm thần phạm tội thuộc về ai?

Nghi án bệnh nhân tâm thần dùng gậy sắt đánh tử vong ông cụ

Vào khoảng 16h30p chiều ngày 9-10-2019, khi đang lái xe trên đường thì ông Nguyễn Trường Sơn (SN 1953, ở Cụm 3, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ) bất ngờ bị đối tượng Đặng Xuân Hòa (SN 1986, ở Cụm 1, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ) cầm gậy sắt lao ra vụt tới tấp vào người khiến ông Sơn tử vong ngay tại chỗ.

Đối tượng ngay sau đó đã bị công an khống chế.

Đối tượng Hòa là bệnh nhân tâm thần vừa mới xuất viện ngày 8-10-2019

Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân không có mâu thuẫn hay thù hắn cá nhân.

Hiện cơ quan CSĐT Công an huyện Phúc Thọ đã tạm giữ hình sự đối tượng trên để tiến hành điều tra làm rõ.

Con trai lên cơn động kinh đoạt mạng bố

Ngày 28-5-2019, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử bị cáo Dương Đại Dương (SN 1994, ở Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Giết người” và “Trộm cắp tài sản”.

Theo cáo trạng, ngày 23-11-2017, khi đi tìm việc làm thì đối tượng Dương phát hiện xe máy của anh Nguyễn Bá Cường (ở Hoàng Mai, Hà Nội) dựng trước cửa, ổ vẫn còn chìa, Dương bèn ngồi lên xe rồi điều khiển xe bỏ chạy.

Tuy nhiên, Dương nhanh chóng bị bắt ngay sau đó. Tại cơ quan điều tra, giám định pháp y tâm thần cho thấy: Dương bị bệnh động kinh, biến đổi nhân cách và hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Trong thời gian chờ xử lý của pháp luật, Dương được tại ngoại.

Dương Đại Dương tại buổi xét xử

Ngày 21-6-2018, Dương lên cơn động kinh, nhân lúc bố mẹ ngủ đã dùng dao chém bố là ông Dương Tùng Hiên (SN 1956) dẫn đến tử vong. Mẹ của Dương xông vào can thì bị chém vào chân trái.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội nhận định hành vi của Dương là đặc biệt nghiêm trọng, song bị cáo có nhân thân tốt xin tòa giảm án, bản thân lại mang bệnh động kinh, nên tòa tuyên phạt 20 năm tù về tội “Giết người” và 18 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

Nghi mẹ bị “ma nhập”, con tâm thần ra tay sát hại dã man

Ngày 4-3-2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của Cơ quan điều tra đối với Nguyễn Thành Hải (SN 1965, ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), đối tượng được xác định đã giết mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Thảo (SN 1955) tại nghĩa trang Văn Cang.

Tại cơ quan điều tra, Hải đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Được biết, Hải từng là bộ đội xuất ngũ và mắc bệnh tâm thần hoang tưởng phải điều trị nhiều năm nay.

Hiện trường xảy ra vụ án 

Vào 14h chiều ngày 3-3-2019, Hải phát bệnh nên nghĩ mẹ bị “ma nhập”, để “bắt ma” đối tượng đã kéo mẹ ra nghĩa địa đánh bà Thảo đến bất tỉnh, trói tay chân rồi dùng cuốc sát hại. Sau khi bà Thảo tử vong, Hải đã lấy lá, đất đá phủ lấp lên người mẹ rồi bỏ về.

Chiều tối cùng ngày, chị H là con gái phát hiện sự việc và nghi ngờ người em trai là Nguyễn Thành Hải sát hại mẹ ruột nên đã trình báo với cơ quan công an.

Trách nhiệm quản lý, phòng ngừa người tâm thần phạm tội thuộc về tất cả mọi người

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 13,5 triệu người đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến và khoảng 3 triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng. Bệnh nhân tâm thần có nguy cơ gây án hình sự cao hơn người thường gấp 3-4 lần.

Đáng nói, “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 21- Bộ luật Hình sự 2015).

Điều đó dẫn tới một thực tế mà xã hội phải chấp nhận đó là việc bệnh nhân tâm thần chung sống với người bình thường. Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định không bắt buộc cách ly những người mắc bệnh tâm thần khỏi cộng đồng. Việc “bỏ rơi”, cô lập họ sẽ chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.

Bởi vậy để giảm thiểu tình trạng người tâm thần phạm tội chỉ có thể thực hiện công tác quản lý người bệnh chặt chẽ. Trách nhiệm này thuộc về tất cả mọi người, đặc biệt là từ phía gia đình, lực lượng y tế cơ sở, chính quyền địa phương.

Theo bác sĩ Ngô Hùng Lâm, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội: “Khi phát hiện người thân có biểu hiện bị tâm thần gia đình nên sớm đưa họ các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, theo dõi để sớm phát hiện bệnh và điều trị. Thực tế cho thấy, nhiều vụ án đau lòng xảy ra do nhiều gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, thậm chí có biểu hiện che giấu việc người thân có biểu hiện hạn chế nhận thức. Trong khi, bệnh tâm thần có thể ổn định tốt nếu tuân thủ điều trị duy trì, phát hiện sớm các biểu hiện tái phát và điều trị kịp thời. Những người bệnh tiến triển tốt, sau khi chữa khỏi có thể về chung sống cùng gia đình nhưng vẫn phải tuân thủ theo hướng dẫn điều trị tại nhà của bác sĩ, tránh bệnh tái phát”.

Hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn được ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, cả nước hiện có khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối loạn tâm lý, trong đó có gần 30 cơ sở chăm sóc chuyên biệt; 20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí…

Đặc biệt, thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng được cấp miễn phí. Mỗi huyện, thành phố có 1 cán bộ chuyên trách về sức khỏe tâm thần cộng đồng thuộc trung tâm y tế. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cấp thuốc điều trị cho tuyến huyện theo nhu cầu và cấp bổ sung kịp thời khi có bệnh nhân mới cần điều trị. Tuyến huyện cấp thuốc cho tuyến xã 1 lần/tháng; xã cấp thuốc cho bệnh nhân 2 – 4 lần/tuần. Điều này có thể giúp cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể giảm bớt đi được gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân không nên chủ quan vì việc điều trị không chỉ phụ thuộc vào thuốc mà còn kết hợp giữa nhiều liệu pháp tâm lý để đạt được hiệu quả mong muốn.

Các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp tích cực, phối hợp tổ chức kịp thời đưa người bệnh vào các trung tâm thích hợp để điều trị hoặc giải pháp hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân.

Ngoài ra, khoa học chỉ ra bệnh tâm thần không còn gói gọn trong những lý do di truyền bẩm sinh. Xã hội phát triển đã kéo theo việc áp lực của con người ngày càng nhiều, tỷ lệ nhiều người mắc bệnh liên quan tới tâm thần do các mối quan hệ xã hội có dấu hiệu gia tăng. Vì thế, ngoài tránh tâm lý kỳ thị với bệnh nhân tâm thần thì các chuyên gia tâm lý cũng khuyên bạn nên xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý để tâm sinh lý phát triển lành mạnh tránh được những hệ lụy đau lòng không đáng có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *