Nhận diện nguy cơ xảy ra trọng án bắt nguồn từ mâu thuẫn trong gia đình

Khi “sát thủ” là…người thân

Tối 2-10, tại địa bàn phường Hà An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, xảy ra vụ cố ý gây thương tích hết sức manh động. Do mâu thuẫn trong sinh hoạt, đối tượng Ngô Văn Hùng (30 tuổi), đã dùng dao chém bố mẹ đẻ và vợ. Hậu quả, làm ông N. (SN 1964, bố đẻ Hùng) bị đứt 2 ngón tay; bà T. (SN 1968, mẹ đẻ Hùng) bị thương ở tay, và chị Q. (SN 1990, vợ Hùng) bị thương tích ở người.

Bùi Xuân Hồng (quê quán Thái Nguyên) và Nguyễn Văn Đông (trú ở Đan Phượng, Hà Nội) gây ra “thảm án” từ mâu thuẫn trong nội bộ gia đình

Ngay khi nhận tin báo, cơ quan Công an đã kịp thời đến hiện trường, khống chế, bắt giữ đối tượng, thu giữ hung khí, đồng thời đưa các nạn nhân đi bệnh viện.

Trước đó, trung tuần tháng 9-2019, đối tượng Bùi Xuân Hồng, trú tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã sát hại em gái ruột và làm 2 người bị thương, do nguyên nhân mâu thuẫn về tiền bạc. Tại Hà Nội, hồi đầu tháng 9 vừa qua, dư luận rúng động về hành vi của Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng), dùng dao sát hại 4 người, làm 1 người bị thương; nguyên nhân chỉ vì do tranh chấp chưa đầy nửa mét vuông đất.

Những tác động “ngầm”

Theo đánh giá, phân tích của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), mặt trái của nền kinh tế thị trường đã và đang tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, dẫn đến tiêu cực, tệ nạn xã hội, sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là số thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi và tư tưởng thích hưởng thụ, coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác.

Ngoài ra, các loại hình giải trí có tính chất bạo lực, đồi trụy như game online, phim ảnh trên internet ngày càng phổ biến dẫn đến tâm lý thích bạo lực; khi xảy ra mâu thuẫn, đối tượng sẵn sàng sử dụng các hành vi đánh đập, đâm chém, bắn giết… như trong game, phim ảnh.

“Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục tư tưởng, đạo đức, nhân cách, ý thức lao động còn hạn chế”, đại diện Cục Cảnh sát hình sự nhìn nhận một thực trạng, và đánh giá ciệc hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân có nhiều nơi còn chưa được quan tâm, chưa triệt để, dẫn đến mâu thuẫn tích tụ thành thù hận. Bên cạnh đó, một số nơi, nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Hóa giải, ngăn ngừa trọng án từ mâu thuẫn gia đình, nội bộ nhân dân là việc không thể đạt được trong một sớm một chiều. Nhưng quan trọng hơn hết, vấn đề này cần có sự đánh giá nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở.  Phải xây dựng được biện pháp cụ thể nhằm ngăn ngừa các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục về đạo đức, lối sống, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư; ngăn chặn tình trạng sử dụng bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân một cách sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hướng đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong nhân dân; phát huy hiệu quả các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của người có uy tín, vị thế trong gia đình, cộng đồng dân cư. Đáng chú ý, làm tốt công tác nắm tình hình, tiếp nhận, phát hiện và giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân như: Mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp tài sản, mâu thuẫn giữa các nhóm thanh, thiếu niên…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *