WHO: Việt Nam xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận Việt Nam đã xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt; thể hiện năng lực rất tốt trong việc xử lý các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện.

Trong cập nhật mới đây về “Dịch Covid-19: Những gì chúng ta đã biết đến nay”, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19).

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (bìa trái), trong một cuộc họp về phòng chống dịch bệnh do Covid-19 ở Bộ Y tế

Theo thông báo được Bộ Y tế phát đi ngày 15-2, WHO khẳng định Việt Nam đã thể hiện năng lực rất tốt trong việc xử lý các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện.

Theo WHO, đây là kết quả của nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ… theo như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR). WHO gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam và hiện nay là Covid-19.

WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh do Covid-19 rất tốt. “Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch – tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành” – WHO nhấn mạnh

Bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm Covid-19 được các bác sĩ Việt Nam điều trị thành công

Khuyến nghị để Việt Nam chuẩn bị tốt hơn nhằm đối phó với dịch bệnh, WHO cho rằng dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong những ngày tới. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh. Cần phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp, tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO.

Đối với việc cho học sinh nghỉ học hoặc hủy bỏ các sự kiện công cộng, WHO nêu quan điểm điều này phụ thuộc vào cơ quan chức năng của các quốc gia đưa ra quyết định về các biện pháp bổ sung, ví dụ cho học sinh nghỉ học hoặc hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người căn cứ vào mức độ nguy cơ ở quốc gia đó.

Theo WHO, hiện không có vaccine phòng bệnh Covid-19, nhưng việc sản xuất vaccine đang được tiến hành để có thể bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng sau 3-4 tháng. WHO sẽ công bố danh sách ban đầu các loại vaccine hiện đang được nghiên cứu và có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng này.

Để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly, cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm

Chiều 15-2, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có Công văn hỏa tốc về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đó, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc quản lý tất cả người bệnh (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định); kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh; tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly. Các cơ sở y tế cần lập hồ sơ bệnh án, chăm sóc, điều trị toàn diện cho người bệnh thuộc cả 3 nhóm nêu trên, đặc biệt theo dõi sát diễn biến bệnh lý của người bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *