Phát huy hiệu quả kinh nghiệm phát hiện sớm, cách ly, giải quyết triệt để ổ dịch

Ngày 4-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là các trường hợp trở về từ vùng dịch để phòng chống Covid-19 (Ảnh minh họa)

Khoanh vùng và chuẩn bị các phương án dự phòng cách ly 

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo nhận định đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình; thực hiện kịp thời, chủ động công tác phòng, chống dịch. Từ ngày 13-2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được dỡ bỏ phong tỏa từ 0h ngày 4-3 sau 21 ngày cách ly. Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, cần tiếp tục chú trọng và phát huy hiệu quả bài học kinh nghiệm về phát hiện sớm, cách ly, giải quyết triệt để ổ dịch Covid-19 thời gian vừa qua.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất làm rõ định nghĩa “vùng dịch” để từ đó có các biện pháp tập trung khoanh vùng; đồng thời đưa ra quan điểm tiến tới thực hiện cách ly tại nhà nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay. Đồng quan điểm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết mặc dù chưa phát hiện ca nhiễm mới nhưng lực lượng y tế cần tập trung tổ chức các biện pháp phòng ngừa, trong đó chú trọng công tác phát hiện sớm, khoanh vùng và chuẩn bị các phương án dự phòng cách ly.

Dự kiến ngày 5-3, Trung tâm Điều hành chỉ huy hỗ trợ điều trị dịch Covid-19 ra đời để kết nối, hỗ trợ các đội phản ứng nhanh với tinh thần “đem chất xám xuống các tuyến huyện”; phân tuyến điều trị hợp lý, tránh tình trạng lây lan khi vận chuyển bệnh nhân.

Sớm sản xuất bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2

Liên quan đến tình hình sản xuất kit thử, các thành viên Ban Chỉ đạo thông tin theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 3 loại test do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được khuyến nghị có thể sử dụng để chẩn đoán virus SARS-CoV-2. Ngày 3-3, Hội đồng khoa học Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ test trong những ngày sắp tới. Dự kiến chiều 4-3, Bộ Y tế hoàn thiện các thủ tục để tiến hành sản xuất hàng loạt, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian sớm nhất.

Thông tin về các chuyến bay từ Hàn Quốc đến Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết từ 18h ngày 3-3, các chuyến bay chỉ được hạ cánh tại Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phù Cát (Bình Định). Trong giai đoạn tới, các hãng hàng không tiếp tục thực hiện cắt giảm các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc (Vietnam Airlines thực hiện từ ngày 5-3 và Vietjet Air từ ngày 7-3).

Phía Hàn Quốc, chỉ còn Hãng Asiana Airlines và Korean Air khai thác các đường bay từ Incheon (Seoul) đi hoặc đến Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Các chặng bay từ Hàn Quốc đến Việt Nam đều là chuyến bay chuyển sân “ferry” (chuyến bay rỗng, sang đón khách ở Việt Nam về nước hoặc các chuyến bay chở hàng) hoặc không chở khách.

Nhằm kiểm soát các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, khách sạn tại các tỉnh có cảng hàng không quốc tế và các tỉnh lân cận, bố trí cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ việc cách ly người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh từ các nước có dịch theo hình thức có trả phí. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch lập và gửi danh sách nơi lưu trú, dịch vụ, giá dịch vụ cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để thông báo với hành khách nhập cảnh có nhu cầu đăng ký; đồng thời phối hợp các bộ, ngành và chính quyền địa phương để thực hiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại cuộc họp, trên cơ sở phân tích tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và các nước trên thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế tập trung thảo luận về công tác hậu cần, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất; bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác sàng lọc, phân loại, cách ly, tầm soát và điều trị dịch bệnh; các giải pháp phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng cũng như ngăn chặn lây chéo trong các cơ sở điều trị…

“Cần tiếp tục chú trọng và phát huy hiệu quả bài học kinh nghiệm về phát hiện sớm, cách ly, giải quyết triệt để ổ dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, cần làm rõ định nghĩa “vùng dịch” để từ đó có các biện pháp tập trung khoanh vùng; đồng thời đưa ra quan điểm tiến tới thực hiện cách ly tại nhà nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay”.

PGS.TS Trần Đắc Phu

(Chuyên gia Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam)

“Mặc dù chưa phát hiện ca nhiễm mới nhưng lực lượng y tế cần tập trung tổ chức các biện pháp phòng ngừa, trong đó chú trọng công tác phát hiện sớm, khoanh vùng và chuẩn bị các phương án dự phòng cách ly”.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *