Giải pháp ngăn chặn 5 nguồn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài

Ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, Việt Nam đang thực hiện giải pháp ‘đắp đê bao’ thật chặt, tức là quản lý chặt chẽ những người nhập cảnh.

Gần 1 tháng rưỡi không ghi nhận ca mắc mới Covid – 19 trong cộng đồng, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh này. Tuy nhiên, những ngày qua vẫn phát hiện những ca bệnh xâm nhập trong số những người nhập cảnh nước ta. Điều đáng nói là tỷ lệ mắc Covid – 19 trong những người được phép nhập cảnh đang ở mức cao; thậm chí phát hiện hơn 30 người trong cùng một chuyến bay dương tính với virus SARS-CoV-2. Vậy cần có giải pháp nào ngăn chặn nguồn lây nhiễm Covid – 19, để không lây lan ra cộng đồng?

Ảnh minh họa.

Ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, Việt Nam đang thực hiện giải pháp “đắp đê bao” thật chặt, tức là quản lý chặt chẽ những người nhập cảnh. Hiện chỉ có 4 nhóm người đang được phép đến hoặc trở về nước ta. Đó là nhóm chuyên gia, người lao động kỹ thuật từ nước ngoài; những người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ; những công dân được đón về nước; lái xe, thủy thủ chở hàng và phi hành đoàn. Chưa kể những người nhập cảnh trái phép từ đường mòn lối mở tại biên giới.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tỷ lệ mắc Covid – 19 trong số những người nhập cảnh thời gian qua ở mức cao, nhất là với những công dân được đón về nước nên Ban chỉ đạo quốc gia đã tạm dừng đón người trở về từ những vùng dịch bệnh bùng phát mạnh.

“Việc đón công dân từ các nước trở về, đặc biệt là tại những vùng dịch, chúng tôi đã trao đổi với Bộ Ngoại giao, với những nước mà chúng ta đó công dân về nước, phát hiện nhiều người nhiễm như Nga thì tạm dừng, không đón công dân về nước nữa. Vì một chuyến bay có hơn 30 trường hợp nhiễm Covid – 19. Do vậy chúng ta cần thận trọng trong việc này”, ông Long cho hay.

Thời gian qua, cơ quan chức năng nhận được đề nghị của nhiều doanh nghiệp, đơn vị dự án xin phép cho chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao và lao động phổ thông nước ngoài nhập cảnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên số lượng người được xét duyệt chủ yếu là những chuyên gia, kỹ thuật cao của các dự án quan trọng. Số còn lại đang được xem xét hoặc đề nghị doanh nghiệp, đơn vị dự án sử dụng người lao động Việt Nam để thay thế. Đây được xem là biện pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Còn với nhóm lái xe, thủy thủ chở hàng, phi hành đoàn của các hãng hàng không, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông thời gian qua có 1 số kẽ hở trong quản lý, dẫn đến việc thực hiện các quy định về cách ly chưa chặt chẽ. Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp để siết chặt các quy định về cách ly. Nhóm người này phải ở khách sạn riêng, không được ở chung những khách sạn có các đối tượng khách lưu trú để tránh nguy cơ, rủi ro lây nhiễm.

“Chúng tôi đã làm việc với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về việc bố trí khách sạn cách ly cho các phi hành đoàn. Hà Nội đã chuẩn bị 4 khách sạn. Việc này địa phương kiểm soát là chính. Chúng tôi đã giao cho Cục Hàng không phải làm việc với cơ quan chức năng địa phương kiểm tra việc thực thi”, ông Đông cho hay.

Trong số 5 nhóm người có nguy cơ mang mầm bệnh xâm nhập, khó quản lý nhất hiện nay là những người nhập cảnh trái phép từ những đường mòn, lối mở dọc biên giới. Mặc dù số người này không nhiều nhưng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh vô cùng lớn. Gần đây tại Tây Ninh đã phát hiện người đàn ông 39 tuổi nhập cảnh trái phép từ Campuchia và trở thành bệnh nhân Covid – 19 thứ 315, khiến nhiều người tiếp xúc gần phải thực hiện cách ly theo quy định.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, khi kiểm soát chặt tại các cửa khẩu biên giới, thì tình trạng nhập cảnh trái phép có thể gia tăng. Bộ đội biên phòng đã sẵn sàng các phương án, đồng thời dựa vào tai mắt của nhân dân để có thể phát hiện những trường hợp “lọt lưới”.

“Trong thời gian qua thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng và Ban chỉ đạo, Bộ quốc phòng đã quyết liệt triển khai kiểm soát chặt chẽ đường mòn lối mở. Chúng tôi đã tăng cường gần 1500 tổ, đội, gần 9000 cán bộ chiến sĩ được tăng cường cho tuyến biên giới. Có thể nói là đã quản lý chặt đường mòn lối mở. Dự báo là sẽ có những người vượt biên để trốn cách ly. Bộ Quốc phòng đã chủ động các phương án tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt”, ông Phúc thông tin.

Kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, không để đê bao vỡ bởi những “điểm rò rỉ”, “tổ mối”, cũng như không để dịch bệnh lây lan cộng đồng trong thời điểm này sẽ góp phần từng bước đẩy lùi Covid – 19, tạo tiền đề để từ 1/7 tới, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, cho phép cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước và các cửa khẩu quốc tế sẽ cho phép người xuất nhập cảnh bằng loại thị thực này./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *