TÌNH CẢM CỦA BÁC HỒ VỚI LIỆT SĨ VÀ CHIẾN SĨ

Năm 1946, trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, Vũ Văn Thành, một chiến sĩ tự vệ Thủ đô đã anh dũng hi sinh. Biết tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết lá thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, người cha của liệt sĩ, nhằm bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ nỗi mất mát đau thương với một người cha, một trí thức lớn của đất nước lúc bấy giờ.

Bức thư có đoạn vô cùng xúc động: “Ngài biết rằng, tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là cả đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột…”.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng

Thư Bác khiến bác sĩ Vũ Đình Tụng “nhớ đinh ninh từng lời”. Sau này, trong hồi ký, có đoạn ông viết, đại ý là chính Bác Hồ đã dạy cho ông một bài học lớn lao, biết đem tình cảm riêng của mình, của gia đình mình đặt vào trong tình cảm thiêng liêng của Tổ quốc, của dân tộc !

Xin được nói thêm: Bác sĩ Vũ Đình Tụng (1895 – 1973) quê Vụ Bản, Nam Định, một trí thức Công giáo giàu lòng yêu nước và sớm giác ngộ đi theo cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhờ đức độ, lòng yêu nước và tài năng, bác sĩ được cất nhắc vào nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy của chính quyền mới, trong đó có chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, Giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của nước ta… Một người cha có vị thế chính trị – xã hội như thế, mà con hi sinh oanh liệt ngoài mặt trận, điều ấy khiến chúng ta hôm nay càng bội phần cảm phục.

Với liệt sĩ thì vậy, với các chiến sĩ đang trực tiếp cầm súng ngày đêm đối mặt với quân thù, tình cảm của Bác Hồ biểu hiện ra sao? Có lần, tự đáy lòng mình, Bác thốt lên: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn sao ngon được”. Mùa hè năm 1967, thời tiết Hà Nội nóng nực. Phòng Bác ở chủ trương không dùng điều hòa. Bác bàn với thư ký Vũ Kỳ: “Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc Hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Chú thử lên tìm hiểu xem, rồi về báo cho Bác ?”. Khi biết các cháu của mình đến nước chè còn chưa đủ uống, lấy đâu ra nước ngọt, Bác dùng số tiền tiết kiệm (chủ yếu là nhuận bút các bài báo của Bác), tất cả còn hơn 25 ngàn đồng (lúc đó tương đương với 60 lạng vàng); và Người yêu cầu mua nước ngọt cho các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Số tiền đó chắc không đủ, Bác gợi ý thêm là địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến, thì cùng góp sức vào mà lo cho trọn vẹn.

Thời đất nước có chiến tranh, anh bộ đội trở thành nhân vật trung tâm, được mọi người nâng niu, quý trọng, dành mọi tình cảm và vật chất có thể để các anh hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang Tổ quốc giao phó. Người cán bộ lãnh đạo của Đảng, từ vị trí, trách nhiệm và điều kiện của mình, càng cần phải biết quan tâm hơn nữa tới người chiến sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là một trong những phẩm chất không thể thiếu ở người cán bộ cách mạng.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18, tháng 5/1951, Bác căn dặn các cán bộ quân đội: “Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ chưa được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa có chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt…”. Cái ăn, cái mặc, cái ở thì ai ai cũng cần. Nhưng bộ đội phải được ưu tiên trước nhất. Người cán bộ suốt đời nên nhớ điều này.

Tình thương của Bác Hồ với liệt sĩ, thương binh và với chiến sĩ là tình cảm thật sự của một người cha đối với các con yêu của mình – rộng lớn, bao dung, ân cần, chi chút, máu thịt vô cùng… Nhờ vậy, không riêng gì Bác sĩ Vũ Đình Tụng, mà hầu hết đều tự nhiên thấy mình được an ủi, thấy nỗi đau và sự hi sinh của mình, của gia đình mình trở thành bé nhỏ trong tình thương mênh mông, trong sự hi sinh cao cả của vị Chủ tịch nước và của cả dân tộc Việt Nam!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *