Chế tài mạnh xử lý vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm

Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, từ ngày 15/10, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Trong khi đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP gồm 91 điều, bổ sung nhiều chế tài quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ban hành được kỳ vọng đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả đang có chiều hướng gia tăng.

Theo Nghị định, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức;

Đối với các cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 70 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật. Đối với hành buôn bán hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi.

Đối với hành vi sản xuất hàng giả, mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân. Tương tự mức phạt tối đa 200 triệu đồng nếu sản xuất hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế.

Trong lĩnh vực kinh doanh rượu, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng với hành vi bán, cung cấp rượu cho người dưới 18 tuổi. Trường hợp bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; sử dụng lao động dưới 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh rượu mức phạt từ 03 triệu đến 05 triệu đồng.

Đặc biệt, Nghị định đã dành tới 4 điều (từ Điều 62 đến Điều 66) để quy định về xử phạt các hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Theo đó, sẽ phạt nặng các hành vi vi phạm về về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động; hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử; hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử…

Chẳng hạn, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành đăng ký lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Triển khai cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đúng với hồ sơ đăng ký; Gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử…

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10, thay thế cho 03 Nghị định: Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *