Phá đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả quy mô lớn

Cầm đầu đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ quy mô lớn này là Nguyễn Trọng Vĩnh (SN 1976, trú tại khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Với sự giúp sức đắc lực của các đối tượng, Vĩnh đã tiếp nhận thông tin của 192 khách hàng để làm giả hơn 208 văn bằng, chứng chỉ. Trong số khách hàng mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả này có cả cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước…

Lộ diện các mắt xích trong đường dây

Khoảng cuối năm 2018, trong quá trình làm môi giới, tiếp nhận hồ sơ của các cá nhân đăng ký học tại một số trường trên địa bàn Hà Nội, Nguyễn Trọng Vĩnh nắm bắt được nhu cầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ môn học quản lý hành chính nhà nước và quản lý ngành giáo dục đào tạo, bằng tốt nghiệp trung cấp, bảng điểm, giấy xác nhận điểm, công văn xác nhận kết quả thi của nhà trường (gọi chung là văn bằng, chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ học tập, xin việc làm…) của một số cá nhân tổ chức. Từ đó, đối tượng nảy ý định phạm tội.

 

Đối tượng Nguyễn Trọng Vĩnh

Đường dây phạm tội đặc biệt nghiêm trọng này được hình thành khi Vĩnh móc nối được với số đối tượng có khả năng làm các văn bằng, chứng chỉ giả, trong số có Lê Đăng Thoa. Theo sự thoả thuận giữa Vĩnh và Thoa thì Vĩnh sẽ gửi thông tin khách hàng cần làm giả qua email giaoducthuongxuyen09@ gmail.com. Thoa sẽ sử dụng email haivanlehq@gmail hoặc hainguyen02081974@ gmail.com để nhận thông tin. Ngoài ra, các đối tượng còn gửi thông tin qua xe khách tuyến Hà Nội – Thanh Hoá. Việc giao, nhận văn bằng, chứng chỉ, tiền công làm giả cũng được thực hiện bằng xe khách. Để tránh bị phát hiện, trong quá trình này Vĩnh sử dụng tên giả là “An”, Lê Đăng Thoa sử dụng tên giả là “Hải”.

Khi khách hàng hoặc đối tượng trung gian liên hệ làm giả văn bằng, chứng chỉ, Vĩnh sẽ đề nghị họ gửi các loại thông tin, ảnh qua email hoặc zalo của Vĩnh. Đối với chứng chỉ ngoại ngữ tùy trình độ sẽ có giá từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. 2 triệu đồng/1 chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ môn học quản lý hành chính nhà nước và quản lý ngành giáo dục đào tạo; 1,5 triệu đồng/1 chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, bằng tốt nghiệp trung cấp. Một số trường hợp, Vĩnh thu tiền theo thỏa thuận với khách hàng, không theo mức giá nêu trên. Sau đó, Vĩnh chuyển thông tin khách hàng cho Thoa với các hình thức như trên để làm giả theo yêu cầu.

Khoảng tháng 9-2019, đường dây có sự tham gia của em dâu Vĩnh là Trần Thị Hiền, một người lao động tự do. Theo sự chỉ đạo của Vĩnh, Hiền có nhiệm vụ soạn thảo công văn, giấy xác nhận điểm giả; nhận văn bằng, chứng chỉ giả tại bến xe Giáp Bát do Thủy chuyển ra Hà Nội để chuyển đến đối tượng trung gian hoặc khách hàng mua văn bằng, chứng chỉ.

Đồng thời, Vĩnh còn giao Hiền thu tiền của đối tượng trung gian hoặc khách hàng mua văn bằng, chứng chỉ và chuyển lại cho Vĩnh; chuyển tiền công làm giả cho Thoa qua xe khách. Thoa được Vĩnh trả công từ 1 – 2 triệu đồng/1 tuần hoặc 2 tuần. Để Hiền biết, thực hiện việc giao, nhận văn bằng, chứng chỉ, thu tiền của khách hàng, Vĩnh sử dụng email gửi thông tin, số tiền cần thu vào email của Hiền. Sau mỗi lần giao dịch, hai đối tượng đều xoá dấu vết…

Trong số đối tượng trung gian gửi thông tin khách hàng cần làm giả văn bằng, chứng chỉ cho Vĩnh còn có bị can Vũ Thị Thái Hòa, là giáo viên đã nghỉ hưu. Hòa đã tiếp nhận thông tin, yêu cầu làm giả từ khách hàng hoặc Nguyễn Thị Thùy Linh, là giáo viên dạy tiếng Anh tại các trung tâm. Thời gian sau này, khi không được Vĩnh đồng ý làm các văn bằng, chứng chỉ giả, Vũ Thị Thái Hòa thông qua mạng internet để tìm kiếm, liên hệ nhờ đối tượng khác làm giả văn bằng, chứng chỉ.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định Nguyễn Trọng Vĩnh và các bị can đã làm giả văn bằng, chứng chỉ của Trường Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Hòa Bình và Trường Trung cấp tổng hợp Hà Nội cho nhiều khách hàng.

Giấy tờ giả hợp thức hóa hồ sơ

Vụ án bắt nguồn từ việc Công an tỉnh Thanh Hoá điều tra, bắt giữ 4 đối tượng về hành vi làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức… Quá trình điều tra, mở rộng vụ án đã xác định được hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, công văn của một số trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội; trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan cũng như việc sử dụng của một số cá nhân để hợp thức hoá các văn bản, giấy tờ xin việc của một số cá nhân…

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra Quyết định thực nghiệm điều tra về hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ của bị can Thoa. Kết quả thực nghiệm phù hợp với lời khai của bị can Thoa về phương thức, thủ đoạn làm giả văn bằng, chứng chỉ. Cơ quan ANĐT Bộ Công an có căn cứ xác định Vĩnh đã tiếp nhận thông tin của 192 khách hàng, một số công văn của các cơ quan, tổ chức để gửi cho Thoa làm giả 199 văn bằng, chứng chỉ và 6 công văn trả lời, gửi cho các đối tượng khác làm giả 3 văn bằng.

Tổng cộng, Vĩnh phải chịu trách nhiệm liên quan đến 208 văn bằng, chứng chỉ, công văn giả; thu lời bất chính 462 triệu đồng. Đối tượng Thoa đã tiếp nhận thông tin của 190 khách hàng, 3 công văn của các đơn vị để làm giả 205 văn bằng, chứng chỉ và công văn giả thu lời bất chính 30 triệu đồng; Vũ Thái Hoà chịu trách nhiệm liên quan đến 213 văn bằng, chứng chỉ giả, thu lời bất chính 423 triệu đồng; Nguyễn Thị Thuỳ Linh phải chịu trách nhiệm liên quan đến 212 văn bằng, chứng chỉ giả, thu lời bất chính hơn 1,1 tỷ đồng. Đồng thời, xác định vai trò và việc hưởng lời bất chính của các đối tượng còn lại trong đường dây gồm Hiền, Thuỷ…

Làm giả 227 văn bằng, chứng chỉ của 5 trường đại học, trung cấp

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã xác minh tại 5 trường đại học, trung cấp có liên quan (Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Hòa Bình và Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội); trưng cầu giám định Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định chữ ký, con dấu trên văn bằng, chứng chỉ đã thu giữ, kết quả xác định 227 văn bằng, chứng chỉ giả; trong đó có 5 công văn trả lời giả (số 289/CV-ĐHHN, số 736/CV-ĐHHN, số 512/CV-ĐHHN của Trường Đại học Hà Nội; số 532/CV-ĐHNN, số 354/CV-ĐHNN của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) và 222 văn bằng, chứng chỉ giả của 213 người.

Theo Báo ANTG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *