Xung đột Nga – Ukraine và quan điểm của Việt Nam: Kỳ 1 – Nguồn cơn của xung đột

Rạng sáng ngày 24/2/2022, Nga chính thức bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine. Dù với bất kỳ mục đích gì, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới. CLĐXT xin giới thiệu tới độc giả bài viết dài kỳ nhằm phân tích chuyên sâu về xung đột Nga – Ukraine, đồng thời nêu lên quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.

Kỳ 1: Nguồn cơn của xung đột

Với sự sụp đổ của Liên Xô sau Chiến tranh lạnh và nước Nga trở nên suy yếu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thúc đẩy tiến trình mở rộng về phía Đông, kết nạp ngày càng nhiều quốc gia ở Đông Âu, khu vực Balkan và trong không gian Liên Xô cũ. Bất chấp sự phản đối của Nga, năm 2004, ba nước cộng hòa vùng Baltic từng thuộc Liên Xô là Estonia, Latvia và Litva đã tham gia NATO. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008, Tổng thống Mỹ George W.Bush đã bày tỏ ý tưởng kết nạp Ukraine vào NATO trong tương lai.

Đối với Nga, sự mở rộng của NATO về phía Đông và nhất là viễn cảnh Ukraine gia nhập khối quân sự này được Moscow xem là “hành vi thù địch” và là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga. Bởi theo quan điểm của Nga, Ukraine không đơn giản chỉ là quốc gia láng giềng mà còn là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa Nga.

Bên cạnh những căng thẳng âm ỉ giữa Moscow với Mỹ và phương Tây liên quan đến tiến trình “Đông tiến” của NATO, nguồn cơn trực tiếp dẫn tới leo thang xung đột Nga – Ukraine hiện nay bắt đầu từ những sự kiện trong quan hệ Nga – Ukraine năm 2014. Vào tháng 2/2014, các cuộc biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Kiev của Ukraine đã dẫn đến làn sóng bạo lực lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych sau khi ông từ chối ký một thỏa thuận chính trị và thương mại lịch sử mà sẽ hướng Ukraine gắn kết hơn với EU.

Nga xem đây là cuộc đảo chính được sự hậu thuẫn bởi phương Tây nhằm chống Nga và do đó Moskva lập tức triển khai lực lượng tới Crimea và tổ chức trưng cầu dân ý, sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ Nga. Đồng thời, Nga đã hậu thuẫn phong trào ly khai ở miền đông Ukraine, giúp lực lượng này giành quyền kiểm soát một phần vùng Donbass dọc biên giới phía Đông Nam giữa Ukraine và Nga. Các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai diễn ra dữ dội sau đó.

Tháng 2/2015, vòng họp đầu tiên của nhóm Bộ tứ Normandy (Đức, Pháp, Nga, Ukraine) đã đưa ra thoả thuận Minsk, kêu gọi một giải pháp hướng tới lộ trình bình ổn tình hình trong khu vực. Thỏa thuận này yêu cầu các bên rút quân và toàn bộ vũ khí hạng nặng, trao đổi tù binh và thay đổi hiến pháp nhằm tổ chức đối thoại giữa chính quyền Kiev và hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine, đồng thời công nhận tình trạng đặc biệt và tản quyền đối với khu vực miền Đông này.

Tuy nhiên, thỏa thuận Minsk không được tôn trọng và căng thẳng trên tiền tuyến giữa hai bên không hạ nhiệt. Trong suốt 8 năm kể từ đó, phía Nga bị Kiev cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai ở Donbass, tăng cường gây sức ép và hăm dọa Ukraine, trong khi các chính quyền ở Kiev bị Moscow xem là ngày càng ngả về Mỹ, phương Tây và chống Nga.

Vào cuối tháng 12/2021, Nga đã công bố đề xuất an ninh 8 điểm với Mỹ và phương Tây, theo đó, yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, bao gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moscow cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập quân sự tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Trước yêu cầu của Nga, Mỹ và các nước đồng minh thuộc NATO cho rằng, theo chính sách mở cửa của NATO, bất cứ quốc gia châu Âu nào sẵn sàng thực hiện những cam kết và nghĩa vụ thành viên đều được hoan nghênh gia nhập liên minh quân sự này. Vì vậy, họ thẳng thừng từ chối những đề xuất an ninh của Nga, ngoại trừ việc đồng ý thảo luận vấn đề kiểm soát tên lửa tại châu Âu.

Căng thẳng trên thực địa ngày càng gia tăng khi Nga tập trung binh sĩ và các khí tài sát biên giới Ukraine. Trong khi đó Mỹ và phương Tây liên tục tố cáo Nga chuẩn bị “chiến dịch tạo cớ tấn công Ukraine” và do đó, NATO đã đặt binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đồng thời triển khai các tiểu đoàn, máy bay và tàu chiến để bảo vệ những quốc gia thành viên tại khu vực. Ngày 21/2, Tổng thống Nga Valadimir Putin đã tuyên bố công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine, đồng thời chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới đây để “gìn giữ hòa bình”.

Sau những thất bại ngoại giao nhằm tháo gỡ căng thẳng, rạng sáng ngày 24/2, Nga chính thức bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine nhằm mục tiêu mà Moscow tuyên bố là “phi quân sự hóa”, “trung lập hóa” Ukraine và bảo vệ người dân ở Donbass. Về phía Mỹ và các đồng minh NATO, các tuyên bố đến nay cho thấy họ sẽ không triển khai quân đội đến chiến đấu ở Ukraine nhưng sẽ bảo vệ các đồng minh NATO trước các mối đe dọa từ Nga. Mỹ và các nước phương Tây cũng đồng loạt tuyên bố viện trợ vũ khí và tài chính cho Chính quyền Kiev, đồng thời tung ra hàng loạt đòn trừng phạt nhằm vào Nga.

Mặc dù với bất kỳ nguyên nhân và mục tiêu gì, xung đột Nga – Ukraine đang tác động nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc tới địa chính trị toàn cầu cũng như sự vận động của trật tự châu Âu và quốc tế những năm tới. Nếu cuộc chiến kéo dài trước mắt sẽ có thể gây ra cuộc khủng hoảng lớn về vấn đề di dân, tị nạn và nhân đạo ở châu Âu, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng lương thực và năng lượng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra những khó khăn lớn cho công cuộc phục hồi và phát triển của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *