Các luận điệu xuyên tạc chiến thắng 30/4/1975 sẽ bị sức mạnh và giá trị chân chính đè bẹp

– Trong những ngày tháng Tư này, trên một số trang mạng, một số nhóm tác giả đang cho đăng những bài viết để xuyên tạc ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải Phóng hoàn toàn miền Nam, thông nhất đất nước, ngày 30/4/1975. Chúng đưa ra các luận điệu như: Ngày 30/4/1975 là dấu mốc gây chia rẽ dân tộc; rằng có thể dùng các biện pháp hòa bình để thống nhất đất nước; rằng cứ để hai miền Bắc-Nam theo hai chế độ khác nhau thì đất nước sẽ phát triển hơn… Phải khẳng định rằng, đó là những luận điệu trên hoàn toàn sai trái, phủ nhận sạch trơn mọi sự hy sinh của thế hệ cha ông để đất nước có được hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển như hôm nay.

Các luận điệu xuyên tạc lịch sử chắc chắn sẽ thất bại

Bất cứ dân tộc nào trên thế giới, đều có quyền tự hào về truyền thống lịch sử đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc của mình. Chiến thắng 30-4-1975 kết thúc sự chia rẽ Bắc – Nam, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài trên 100 năm của thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc, lập ra nước Việt Nam độc lập, non sông thu về một mối. Dấu mốc này đã trở thành một trang sử vàng, chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc để các thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ và phát huy.

11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng của Dinh Tổng thống Ngụy (nay là Dinh Độc Lập)

Chiến thắng 30/4/1975 là một sự kiện trọng đại có tầm ảnh hưởng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc trong thế kỷ XX. Đó là thắng lợi của chính nghĩa trước bạo lực, cường quyền; là biểu tượng sáng ngời về ý chí bất khuất, khát vọng hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Đó là lịch sử, mà lịch sử chỉ hiện hữu sự thật, không thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc.

Thế nhưng, trên một số trang mạng xã hội, những thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, những kẻ tự xưng là “người yêu nước”, “người bất đồng chính kiến” lại tìm cách xuyên tạc, bóp méo giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Một số kẻ thất bại của Hoa Kỳ xuyên tạc rằng: “Đó là sự nhân nhượng của Chính phủ Mỹ” chứ không phải là chiến thắng của Việt Nam; Hoa Kỳ “đưa quân” vào Việt Nam không phải nhằm thống trị Việt Nam mà muốn “đưa Việt Nam về với thế giới tự do”. Thậm chí xuyên tạc thành “Cuộc chiến tranh xâm lược của miền Bắc với miền Nam”.

Bộ phim “Chiến tranh Việt Nam” (The Vietnam War, 2017) được phát trên kênh truyền hình PBS và đưa lên Internet (có phụ đề tiếng Việt), trong đó, nhóm tác giả đưa nhiều hình ảnh tang thương, chết chóc trong chiến tranh mà bất cứ cuộc chiến tranh nào trên thế giới cũng không thể tránh khỏi, rồi bình luận, đổ tất cả lỗi lầm, những tổn thất về sinh mạng, của cải lên quân dân ta.

Về bản chất, chiến thắng 30/4 bắt nguồn từ đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, từ truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành một chân lý của thời đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Về mặt lịch sử, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là sự tiếp nối cuộc Cách mạng tháng Tám, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ngoài ra không có bất cứ một lý do nào khác.

Với Hoa Kỳ, nguyên nhân thất bại của họ bắt nguồn từ giới cầm quyền hiếu chiến thời kỳ đó đã đánh giá sai nội dung của thời đại ngày nay. Đó là thời đại, các dân tộc đã nhận thức được quyền dân tộc tự quyết, về quyền lựa chế độ xã hội, lựa chọn con đường phát triển của mình mà không có bất cứ một thế lực nào có thể cản trở.

Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy, cuộc chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của phương Tây) là một cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ khởi xướng, với sự tiếp tay của ngụy quyền Sài Gòn. Trong suốt 21 năm chiến tranh, với quyết tâm chiếm bằng được miền Nam Việt Nam, Mỹ đã thay đổi 5 chiến lược quân sự, huy động tới hơn nửa triệu quân, cùng hàng vạn quân Đồng minh làm xương sống cho hơn 1 triệu quân nguỵ. Trong thời kỳ này, Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần dùng thủ đoạn ngoại giao, hòa hoãn với nhiều nước lớn XHCN để rảnh tay xâm lược Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã sử dụng tất cả những vũ khí, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất, kể cả hàng rào “điện tử”, pháo đài bay B52, vũ khí sinh học, hóa học, hòng đưa Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”. Trong cuộc chiến tranh này, Hoa Kỳ đã ném xuống Việt Nam 7,8 triệu tấn (gấp hơn 3 lần số bom, đạn Mỹ sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên).

Mỹ cũng đã rải xuống miền Nam Việt Nam 85 triệu lít chất độc hóa học điôxin. Hậu quả là hơn một nửa diện tích rừng của Việt Nam đã bị thiêu rụi và đến nay di chứng của chất độc trên con người và đồng ruộng vẫn còn tồn tại.

Với âm mưu thâm độc, nhằm biến Việt Nam thành thuộc địa để cai trị, Mỹ đã mất trên 58.000 binh sỹ (chết và mất tích), tiêu tốn 676 tỷ USD, đưa cuộc chiến tranh Việt Nam trở thành một trong những cuộc chiến tranh tổn thất nhiều sinh mạng và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Sức mạnh chân chính đè bẹp bè lũ phản động

Chiến thắng 30/4/1975 cho thấy một chân lý: không phải bao giờ sức mạnh của cường quyền bạo lực và đồng tiền cũng đè bẹp được chính nghĩa. Đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, Việt Nam là đại diện chân chính cho chính nghĩa, cho nên trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ to lớn cả về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế và lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Tính chất phi nghĩa, tàn bạo của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bộc lộ rõ trong chiến tranh, đã ngày càng bị thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ lên án, phản đối. Trong thời gian xảy ra chiến tranh, ở Mỹ đã có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh, có 16 triệu trong tổng số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì, chống chiến tranh ở Việt Nam, không chịu nhập ngũ.

Bản chất phụ thuộc theo đuôi Mỹ của chế độ Sài Gòn và mối quan hệ giữa họ cũng ngày càng được phơi bày. Nguyễn Văn Thiệu – người đứng đầu chế độ Sài Gòn – khi còn đương nhiệm đã công khai “lý tưởng” của chính quyền ông ta: “Mỹ còn viện trợ thì chúng ta còn chống Cộng”, “nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc lập”.

Trước đó, để ép chính quyền Thiệu phải ký hiệp định Pa-ri (tháng 01/1973), R. Ních-xơn, Tổng thống Mỹ cũng từng trao đổi với thuộc cấp của mình rằng: “Tôi không biết sự đe dọa của chúng ta có đi quá xa không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì, kể cả những điều không hay ho gì như cắt cái đầu của Thiệu”. Trong diễn văn từ chức vào thời điểm không thể cứu vãn nổi sự sụp đổ (ngày 21/4/1975), Nguyễn Văn Thiệu đã không tiếc lời chỉ trích Mỹ: “là một đồng minh thất hứa, thiếu công bằng, thiếu tín nghĩa, vô nhân đạo, trốn tránh trách nhiệm,…”.

Những điều đó, thật khác xa với những gì mà trước đó họ thường rêu rao, tâng bốc nhau, mà không ít người lầm tưởng như họ là “đồng minh”, là đại diện của “chính nghĩa, quốc gia, dân tộc”.

Đối với dân tộc Việt Nam, chiến thắng ngày 30/4/1975 không phải là một thắng lợi dễ dàng. Thực sự, đó là “chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn”. Hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống; hàng ngàn làng mạc, thành phố bị san phẳng; nhiều di chứng của cuộc chiến đến nay vẫn dày vò hàng chục vạn gia đình.

Vượt qua những mất mát đau thương, chúng ta đã để lại cho hậu thế và bạn bè quốc tế sự kính trọng và nể phục về sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam. Chiến thắng đã thuộc nhân dân Việt Nam anh hùng, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó cũng là thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Chiến thắng 30/4/1975, đất nước giải phóng, Bắc – Nam sum họp một nhà. Đây là lần đầu tiên sau 117 năm (từ năm 1858 đến năm 1975), đất nước không còn bóng quân xâm lược. Chiến thắng ngày 30/4/1975 của nhân dân ta được thế giới, trong đó có cả những chính khách, tướng lĩnh Mỹ từng trực tiếp tham gia, buộc phải hết lời ca ngợi, xem đó như một biểu tượng của tinh thần quả cảm, không chịu khuất phục.

Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

(Theo Butdanh.net)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *